|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng ngày, 2 dự án khác của tuyến cao tốc quan trọng này cũng được khởi công là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tại tỉnh Đồng Nai.
Ba dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác sẽ từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong ngày 30/9 và tiếp tục thúc đẩy việc khởi công 5 dự án còn lại vào tháng 10 tới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành giao thông. Khi hoàn thành, cả nước sẽ có gần 2.000 km cao tốc.
“Không có giao thông thì khó phát triển được đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phấn đấu để có hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh đó cần xây dựng đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng nước sâu, tàu điện ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nâng cấp cấp tốc hệ thống đường sắt đang lạc hậu.
Biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, Thủ tướng cũng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương cả nước đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… Công tác giải phóng mặt bằng tuyến này đã hoàn thành hơn 93%.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao, biết ơn người dân các địa phương đã ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia này.
Nhấn mạnh yêu cầu “làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng”, Thủ tướng nghiêm cấm việc bán thầu, tránh tình trạng thầu phụ ăn chênh lệch; đảm bảo chất lượng vật liệu thi công và các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật; làm sai thì phải xử lý nghiêm.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ yêu cầu về bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực.
Thủ tướng chỉ đạo, phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, giám sát thiết kế; tăng cường kiểm tra, giám sát, ghi nhật ký công trình để bảo đảm trách nhiệm từng khâu, từng đoạn, từng đơn vị; rút kinh nghiệm từ việc thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thời gian qua.
Thủ tướng lưu ý, sau khi có cao tốc, cần triển khai ngay các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương; tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế từ cao tốc.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị thi công và chú trọng giám sát chất lượng, tiến độ dự án.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Với chiều dài dự kiến 654 km, gồm 11 dự án thành phần, dự án cao tốc Bắc - Nam kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...
Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài khoảng 63,37 km, thời gian thi công 2 năm. Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17 m); vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe (32,25 m), vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng công ty 319, đại diện các nhà thầu, đơn vị thi công cam kết huy động nhân lực, thiết bị tốt nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trở thành gói thầu tiêu biểu về chất lượng, tiến độ. Đại diện nhà thầu khẳng định nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra, bố trí cán bộ công nhân lành nghề, tổ chức thi công đúng phương án kỹ thuật, tuân thủ quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát; huy động mọi nguồn lực thi công, yêu cầu tối đa là hoàn thành trong 24 tháng, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, nơi công trình đi qua.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Việc khởi công dự án tạo cơ hội triển khai các dự án lớn khác như du lịch, cảng biển, kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhận thức tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, tỉnh đã tích cực tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, đến nay toàn bộ mặt bằng cho dự án đã hoàn thành, sẵn sàng bàn giao cho chủ đầu tư. Tỉnh cam kết tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, vật liệu xây dựng, an ninh trật tự để các nhà thầu thi công thuận lợi.
Theo Quang Vũ - Khiếu Tư (TTXVN)