Trong nhiệm kỳ 2024-2029: Hà Giang cần lựa chọn khâu đột phá xây dựng khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc và an ninh biên giới

(Mặt trận) - Sáng ngày 12/7, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đã chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến vào nội dung Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Quang cảnh cuộc làm việc
Trình bày các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vàng Seo Cón cho biết, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội dự kiến diễn ra trong tháng 7/2024 với 251 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh tham dự, với mục tiêu tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ các cấp, góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang giàu đẹp, văn minh.

Tại Đại hội, dự kiến nhân sự được hiệp thương tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2024-2029 là 81 vị. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc chiếm 60,8%; tỷ lệ nữ chiếm 36,7%; tỷ lệ tái cử chiếm 40,5%; tỷ lệ tham gia mới chiếm 59,5%. Dự kiến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 là 8 vị gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 4 Ủy viên Thường trực.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang Vàng Seo Cón phát biểu tại cuộc làm việc

Điểm lại những kết quả nổi bật của công tác Mặt trận tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2019-2024, ông Vàng Seo Cón cho biết, nhiệm kỳ qua, hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các tổ chức thành viên, sự nỗ lực, nhiệt tình trách nhiệm của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở cũng như của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận xã hội cao của các tầng lớp nhân dân đã triển khai thực hiện hoàn thành các nội dung, chương trình công tác Mặt trận.

Cùng với đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức hoạt động, sâu sát cơ sở. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục được củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ 2024-2029, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là Đại hội xác định tiếp tục quan tâm, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”. Tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên nhằm tranh thủ sự ủng hộ, thu hút nguồn lực xã hội, quãng bá hình ảnh về quê hương và con người Hà Giang ra bạn bè quốc tế...

Đại hội cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: hàng năm, có trên 90% Ủy ban MTTQ cấp cơ sở xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu theo Nghị quyết 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030 và thực hiện Mô hình cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

Hàng năm, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, điển hình, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng (xanh, sạch đẹp, an ninh, trật tự, an toàn...), phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; 100 % MTTQ cấp huyện, cấp xã có mô hình, hoạt động đổi mới, đột phá trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở cơ sở...

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc làm việc để hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội và góp phần tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Trong đó, cần bổ sung thời gian chi tiết trong Chương trình Đại hội, nghiên cứu mở rộng số lượng Đoàn Chủ tịch Đại hội đảm bảo có sự tham gia của đại diện 5 tổ chức chính trị - xã hội, các dân tộc, tôn giáo, trí thức, doanh nhân và lực lượng vũ trang theo điều kiện đặc thù của tỉnh.

 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang tại cuộc làm việc

Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị cần rà soát, bổ sung, minh họa thêm các mô hình, điển hình của các tổ chức thành viên; nghiên cứu bổ sung 7 nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 43 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào nội dung chương trình hành động nhiệm kỳ mới phù hợp với điều kiện của địa phương.

“Cần lựa chọn khâu đột phá xây dựng khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc và xây dựng an ninh biên giới để tiếp tục chăm lo hơn nữa cho đời sống nhân dân trên địa bàn và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy gợi mở.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đại hội gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm tạo không khí vui tươi, đoàn kết tại mỗi cộng đồng dân cư; phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu; trailer, cụm pano, băng rôn... tuyên truyền kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019 - 2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên trước, trong và sau Đại hội; đồng thời nghiên cứu bố trí truyền hình trực tiếp phiên làm việc chính thức của Đại hội.

Hương Diệp - ảnh Tiến Đạt

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều