|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc triển khai các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả họat động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hiện Bộ Tài chính giảm biên chế công chức hành chính hơn 10% (7.426 người, riêng Tổng Cục thuế có sự sắp xếp mạnh mẽ, giảm được khoảng 5.000 người); sắp xếp lại tinh gọn để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Phạm vi quản lý của Bộ Tài chính rất lớn với 2 đơn vị trực thuộc, 8 đơn vị sự nghiệp, 5 tổng cục… nhưng đã triển khai thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW. Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, đánh giá toàn bộ các vấn đề, mô hình tinh giản biên chế, sắp xếp lại hoạt động để xem xét, nhìn nhận vấn đề phù hợp thực tế.
Nguồn ngân sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đến năm 2021 đã giảm 31,75% so với giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Trương Thị Mai nhận định, Bộ Tài chính làm tốt hơn so với mục tiêu 10% của Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra. Đồng thời, Bộ Tài chính làm tốt công tác cải cách hành chính, đứng thứ 2/20 cơ quan quản lý nhà nước; cần tiếp tục phấn đấu là đơn vị đi đầu để Việt Nam đạt mục tiêu nhóm nước ASEAN 4.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Bộ Tài chính đang ở trong tình trạng như nhiều cơ quan khác trên cả nước, đó là, tinh giản biên chế không tập trung vào người năng lực kém mà chủ yếu rơi vào những người xin thôi việc, bỏ việc hoặc nghỉ hưu nhưng không có chính sách để thu hút lớp trẻ được đào tạo bài bản vào làm việc… Trong khi đó, chúng ta đặt mục tiêu, tinh giản những người làm việc kém, năng lực kém, không đáp ứng yêu cầu công việc. Vấn đề này cần phải đánh giá trung thực”.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị, với trách nhiệm với Đảng, Nhà nước giao phó, Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được để nghiên cứu việc sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy. “Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nếu chỉ làm tinh gọn mà không nâng cao hiệu lực, hiệu quả không đáp ứng được yêu cầu thì mới chỉ dừng lại ở sắp xếp gọn gàng lại, nhưng không làm được mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả”, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.
Ghi nhận những kiến nghị của Bộ Tài chính, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý đề xuất biên chế sắp tới “không được máy móc, không được dàn đều”, cân đối bố trí nhân sự từng nơi, từng nhiệm vụ với việc đưa công nghệ thông tin; từ đó phục vụ thuận lợi nhất cho người dân.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin, trong thời gian tới, lần đầu tiên Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế cho 5 năm tiếp theo; kèm theo đó là cơ chế quản lý hiệu quả, hợp lý, cơ động, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp để tính toán, điều hành hợp lý, không cứng nhắc.
6 nguyên tắc và 3 căn cứ
Theo báo cáo, triển khai các quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế và xây dựng, Bộ Tài chính, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã tổ chức học tập, quán triệt tinh thần của các Nghị quyết 39-NQ/TW; Nghị quyết 18-NQ/TW; Nghị quyết 19-NQ/TW; Nghị quyết 27-NQ/TW.
Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế; hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế và quán triệt chủ thực hiện chủ trương trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Công tác kiểm tra, giám sát được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện tại các đơn vị, những khó khăn, vướng mắc, sai phạm, từ đó tháo gỡ…
Việc quản lý và sử dụng biên chế được thực hiện chặt chẽ, tập trung, thống nhất, phân bổ biên chế có nguyên tắc, linh hoạt trên cơ sở gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và phù hợp với quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành tài chính. Công tác tinh giản biên chế được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, có lộ trình và kế hoạch cụ thể.
Theo đó, việc sắp xếp bộ máy đã góp phần giảm bớt các tầng nấc trung gian gắn với cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc rà soát danh mục bản mô tả vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ và lãnh đạo quản lý đặc thù ngành tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như quá trình thực hiện khi các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay quy định một số nội dung chưa đồng nhất, rõ ràng; việc giao biên chế hành chính giai đoạn 2015 - 2021 được cắt giảm theo tỷ lệ hàng năm, chưa gắn với yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đề xuất của các đơn vị; việc giao biên chế sự nghiệp chưa phù hợp với thực tế; công tác kiện toàn bộ máy của một số tổ chức, đơn vị chưa đúng tiến độ đề ra…
Trên cơ sở 6 nguyên tắc và 3 căn cứ, giai đoạn 2022-2026, Bộ Tài chính đề xuất đảm bảo bố trí biên chế cần thiết cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt, tập trung vào những đơn vị có nhiệm vụ, chức năng xây dựng chính sách, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tác nghiệp trực tiếp, có tính đặc thù do phải bố trí cán bộ triển khai nhiệm vụ 24/7. Năm 2022, Bộ Tài chính được giao 66.836 biên chế công chức (bằng số biên chế công chức được giao năm 2021). Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục được giao ổn định biên chế trong cả giai đoạn 2023-2026 là 66.836 chỉ tiêu công chức.
Đối với biên chế sự nghiệp, trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Tài chính sẽ thực hiện giảm chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động thường xuyên, để các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động tăng cường tự cân đối chi từ nguồn thu sự nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu giai đoạn 2012-2026 giảm ít nhất 10% so với năm 2021.
Năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến, tổng số biên chế đề xuất giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên và ngân sách đảm bảo chi thường xuyên 2.049 chỉ tiêu. Giai đoạn 2023-2026, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước theo mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giao biên chế cho các đơn vị trong ngành theo hướng đảm bảo nguyên tắc không cào bằng với tỷ lệ giảm như nhau tại các đơn vị mà trên cơ sở thực tế chức năng, nhiệm vụ, quy mô khối lượng công việc được giao; tăng cường tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tiến tới giảm bớt số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức về số lượng, chất lượng; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút, tuyển dụng nhân tài, tuyển dụng lãnh đạo…
Theo Diệp Trương (TTXVN)