|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành, đơn vị liên quan; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội. Dự tại đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố là Bí thư tỉnh, thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian để thông tin về tình hình dịch COVID-19. Theo Thủ tướng, sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đạt kết quả nhất định, song chưa như mong muốn, vì vậy cần tiếp tục tập trung các giải pháp kiểm soát dịch bệnh. Trong đó tiếp tục thực hiện giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, huyện với huyện. Đặc biệt, thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” để ngăn chặn nguồn lây, tiến tới khống chế, dập tắt dịch bệnh. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội không được để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng nhu cầu y tế mọi lúc, mọi nơi, với mọi người; đảm bảo an ninh, trật tự, an dân.
Theo Thủ tướng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội dài ngày nên cần thêm nguồn lực. Thủ tướng được biết, nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực, huy động hàng trăm y, bác sĩ, hàng trăm tấn hàng hóa chi viện cho miền Nam. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBNND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh tiếp tục chia sẻ khó khăn, hỗ trợ về nhân lực, vật lực, nhất là huy động đội ngũ bác sĩ hồi sức, cấp cứu, điều dưỡng viên để chi viện cho các tỉnh phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước. Với tinh thần “tương thân, tương ái” và với trách nhiệm cao cả, tất cả vì miền Nam ruột thịt, Thủ tướng khẳng định: “TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được bình yên, cả nước sẽ bình yên”.
Về Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch. Từ đó đến nay, Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo triển khai Luật Quy hoạch song hiện chưa đạt tiến độ như mong muốn. Hội nghị nhằm bàn nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy triển khai Luật Quy hoạch đúng tiến độ, hiệu quả, thực chất.
Hội nghị đã nghe và thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, tập trung phân tích về kết quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030; việc thực hiện chuyển tiếp và điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011- 2020 khi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt; việc chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của Luật Quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, đến nay, quy hoạch tổng thể quốc gia đang ở giai đoạn hoàn thiện khung định hướng; về các quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành đã lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 36/3.814 nhiệm vụ; về quy hoạch tỉnh đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, còn hai địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định… Dự kiến trong năm 2021, có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nêu và phân tích nguyên nhân của một số khó khăn, hạn chế; bài học kinh nghiệm; đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; tập trung nghiên cứu xây dụng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Đặc biệt là về sự phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ, hài hòa giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực...
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác quy hoạch rất quan trọng, vì bất kỳ địa phương, lĩnh vực nào cũng phải có quy hoạch, do đó công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Công tác quy hoạch hiện nay nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Luật Quy hoạch 2017, do đó quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương để phát triển bền vững. Làm tốt công tác quy hoạch đồng thời cũng nhận rõ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình, từ đó có quy hoạch phát triển kinh phù hợp. Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác quy hoạch là vấn đề không mới, song cái mới của công tác quy hoạch hiện nay là làm đồng thời quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, ngành... Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, kết hợp, trao đổi với nhau để thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị lập quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, cũng như bám sát Luật Quy hoạch và các nghị quyết, nghị định của Chính phủ. Trong quá trình làm quy hoạch nếu phát sinh ở cấp nào, ngành nào, lĩnh vực nào, bộ, ngành, địa phương đó sẽ phải giải quyết; vướng mắc ở cấp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp trình Chính phủ xem xét, giải quyết. Quá trình làm quy hoạch phải “bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”, trên tinh thần “ cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định sẽ mạnh dạn thí điểm, không cầu toàn nhưng không nóng vội”.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương lập Ban Chỉ đạo công tác quy hoạch, trong đó Bí thư cấp ủy, đứng đầu chính quyền các cấp làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác quy hoạch ở ngành, địa phương mình. Cấp ủy chỉ đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, rõ trách nhiệm, gắn với giám sát kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Cải cách hành chính, giảm tối đa các thủ tục hành chính.
Chọn tư vấn có chất lượng, song bộ, ngành, địa phương vẫn là chủ trì, mang tính quyết định, đảm bảo chất lượng quy hoạch. Ngoài ngân sách nhà nước, các ngành, địa phương, đơn vị huy động các nguồn lực khác tập trung cho công tác quy hoạch. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, không câu nệ về hành chính, không cục bộ, chia cắt, manh mún. Các bộ, ngành, công bố định hướng quy hoạch ngành để các địa phương tham khảo và ngược lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị này có nhiều ý kiến sâu sắc, căn cứ và bám sát thực tiễn. Vì vậy, các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của các địa phương và các địa phương cũng tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để phối hợp, điều chỉnh, hoàn chỉnh, triển khai.
Theo Thủ tướng, những ý kiến tại hội nghị này sẽ được các cơ quan Chính phủ tiếp thu để Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số Nghị định liên quan công tác quy hoạch phù hợp với tình hình, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình làm quy hoạch, với tinh thần vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, đảm bảo kết nối quy hoạch ngành, tỉnh, vùng và quốc gia...
Theo Phạm Tiếp (TTXVN)