Tiếp tục chia sẻ, động viên và giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống

(Mặt trận) - Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10 - 18/11), tối 15/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức Cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" 2017.

Tham dự chương trình diễn ra tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt và các Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm.

Tại các điểm cầu, thông qua phóng sự, khán giả đến với những câu chuyện về người nghèo ở hai huyện đặc trưng cho 2 vùng miền: huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Đây là những nơi người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng hiện nay đã "thay da đổi thịt" do nhận được những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn Quỹ "Vì người nghèo". Khán giả thấy được câu chuyện về những mảnh đời éo le cần được chung tay giúp đỡ, điển hình như gia đình chị Trương Thị Lĩnh, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ miền Trung, có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng thất nghiệp, ba người con đứng trước nguy cơ thất học... Chương trình chia sẻ những câu chuyện giản dị, mộc mạc của cụ già neo đơn; em nhỏ mong được đến trường; bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; thanh niên khuyết tật nói lên những mong muốn của họ trong cuộc sống... Những mảnh đời, những số phận mang tới khán giả thông điệp: "Đừng để người nghèo bị bỏ lại phía sau. Hãy chung tay vì người nghèo bằng những hành động nhỏ nhất để xã hội ngày một phát triển".

Như câu chuyện của gia đình anh Đào Thanh Bình ở Lâm Thao, Phú Thọ - một bệnh nhân bị ung thư gan đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup hỗ trợ đang dần khoẻ lên. Những lúc khó khăn nhất, u tối nhất gia đình anh đã được cộng đồng giúp đỡ. Đây chính là động lực để gia đình anh Bình có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hay như câu chuyện của gia đình chị Trương Thị Lĩnh, ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ miền Trung. Nhà cửa tan hoang, phải đi ở nhờ. Chồng chị đang thất nghiệp, 3 đưa trẻ ở độ tuổi đến trường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên có nguy cơ thất học. Mang trong mình bệnh tật, chị Lĩnh cho biết, mong ước lớn nhất là có sức khỏe để đảm đương công việc gia đình vì các con chị còn quá nhỏ.

Trước hoàn cảnh của gia đình chị, ngay tại chương trình, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã gửi đến gia đình chị món quà 100 triệu đồng để dựng lại căn nhà mới. Sự bất ngờ còn đến từ tấm lòng của ông Trần Hữu Trung, đại diện cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, đã hỗ trợ 3 con chị Lĩnh tiếp tục được đến trường với mong mỏi “kiến thức chính là nền tảng để gia đình chị thoát nghèo”.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - người từng gắn bó nhiều năm với công tác vì người nghèo đã chia sẻ về sự thay đổi của các mô hình hỗ trợ người nghèo trên cả nước hiện nay. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua 17 năm, các hoạt động xóa đói giảm nghèo của MTTQ Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần triển khai để triển khai xuống cơ sở giảm nghèo hiệu quả, cần kết hợp giữa chương trình giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh tạo ra phương thức giảm nghèo, cần có một tổ chức chính trị đứng đằng sau hỗ trợ để từng hộ cá thể thoát nghèo bằng việc liên kết qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.

 

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, với truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hết sức quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

Trong 17 năm qua, hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc ủng hộ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận được hơn 13 ngàn tỷ đồng. Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương tiếp nhận được 36 ngàn tỷ đồng, góp phần xây dựng và sửa chữa hơn 1,4 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ về vốn và tư liệu sản xuất; hàng chục ngàn công trình dân sinh được sửa chữa. “Kết quả đó góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới  của Chính phủ.” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ, đất nước ta thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bão lũ, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, số hộ nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Ngay tại thời điểm này, nhiều địa phương do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn bất thường, tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.

Để giúp đỡ người nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1258 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Thư động viên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ, trợ giúp thiết thực cho người nghèo, vùng nghèo với hình thức phù hợp, trong đó có hình thức thông qua Quỹ “Vì người nghèo” góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững mà Đảng, Nhà nước đề ra; đồng thời cũng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn, mỗi hộ nghèo, người nghèo bằng nỗ lực của bản thân, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng, hãy vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ năm 1992 đến nay, mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách cho giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Cùng với thành tựu phát triển chung, to lớn của đất nước, công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo.

Tuy nhiên theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn rất nhiều khó khăn, thách thức. “Trong mấy ngày qua, cả nước đã hướng về nhân dân các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nơi bị mưa lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Đó là đồng bào của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục chia sẻ, động viên và giúp đỡ họ”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, Việt Nam còn trên 3 triệu hộ nghèo và cận nghèo. Đảng, Nhà nước đã đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 1%-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. “Đây là việc làm rất khó khăn, nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Cùng với việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực và sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”. Thủ tướng chia sẻ.

Với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhân ngày Thế giới phòng chống đói nghèo và ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng.

“Thiết thực nhất lúc này, xin quý vị cầm điện thoại lên, soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng.” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

 

Tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã thể hiện sự chung tay vì người nghèo và cam kết sẽ hỗ trợ người nghèo, đảm bảo phát triển bền vững khi đặt tay lên quả cầu; nhắn tin hưởng ứng đợt vận động nhắn tin ủng hộ ngày Vì người nghèo Việt Nam 2017, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400. 

Tại chương trình, Ban tổ chức đã tiếp nhận ủng hộ và cam kết ủng hộ cho người nghèo qua chương trình an sinh xã hội và Quỹ Vì người nghèo Trung ương tổng số tiền là hơn 264 tỷ đồng. Trong đó, có 82 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ và cam kết ủng hộ qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương số tiền là 47,5 tỷ đồng; có 15 đơn vị cam kết ủng hộ người nghèo bằng chương trình an sinh xã hội như khám chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng,… với số tiền tương đương 216,5 tỷ đồng.

Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều