Xây dựng Bảo tàng Mặt trận theo quan điểm bảo tàng học mới

(Mặt trận) - Ngày 30/8, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam theo quan điểm bảo tàng học mới”. Dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
  Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo
Đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập về truyền thống đại đoàn kết

Sau hơn 2 năm thành lập, trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã nỗ lực, tích cực triển khai sưu tầm tài liệu, hiện vật, xây dựng các nguồn lực, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu cho khách tham quan và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Bảo tàng MTTQ Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập.

Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những chiến lược khoa học, phù hợp, khả thi, định hướng cho sự đầu tư phát triển các nguồn lực, kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức hoạt động bảo tàng,... hướng tới mục tiêu xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam trở thành bảo tàng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy đầy đủ chức năng của một thiết chế văn hóa, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập về truyền thống đại đoàn kết, về lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – MTTQ Việt Nam của các thế hệ cán bộ Mặt trận, các tầng lớp nhân dân, khách tham quan trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam và của đất nước.

Quang cảnh Hội thảo  
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tàng đã tham gia thảo luận, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn đổi mới hoạt động của các bảo tàng trong nước và quốc tế, những bài học kinh nghiệm cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam; trao đổi, khuyến nghị và đề xuất những cách tiếp cận để xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam theo quan điểm Bảo tàng học hiện đại.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, cái hay, cái thú vị của Bảo tàng MTTQ Việt Nam là câu chuyện, câu chuyện về đại đoàn kết, câu chuyện về đường hướng chiến lược, chiến thuật, cách thức hoạt động làm sao tập hợp được một mặt trận nhân dân rộng rãi nhất cùng nhau đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.  

“Nội dung tư liệu, hiện vật, hình ảnh và câu chuyện của chúng là quan trọng nhất, trong khi công nghệ hiện nay cho phép bảo tàng có nhiều cách kể chuyện hay và hấp dẫn mà không cần đưa ra tư liệu gốc”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, định hướng chung quan trọng của Bảo tàng MTTQ Việt Nam không phải hướng đến “khối lượng hiện vật gốc phong phú” mà hướng đến khối lượng phong phú của tư liệu hiện vật có nhiều thông tin bổ ích và lý thú về Mặt trận dân tộc thống nhất, gắn liền với thông điệp chính của Bảo tàng.

Đồng thời, nhiệm vụ hàng đầu của Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong định hướng nghiên cứu sưu tầm là phải đi từ xa đến gần về mặt thời gian, có thể xác định thời kỳ 1930 - 1975 là khoảng thời gian quan trọng nhất cần tập trung nhân lực, vật lực cho công tác nghiên cứu sưu tầm. Không ưu tiên tập trung nghiên cứu sưu tầm thời kỳ này trước sẽ mất đi nhiều cơ hội để khám phá thông tin.

“Chúng ta hãy cố gắng ưu tiên xây dựng các sưu tập cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là sưu tập về Mặt trận Phản đế, sưu tập về Mặt trận Dân chủ Đông Dương, sưu tập về Mặt trận Việt Minh, sưu tập về Mặt trận Liên Việt, sưu tập về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, sưu tập về Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, sưu tập về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… Những sưu tập này là nền tảng quan trọng nhất của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy gợi mở.

 PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, nguyên Trưởng khoa Di sản văn hóa Đại học Văn hóa Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, nguyên Trưởng khoa Di sản văn hóa Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, đến nay, theo quan điểm của phong trào “bảo tàng học mới”, bảo tàng không chỉ là những viện bảo tàng, công trình, tòa nhà kiến trúc bảo tàng được xây dựng để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của bảo tàng mà còn là một không gian mở, rộng lớn - nơi mà con người có thể trực tiếp thực hiện, “giới thiệu sinh động, bảo tồn và quản lý di sản của họ, phục vụ cho sự phát triển bền vững dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng”.

Ngày nay sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và việc ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào đời sống, đã làm thay đổi liên tục môi trường xã hội mà bảo tàng đang hoạt động, vì thế mà nhu cầu mới của công chúng đối với bảo tàng cũng không ngừng được đặt ra cho mọi hoạt động của bảo tàng chẳng hạn như công chúng đến với bảo tàng muốn được tương tác với hiện vật, di vật, muốn được trải nghiệm trong một số hoạt động của bảo tàng, muốn được tham gia vào trưng bày của bảo tàng, hoặc muốn được xem trưng bày trực tuyến ảo, triển lãm 3D của bảo tàng.

“Những quan điểm của phong trào “bảo tàng học mới” đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hoạt động của bảo tàng, do đó Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần nắm bắt những xu hướng mới nhằm đa dạng hơn các hoạt động của bảo tàng, tìm hướng đổi mới bảo tàng để đáp ứng nhu cầu của công chúng, góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thị Huệ nêu ý kiến.

  Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa khẳng định, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đang đi đúng theo xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại và đáp ứng những yêu cầu của bảo tàng chuyên ngành thuộc loại hình lịch sử - xã hội; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong những hoạt động sắp tới.

Xác định thông điệp và cách thức diễn giải lịch sử bằng ngôn ngữ bảo tàng

 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo 
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết với hàm lượng tri thức cao, thiết thực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, để việc xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam đi đúng hướng thì điều tiên quyết là phải có nhận thức đúng đắn về xu thế phát triển của ngành Bảo tàng, xác định được nhu cầu của công chúng, những đặc điểm, điều kiện cụ thể và cách làm sáng tạo.

“Xây dựng Bảo tàng theo quan điểm bảo tàng học mới là cách tiếp cận phù hợp và cần thiết đối với một bảo tàng mới thành lập”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thực tiễn đổi mới hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh; đổi mới trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ; cách sử dụng tài liệu khoa học và hiện vật phục chế của Bảo tàng Báo chí; phương thức tổ chức trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động của Bảo tàng Tuổi trẻ; việc xác định thông điệp trưng bày của Bảo tàng Hà Nội,… được các nhà khoa học chia sẻ, đã phác thảo một bức tranh phong phú, rất sinh động về quá trình không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo. Đây là những kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý báu và hữu ích cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam.  

Từ ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các ý kiến tập trung đề xuất, Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần có sự đầu tư nghiên cứu một cách bài bản về cơ sở bảo tàng học, nhu cầu công chúng, đặc biệt là lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất để xây dựng chiến lược sưu tầm, tư liệu hóa, xác định thông điệp và cách thức diễn giải lịch sử bằng ngôn ngữ bảo tàng; phải xác định được đặc trưng riêng với thông điệp lớn của Bảo tàng là Đại đoàn kết toàn dân, là cội nguồn tạo nên sức mạnh dân tộc; Mặt trận Dân tộc thống nhất - MTTQ Việt Nam là trung tâm kết nối mọi tầng lớp nhân dân, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, góp phần quan trọng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở mọi giai đoạn lịch sử.

Cùng với đó, công tác sưu tầm hiện vật phải được coi là nhiệm vụ chiến lược trước mắt cũng như lâu dài của Bảo tàng; theo đó cần coi trọng khai các câu chuyện, thông tin về hiện vật; ưu tiên hàng đầu cho việc sưu tầm lịch sử, phục chế lại các văn kiện, hình ảnh từ các bảo tàng, trung tâm lưu trữ. Chú trọng sưu tầm tại các gia đình nhân chứng; cùng với đó, cần kết hợp phục chế, tìm hiện vật đồng thời để thay thế hiện vật gốc và nghiên cứu các hình thức thể hiện sao cho sinh động, đạt được mục tiêu tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ.

“Cần xác định trưng bày là nhiệm vụ trung tâm, trưng bày phải thể hiện được thông điệp, bản sắc, phong cách và phương thức giáo dục của Bảo tàng. Để các trưng bày thu hút người xem và mang tính khả thi cao cần chú trọng phương pháp nhân học lịch sử, quan tâm câu chuyện cuộc đời; trưng bày thể hiện tiếng nói của chủ thể, có sự tham gia của cộng đồng; có thông điệp rõ ràng... Cần quan tâm việc nghiên cứu tổng thể, gắn kết nhân vật, câu chuyện với bối cảnh của nó; chủ thể là nhân vật trung tâm của câu chuyện”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, ý kiến đại biểu cũng đề xuất Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần có giải pháp tổng thể từ kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ chế hoạt động, đầu tư xây dựng nhà bảo tàng, trang bị cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn và quản lý.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học tiếp thu đầy đủ nội dung của các tham luận, ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo, đề xuất với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các giải pháp xây dựng Bảo tàng thời gian tới.

Hương Diệp - ảnh Tiến Đạt

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều