Trình Quốc hội phương án bố trí 19 đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026

Tại phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội phương án bố trí 19 đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng một đại biểu) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026.
 Quang cảnh phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Tăng số lượng đại biểu không làm tăng biên chế

Chiều 22-2, với 100% ủy viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 phương án bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách tại Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026, tăng một đại biểu so với nhiệm kỳ trước.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của TP Hà Nội là phù hợp với đặc điểm là đô thị loại đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, bảo đảm tính liên thông, thống nhất, xuyên suốt của quản lý đô thị. Mặt khác, qua thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của TP nhằm nâng cao vị trí, vai trò của HĐND TP Hà Nội. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách.

Nội dung đề nghị của TP Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội (theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 là 95 đại biểu), mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 (khi tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì phải giảm số cán bộ, công chức ở các cơ quan của TP Hà Nội để bảo đảm tổng biên chế hành chính của TP Hà Nội giữ nguyên).

 Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. 
Mặt khác, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026 là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.

Do không làm tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội (giữ nguyên 95 đại biểu). Vì vậy, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội không ảnh hưởng đến tiến độ của công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TP Hà Nội.

Báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với HĐND TP Hà Nội, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố, so với nhiệm kỳ 2016-2021 chỉ tăng 01 đại biểu.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong bối cảnh TP Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.

Kiến nghị, đề xuất này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị (như TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. 
Theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần bổ sung không nhiều, việc bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không làm tăng biên chế vì sẽ được cân đối trong tổng số biên chế hành chính của thành phố Hà Nội theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ về việc bố trí số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt giai đoạn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.

Bên cạnh đó, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện, Ủy ban Pháp luật cho rằng do việc bố trí các chức danh đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại TP Hà Nội khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 nên việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này là đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và điểm đ khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.  

Tuy nhiên, tại Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019 về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Bộ Chính trị đã khẳng định: “Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền gồm HĐND và UBND ở thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân”. Do đó, để bảo đảm có cơ sở chính trị vững chắc, đề nghị Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định

Theo Trịnh Dũng/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều