Tọa đàm trực tuyến: 'Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm'

(Mặt trận) - Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải báo chí quan trọng này, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ, KHÔNG VÙNG CẤM.
Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chính thức phát động từ ngày 13/11/2021 tại Hà Nội.

Sau 3 năm, Giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải báo chí quan trọng này, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ, KHÔNG VÙNG CẤM.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh

Chủ trì toạ đàm: Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam – Trưởng Ban Tổ chức giải;

Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức;

Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức;

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay) - giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3

Cùng sự có mặt của đông đảo các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ, trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Ban biên tập Báo Đại đoàn kết đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ”, đây có thể xem là một hoạt động thiết thực nhằm kịp thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mục đích, ý nghĩa, cung cấp thông tin đầy đủ nhất về công tác tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 đến với đông đảo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên và người dân cả nước.

Sau ba lần tổ chức thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp nhân dân.

Để tiếp tục tổ chức thành công Giải lần thứ tư cả về quy mô, chất lượng các tác phẩm gửi tham dự Giải, trong khuổn khổ buổi Tọa đàm Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các vị khách mời cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ của cơ quan báo chí, các nhà báo khi tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiến nghị, đề xuất với Ban Tổ chức Giải những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, qua đó thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên trong cả nước tích cực tham gia hưởng ứng, gửi tác phẩm báo chí có chất lượng tham dự Giải.

Nhà báo Nguyễn Công Khanh. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Nhìn lại chặng đường này, ông có thể chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau 3 lần tổ chức, cũng như những mục đích lớn sẽ hướng đến trong những năm tiếp theo? 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng. Ảnh: Quang Vinh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng: Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được xem như một phần thưởng, nguồn cổ vũ lớn đối với những người làm báo trong nỗ lực tấn công trực diện vào cái xấu, dũng cảm dám đối diện với cái sai và đi tới cùng sự thật. Chính nhờ những nỗ lực đó mà sau mỗi lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau 3 lần tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đến nay, công tác tổ chức Giải luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, động viên rất lớn từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, điều đó thể hiện tại Lễ tổng kết và trao Giải thường xuyên có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến dự, trao giải và phát biểu chỉ đạo.

Một dấu ấn quan trọng khác, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đó là Giải đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí. Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự Giải đều tăng lên, nếu như giải lần thứ nhất có 1005 tác phẩm gửi tham dự Giải của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thì đến giải lần thứ ba con số tác phẩm gửi tham dự Giải đã tăng lên 1.181 tác phẩm của các nhà báo, phóng viên thuộc hơn 115 cơ quan báo chí trong cả nước. Và điều quan trọng hơn chất lượng Giải ngày càng được nâng lên. Tại mùa Giải lần thứ ba đã có Giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao tặng.

Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác tổ chức Giải giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao Giải thưởng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.

Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTW MTTQ Việt Nam. Với vai trò là Phó Ban tổ chức giải, và cũng là người đã theo sát những mùa giải Báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiều năm, theo đánh giá của ông, từ số lượng bài dự thi tại các mùa Giải thì mảng đề tài nào là mạnh nhất, thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo?

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Vũ Văn Tiến: Trong thời điểm hiện nay, chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ý tưởng này của Tổng Bí thư trùng với tên toạ đàm của báo Đại Đoàn Kết. Tiêu đề toạ đàm nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nói lên mục đích của giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư. Ngoài ra, toạ đàm tổ chức rất nhanh, chỉ sau một tháng sau chỉ đạo của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Qua 3 mùa giải đã qua, đề tài phanh phui tiêu cực xuất phát điều tra của phóng viên mà không phải dựa theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Để thực hiện các đề tài điều tra độc lập này thì các phóng viên đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Để thực hiện các đề tài điều tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ từ phóng viên, nhóm phóng viên, ý chí của ban biên tập, thậm chí ý chí của cơ quan chủ quản ban biên tập. Nếu không có những sự quyết tâm này có thể các đề tài sẽ bị dừng lại trong trứng nước.

Phanh phui tiêu cực là mảng rất quan trọng tuy nhiên trong 3 mùa vừa qua cũng có những điều đáng tiếc. Có những cơ quan báo chí có bài điều tra rất hay nhưng gần đến thời gian nộp bài thì bị gỡ bỏ. Tôi muốn nói với các đồng nghiệp của chúng tôi hãy bền gan, bền chí để bảo vệ các tuyến bài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong các cơ quan như tạp chí mang tính chất nghiên cứu tổng kết công tác phòng chống tham nhũng phải có cái riêng để đúc kết thực tiễn từ cơ sở tới Trung ương. Từ các đúc kết riêng, nghiên cứu chuyên sâu các tuyến bài điều tra để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, để đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Vũ Văn Tiến, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 có những điểm gì nổi bật? Ông có trao đổi thêm gì để các cơ quan báo chí, các nhà báo tham dự giải có các tác phẩm như mong muốn của ban tổ chức?

Ông Vũ Văn Tiến. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Vũ Văn Tiến: Với mùa giải thứ 4, điều đặc biệt nhất là cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là niềm cổ vũ động viên khích lệ của các phóng viên kiên trì theo đuổi các vụ điều tra. Cuốn sách cũng cổ vũ ban tổ chức giải làm tốt hơn.

Với mùa giải thứ tư này, ban tổ chức quan tâm tới hai nội dung. Thứ nhất, tên giải là “Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng tiêu cực”, tên giải mùa trước là “Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, lãng phí” điều chỉnh từ lãng phí thành phòng chống tham nhũng tiêu cực thì phạm trù rộng rãi hơn.

Vấn dề thứ 2 là giá trị giải thưởng. Hiện nay các giải như giải Báo chí quốc gia, giải Búa liềm vàng, rồi giải Diên hồng cũng có giá trị rất cao. Vì vậy, ban tổ chức giải cũng phấn đấu tiền thưởng giải năm nay phải cao hơn để các phóng viên có động lực, nguồn động viên. Giá trị giải thưởng này có thể bù đắp rất nhỏ nhoi cho các tác giả hy sinh mồ hôi nước mắt, thậm chí cả tính mạng.

Mấy ngày gần đây nổi lên vụ việc 2 phóng viên đài truyền hình Hà Nội bị hành hung. Và thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc phóng viên bị hành hung khi thực hiện các đề tài phát hiện tiêu cực. Bởi vậy, ban tổ chức giải phấn đấu tạo nguồn kinh phí để giá trị giải thưởng cao hơn để động viên khuyến khích các tác giả tham gia.

Nhà báo Công Khanh: Dự buổi toạ đàm hôm nay, có sự tham gia của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các báo... nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt) đã có một "bộ sưu tập" đáng kể các loạt bài phóng sự điều tra, phanh phui ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều giải thưởng báo chí danh giá. Trong đó có giải A Giải báo chí toàn quốc chống tham nhũng, tiêu cực (2021) với loạt bài độc quyền "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam".

Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: việc tấn công vào những tiêu cực, chắc hẳn nhà báo và các đồng nghiệp phải đánh đổi không ít? Xin ông có thể chia sẻ về những góc khuất về tác nghiệp các tác phẩm thuộc thể tài khó nhất của báo chí này?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: Quanh Vinh.Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: Quanh Vinh.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: Quanh Vinh.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Với chủ đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bản thân tôi đã từng tham gia nhiều năm, nhưng gần đây, chưa bao giờ tôi thấy không khí báo chí muốn tìm giải pháp, lối ra cho vấn đề tiêu cực trong xã hội lại mạnh mẽ như bây giờ. Đúng như như đồng chí Nguyễn Hữu Dũng và đồng chí Vũ Văn Tiến đã nói, Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự là niềm động viên rất lớn đối với cá nhân tôi và các đồng nghiệp.

Theo tôi, khó khăn nhất khi tham gia vào mảng báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là sự vất vả. Giải A Giải báo chí toàn quốc chống tham nhũng, tiêu cực (2021) của chúng tôi năm 2021 đã đăng đến mấy chục kì. Đến giờ phút này, có đối tượng xử tù lên đến hơn 64 năm, nhiều đối tượng vẫn đang tiếp tục được điều tra xử lí. Loạt bài khi được đăng đã gây một sự chấn động rất lớn trong dư luận. Nhưng khi chúng tôi được trao giải, sự lan toả còn lớn hơn rất nhiều và tỉnh Hà Giang cũng xử lí quyết liệt hơn. Thông qua sự vinh danh của giải đã thực sự truyền cảm hứng cho nhà báo.

Một trong những khó khăn khi thực hiện tuyến bài này là chúng tôi liên tục phải đi ngày đi đêm. Chúng tôi không bao giờ được xuất phát khi trời còn sáng, bởi bị theo dõi liên tục bởi các đối tượng đầu gấu, “chim lợn”. Chúng tôi phải đi vào rừng từ 3-4h sáng và ra khỏi rừng khi trời đã tối.

Trong quá trình thực hiện, rất nhiều đối tượng xin gặp nhiều lần, nhưng chúng tôi tuyệt đối không ăn với họ bất kì 1 bát mì tôm. Chúng tôi kiên quyết làm đến tận cùng và đã kiến nghị lên Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng về vụ việc này để đến bây giờ, mấy chục người đã bị bắt. Đây là bài học sâu sắc vì sự cổ vũ, động viên của giải đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng.

Loạt bài được giải A Giải Báo chí Quốc gia năm vừa rồi cũng vậy. Trước khi bắt đối tượng trong đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Chúng tôi không phải đi theo công an, tường thuật lại vụ bắt giữ các đối tượng mà chính chúng tôi là người điều tra từ Châu Phi về tam giác vàng, dọc Việt Nam. Đích thân tôi là người đã gặp Giám đốc, Phó Giám đốc công an tỉnh và trưởng các đơn vị nghiệp vụ để cùng với họ phá án. Do đó, các loạt bài điều tra đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải quyết liệt, có ý tưởng, và giữ mình đến tận cùng.

Nhà báo Công Khanh: Thưa nhà báo Lê Anh Đạt, báo Đại Đại Đoàn Kết được bạn đọc biết đến với những bài viết trực diện đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, tiên phong trong bảo vệ cái mới, cái tiến bộ. Trong quá trình thực hiện các tác phẩm điều tra chống tiêu cực, tiên phong đổi mới, báo và cá nhân ông đã phải đối mặt với gì? Ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Trong lịch sử phát triển vẻ vang của Báo Đại Đoàn Kết- Tờ báo ra đời trước cách mạng tháng 8/1945, đã phụng sự bạn đọc, để lại nhiều dấu ấn trong 81 năm qua. Thời kỳ trước Đổi Mới, nhà báo Thái Duy đã viết "Khoán chui hay là chết". Trước bất kỳ sự đổi mới nào cũng có sự giằng xé giữa cái cũ đã lỗi thời, cái mới tiến bộ đang hình thành. Cái cũ thì cố hữu, bảo thủ, cái mới thì non nớt cần được bảo vệ. Trong nối cảnh đó, nhà báo Thái Duy đã dũng cảm để viết những bài báo thời sự, mang tầm thời đại.

Sau này, Báo Đại Đoàn Kết đã từng đứng về phía người yếu thế, bền bỉ đấu tranh cho lẽ phải, công lý và đã chiến thắng trong một vụ án oan, cứu một người thoát án tử hình.

Dù đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ sự tiến bộ, hay bênh vực cho số phận con người, báo Đại Đoàn Kết, các thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết đã thể hiện bản lĩnh của một tờ báo lớn trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, Báo Đại Đoàn Kết dưới sự lãnh đạo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình, trong đó có cuôc cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Báo có 2 chuyên mục: Giám sát – Phản biện và Tiếng dân đã bám sát tôn chỉ của của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát và phản biện xã hội. Các tuyến bài điều tra của Báo thời gian gần đây đã trực diện, đối đầu với các tiêu cực, cái xấu được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao.

Về việc báo và cá nhân tôi chịu những gì khi thực hiện các loạt bài điểu tra chống tiêu cực, tôi xin thưa là nhiều, và không phải cái gì cũng giãi bày được. Tuy nhiên thường trực nhất là đe doạ, và đối mặt với trả thù. Điều này là đương nhiên, vì chống tham nhũng tiêu cực là đã chọn cho mình việc làm nặng nhọc, nguy hiểm vì đụng chạm lợi ích nhữnh người có máu mặt. Tuy nhiên, vì bạn đọc, vì sứ mệnh của tờ báo, những nguời cầm bút nếu chỉ lựa chọn các tác phẩm bình bình thì chẳng ai nhớ đến mình, chẳng ai tin nhà báo, tờ báo cứ mũ ni che tai, chọn cách an toàn trước thời cuộc.

Nghề báo là thư ký thời đại, phải ghi lại những gì nóng bỏng và góp phần thay đổi cái xấu, cải tạo xã hội. Bởi vậy tôi rất trân trọng các nhà báo dấn thân các thể loại này và Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng tiêu cực là sự cổ vũ thực sự rất sâu sắc, ý nghĩa.

Nhà báo Công Khanh: Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, được biết trong nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng thường có 2 cách thức: dụ dỗ, lôi kéo nhà báo bằng những lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cản trở, hành hung nhà báo. Vậy bản lĩnh của một nhà báo khi đối diện với tham nhũng, tiêu cực là gì?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: Quang Vinh

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cá nhân tôi cho rằng, khó khăn lớn ở đây chính là sự kiên định của nhà báo. Chúng tôi luôn tin “ma bao giờ cũng sợ người” và các tuyến bài điều tra chống tiêu cực phải đối mặt với rất nhiều thế lực. Trong quá trình công tác, nhiều khi báo cáo đề tài, mọi người thường nói “mới quá”, không có gì đảm bảo khi viết xong, phóng viên sẽ được bảo vệ. Nhưng tôi phản biện, vì nó mới quá nên chúng ta mới cần vào cuộc. Còn nếu nó rõ rành rành thì không cần các nhà báo điều tra vào đó để làm gì.

Chúng tôi đã làm những vụ mà từ Ban biên tập còn bỡ ngỡ, cho đến độc giả, khán thính giả còn bỡ ngỡ. Nhưng khi chúng tôi phanh phui sự việc thì đến luật cũng phải thay đổi. Bởi những bất cập trong cuộc sống đã được truyền tải trong loạt bài.

Chúng tôi kiên định con đường: Thước đo phẩm cách của một nhà báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội? Không phải viết để khua môi múa mép, khoe câu khoe chữ hay văn phong bóng bẩy để đăng Facebook. Mà quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống.

Còn như anh Vũ Văn Tiến đánh giá rất đúng rằng, giá trị của giải thưởng Giải báo chí đối với cộng đồng và những người làm báo rất quan trọng. Bên cạnh đó còn là bản lĩnh của Ban biên tập trước những tuyến bài điều tra.

Bản thân tôi cũng là thành viên chấm giải trong các giải báo chí. Tiêu chí mà chúng tôi đặt ra khi chấm một tác phẩm đó là: Vấn đề đó có mới không, xử lí cái mới đó Như thế nào và quan trọng nữa là sau khi đăng tải, nó có tác động như thế nào? Tiêu cực có được giải quyết không? Thân phận của người khổ có được cứu giúp không? Bất công có được xử lí đến tận cùng không?,…

Một điều cũng rất quan trọng khi thực hiện các tuyến bài điều tra chống tham nhũng tiêu cực là nhà báo phải biết giấu thân phận của mình. Bởi để tự bảo vệ mình là một bài toán vô cùng khó trong sự lan truyền của internet, mạng xã hội như hiện nay. Bởi chỉ cần bất cẩn một chút thì sẽ lộ.

Tôi đã công tác trong những toà soạn khi tôi làm các tuyến bài điều tra chỉ có Tổng Biên tập, Trưởng ban điều tra là biết tôi làm vụ đó. Đến khi chấm nhuận bút cũng chỉ có chúng tôi biết với nhau.

Một Tổng Biên tập đã từng nói với tôi rằng, nếu các anh chị tiết lộ phóng viên nào đang làm một vụ việc điều tra để trục lợi cá nhân cho anh chị, thì các anh chị đang bán rẻ máu của đồng nghiệp mình. Do đó, tính quyết liệt, sự kiên định, sự tự bảo vệ mình của nhà báo trong quá trình thực hiện các loạt bài chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng.

Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là, nhà báo cần xác định cái gì cần phải giữ, đâu là điều quan trọng nhất trong loạt bài điều tra đó. Mà khẩu hiệu tôi đặt ra là “Những viên đạn bọc đường trong phóng sự điều tra chống tham nhũng, tiêu cực”.

Bởi trong quá trình điều tra có khi chưa gặp nguy hiểm vì bị hành hung, đánh đấm. Nhưng có thể khi đăng rồi, “thắng” rồi lúc đó tất cả mọi sự dụ dỗ, mua chuộc mới ra đời. Một sự thật đau lòng là một số đồng nghiệp đã sa ngã sau thời điểm chiến thắng đó. Cho nên tôi nghĩ rằng kiên định và giữ mình từng li từng tí là khó nhất. Bởi đã thoả hiệp được một lần thì sẽ có lần 2 và “n” lần sau mà lần sau bao giờ sự thoả hiệp cũng nguy hiểm hơn lần trước.

Nhóm PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều