|
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trong không khí thân mật, cởi mở, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề cụ thể, thực chất để tăng cường hợp tác trong nỗ lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề về vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao quan hệ hợp tác, những hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế thế giới đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong suốt 45 năm qua.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, đánh giá cao vai trò của Tổ chức Y tế thế giới và cá nhân Tổng Giám đốc trong điều phối hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh nói chung, phòng chống dịch COVID-19 nói riêng, thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới cũng như sự ủng hộ, chung tay hành động của người dân, đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo theo chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Thủ tướng nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là các biện pháp chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình. Sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần vào nỗ lực phòng, chống dịch hiệu quả để Việt Nam thực sự trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới phổ biến rộng rãi.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX. Ông đặc biệt cảm kích khi Việt Nam đã tiếp nhận, điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên hợp quốc mắc COVID-19 vừa qua.
Tại cuộc điện đàm, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới chia sẻ thông tin về việc nguồn cung vaccine hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9/2021. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực, tình trạng tích trữ vượt quá nhu cầu ở một số nước gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của COVAX cũng như khả năng tiếp cận vaccine của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ghi nhận các đề nghị của Việt Nam về việc ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực. Ông khẳng định sẽ cử các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định Tổ chức Y tế thế giới sẽ quan tâm và làm hết sức mình để ủng hộ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam; sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và phòng, chống dịch COVID-19.
Theo TTXVN/Báo Tin tức