|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ bế mạc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự 14/17 hoạt động chính gồm các Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39; các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga, ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 16.
Tại các hội nghị, Lãnh đạo ASEAN và các nước Đối tác đã thảo luận sôi nổi, sâu rộng nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo nhất trí cao về các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới.
Các nước cũng nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.
Các nhà Lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề đang nổi lên, tác động đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề Biển Đông, Lãnh đạo các nước đều đề cao trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN và các Đối tác đã công bố/thông qua/ghi nhận khoảng 100 văn kiện bao gồm các Tuyên bố, Chiến lược, Khung hợp tác, Kế hoạch hành động, Báo cáo, Tài liệu tầm nhìn... trên nhiều lĩnh vực thuộc 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.
|
Thủ tướng Samdech Hun Sen Campuchia tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tại các sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều có bài phát biểu quan trọng, tập trung các vấn đề trọng tâm và thách thức mới nổi mà ASEAN đang ứng phó. Trong đó có các vấn đề như ứng phó với COVID-19, khôi phục kinh tế sau đại dịch, vấn đề Biển Đông, Myanmar, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng...
Qua đó tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN; đồng hành cùng các nước vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.
Theo Phạm Tiếp (TTXVN)