|
Thi công kè chống sạt lở sông Ô Môn qua địa bàn huyện Thới Lai. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN |
Theo đó, thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung Kế hoạch, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao để nhận thức đầy đủ các mục tiêu, biện pháp thực hiện và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xác định cụ thể nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án được giao chủ trì hoặc phối hợp làm cơ sở xây dựng tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian hoàn thành được giao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Cùng với đó, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn vốn xã hội hóa, đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các chương trình, đề án, dự án liên quan và quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện.
Các đơn vị nêu trên phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh thiếu sót hoặc chồng chéo; tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh (nếu có) thuộc phạm vị quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức