Ý kiến cán bộ, đảng viên: Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai

Từ ngày 4-10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Đây là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 
Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên tại Hà Nội về nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Anh Trần Quang Huy, đảng viên Tập đoàn Công nghệ Vietsens bày tỏ tâm đắc với phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai quan trọng như vậy, song ở nước ta, "nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...

Theo đảng viên Trần Quang Huy, kể từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi 4 lần. Tuy nhiên, những lần sửa đổi đó vẫn chưa triệt để, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Thực tế cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều "kẽ hở", tạo môi trường, điều kiện cho "nhóm lợi ích" tiêu cực trục lợi, tham nhũng.

Quan tâm đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất, đảng viên Trần Quang Huy cho rằng, cần quy định cơ sở của quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tổng thể quốc gia; đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không thể chi tiết như quy hoạch tỷ lệ 1/500, 1/2000 của ngành xây dựng. Do đó, cần sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng quy định việc quy hoạch sử dụng đất theo khu chức năng, chi tiết thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới.

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đảng viên Trần Quang Huy đề nghị cần sửa đổi quy định hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn miền núi như hiện hành. Bởi, quy định như vậy là không phù hợp với bối cảnh hiện nay theo chủ trương xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây công nghiệp; cần quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất…

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi người dân, do đó việc Trung ương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai là hết sức cần thiết và kịp thời để tạo xung lực mới cho phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hùng tán thành việc tổng kết này cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Quan tâm đến khâu thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất sửa đổi quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi của các tổ chức thực hiện dự án đầu tư đang sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Nếu trên địa bàn còn quỹ đất đã giải phóng mặt bằng thì UBND tỉnh quyết định việc tổ chức kinh tế thuê đất với thời hạn sử dụng đất còn lại để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh mà không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện nay.

Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị cần sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng việc đấu giá, đấu thầu là để lựa chọn nhà đầu tư, việc giao đất, cho thuê đất là thủ tục tiếp theo để thực hiện quy trình, thủ tục hành chính. Do việc quy định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trong khi lựa chọn nhà đầu tư lại theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu. Từ đó, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật và gây vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan liên quan khi để xảy ra sai phạm...

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều