Xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

(Mặt trận) - Đó là đề nghị của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn khi tham dự Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và trao Huân chương Lao động Hạng ba cho Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Buổi lễ diễn ra sáng 20/11, tại Hà Nội.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm các gian hàng tại Lễ kỷ niệm. 
Cùng tham dự có ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các đại biểu được vinh danh tại chương trình.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm các gian hàng tại Lễ kỷ niệm.  
Bày tỏ niềm vui mừng khi tham dự Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, buổi lễ diễn ra trong không khí cả nước thi đua chào mừng Đại hội XIII của Đảng, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X và vui mừng trước những hoạt động ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam cùng với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trên khắp các khu dân cư trên mọi miền Tổ quốc.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. 
Khẳng định Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, các nghề phục vụ cuộc sống hằng ngày của nhân dân đã ra đời và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Các nghề nổi tiếng trong và ngoài nước được trao truyền qua nhiều thế kỷ như dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan, đúc đồng, thêu, mộc mỹ nghệ… trở thành những di sản quý báu của dân tộc.

“Khi nhắc đến các địa danh như Vạn Phúc, Bát Tràng, Đại Bái, Văn Lâm, Phú Vinh, Chuôn Ngọ, La Xuyên, Đồng Kỵ, Đông Hồ… hay tên các đường, phố như Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Tre, Hàng Đồng, Hàng Mắm, Hàng Nón… người Việt Nam dù ở đâu đều tự hào và trân trọng, yêu quý”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Nhắc tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, các nghề và làng nghề Việt Nam cũng đang thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh mới trong bối cảnh sản phẩm của làng nghề truyền thống phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm của nước ngoài.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cách đây 15 năm, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra - đó là phải có một tổ chức thống nhất, đại diện và tập hợp được rộng rãi các làng nghề, các nghệ nhân để chấn hưng và phát triển các làng nghề ở nước ta, đủ sức vươn lên cạnh tranh thành công trên thương trường quốc tế. Trong khoảng thời gian không dài nhưng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên của MTTQ Việt Nam, và Hiệp hội đã xây dựng được tổ chức khá chặt chẽ với Văn phòng Cơ quan Trung ương tại Hà Nội và 7 văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với việc chú trọng phát triển hội viên với tổng số hơn 13 nghìn hội viên, trong những năm qua Hiệp hội xây dựng được 6 chương trình hỗ trợ làng nghề, qua đó cung cấp các dịch vụ và giúp hội viên kết nối với nhau; xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; đào tạo nhân lực và dạy nghề; tư vấn và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ pháp lý; thúc đẩy du lịch làng nghề; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Hiệp hội đã tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên trong việc tham gia phản biện, góp ý xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến làng nghề; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên với Đảng và Nhà nước. Hiệp hội cũng tích cực thực hiện công tác xã hội như hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, vận động ủng hộ, tương trợ các cá nhân và gia đình chính sách, khó khăn, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.

 Quang cảnh Lễ kỷ niệm.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Hiệp hội sẽ cố gắng hơn nữa để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vượt qua thách thức, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường đoàn kết để nâng cao chất lượng và năng lực tư vấn, hỗ trợ hội viên. Đặc biệt, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cần lấy hội viên làm trung tâm, hướng mọi hoạt động vào việc phục vụ hội viên và cộng đồng làng nghề tốt và hiệu quả.

“Hiệp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và có những giải pháp thiết thực, cụ thể để phối hợp cùng các cơ quan hữu quan của Nhà nước từng bước giải quyết, tiến tới xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. 
Tại Lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, thay mặt Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Cũng tại buổi Lễ, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng tổ chức phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ IX, năm 2020 cho các hội viên, các nghệ nhân tiêu biểu.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều