|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: VGP) |
Cùng dự "Đối thoại 2045" có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Bộ trưởng Công thương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư, TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo và đại diện hơn 50 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Buổi đối thoại này là dịp để lắng nghe, chia sẻ ý kiến, nguyện vọng của các trí thức, các doanh nghiệp bởi đây là đội ngũ có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển đất nước. Để đất nước phát triển, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chúng ta cần kích hoạt, giải phóng các nguồn lực, mọi tiềm năng của nhân dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đến 2045, sẽ xuất hiện các tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Chính phủ và bản thân tôi mong muốn tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, trí thức đều thấm nhuần tinh thần nỗ lực vươn lên mãnh liệt. Một thí dụ minh họa rõ nhất mà thời gian qua chúng ta đã làm được, đó là tinh thần đồng lòng, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình “Đối thoại 2045” do Chính phủ khởi xướng hôm nay sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ với nhiều chủ đề khác nhau. Tôi tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp các nguồn lực để hướng đến Việt Nam phát triển vào năm 2045".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu ra những thách thức tại buổi đối thoại để các doanh nhân, chuyên gia… đóng góp ý kiến như: thu nhập bình quân của Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp, các yếu tố nền tảng để phát triển chưa vững chắc; tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa chậm, năng lực cạnh tranh ở mức trung bình thế giới; quản trị còn nhiều vấn đề bất cập, nhất là một số thách thức ngày càng lớn như thiên tai, dịch bệnh ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên…
Tại buổi đối thoại, đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu đã phát biểu, đề xuất đến Chính phủ một số ý kiến để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển chung. Những đại biểu trong giới doanh nhân, trí thức Việt Nam đã cùng nhau góp ý kiến để xây dựng một Việt Nam hùng cường, một quốc gia phát triển vào năm 2045. Thống kê sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt có đại diện tham dự trong sự kiện hôm nay lên tới 26 tỷ USD/năm.
Đại diện Tổ hợp VinFast, tập đoàn Vingroup bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã tổ chức cuộc đối thoại. Với slogan “Mãnh liệt Việt Nam” VinFast đang cho thấy tinh thần mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến, khi Chính phủ, người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.
|
Ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp VinFast tại Hải Phòng, chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. Ảnh VGP |
Là một trong số gương mặt nữ tại sự kiện đặc biệt này, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet, Phó Chủ tịch thường trực HDBank kiến nghị cần phải đầu tư vào giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.
“Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại, hiện đại nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ” - bà Phương Thảo cho biết.
|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu ý kiến. |
Đề xuất để Việt Nam là một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, nữ doanh nhân nhấn mạnh phải làm sao để Việt Nam đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách và nhà đầu tư. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Để hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, chúng ta cần chú trọng giải pháp đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045. Theo ông Tuấn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm qua luôn đạt được các kết quả ấn tượng. Bên cạnh các giải pháp hiệu quả từ sự điều hành của Chính phủ, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa, môi trường cũng như tăng trưởng GDP để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước.
Phát biểu tổng kết buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Qua các ý kiến, đề xuất, hiến kế của các doanh nghiệp, trí thức, chúng ta thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng hòa các ý kiến có thể đặt ra năm vấn đề là: con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia; cần quan tâm đổi mới thể chế - đây là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cần trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể; nguồn nhân lực phát triển đi liền với khởi nghiệp sáng tạo; bảo vệ văn hóa Việt Nam vì đây là yếu tố rất quan trọng.
Thủ tướng tin rằng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới. “Đối thoại 2045" có ý nghĩa quan trọng, được tổ chức định kỳ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.
"Đối thoại 2045" thể hiện sự kết tinh tinh thần yêu nước của người dân, doanh nghiệp, trí thức trước sự phát triển của đất nước; tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động, yêu sáng tạo của nhân dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương chú trọng việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết: Năm 2020, chúng ta đã đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoàn thành “mục tiêu kép” được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Trong kết quả đó, vai trò của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia, doanh nghiệp là rất có giá trị và ý nghĩa. Thủ tướng kêu gọi hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự.
Theo QUANG QUÝ - THANH TÙNG/Báo Nhân dân