Ban Tuyên giáo Thị ủy Tân Châu tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp thị xã.
Phát huy hiệu quả cơ chế phản hồi, giải quyết kịp thời những vấn đề DLXH phản ánh, quan tâm
Năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đã thiết lập cơ chế phản hồi, giải quyết những vấn đề DLXH bức xúc, phản ánh (sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của DLXH ở các địa phương, đơn vị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có công văn yêu cầu địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan xem xét, xác minh và trả lời hướng xử lý cho dư luận biết).
Hằng tuần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tổng hợp những vấn đề báo chí phản ánh; những vấn đề dư luận đặt ra gửi đến cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo 35; Tổ Thư ký, Nhóm Chuyên gia 35... gửi định kỳ vào sáng thứ Hai để nắm thông tin. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, xác minh, giải quyết và có phản hồi chính thức các vấn đề dư luận đặt ra liên quan tới từng địa phương, đơn vị. Đến nay cơ chế này hoạt động rất hiệu quả; được dư luận nội bộ và nhân dân ghi nhận, đánh giá rất cao.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có trên 250 nội dung, sự việc phản ánh của dư luận xã hội trong toàn tỉnh; mỗi tháng có trên 10 địa phương, đơn vị tiếp nhận, phản hồi và báo cáo kết quả giải quyết những vấn đề mà dư luận phản ánh có liên quan.
|
Đầu năm 2019, để công tác nắm bắt DLXH được nhanh chóng, kịp thời hơn. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành rà soát, củng cố lực lượng Cộng tác viên DLXH; chất lượng và tính đại diện chú trọng hơn vào các ngành, các địa phương, đơn vị trọng điểm, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm. Xây dựng các nhóm trên phần mềm ứng dụng Zalo, thành phần gồm: cộng tác viên DLXH, trưởng, phó các ban tuyên giáo các huyện, thị, thành và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy để nắm bắt, cung cấp, trao đổi, phản ánh tình hình DLXH kịp thời (thường trực 24/24h).
Nhằm tăng cường công tác phối hợp, tham mưu Tỉnh ủy giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, bên cạnh việc triển khai ký Chương trình phối hợp với UBND tỉnh (Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định 221-QĐ/TW của Ban Bí thư), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn chủ động xây dựng Chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Hằng tuần, hằng tháng, trên cơ sở báo cáo các vấn đề DLXH đặt ra của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết và trả lời đối với từng vụ việc cụ thể. Phối hợp UBND tỉnh, thành lập Tổ cung cấp thông tin cho báo chí, phục vụ các buổi họp báo định kỳ do Văn phòng UBND tỉnh tổ chức; Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm người phát ngôn của Ban Thường vụ, để phụ trách tham mưu giải quyết, phát ngôn những vấn đề liên quan với báo chí khi thấy cần thiết.
Mỗi năm, định kỳ hằng quý, An Giang đều tiến hành điều tra xã hội học (4 cuộc/năm); hỗ trợ nhiều cuộc điều tra, khảo sát cho các ban, ngành, địa phương và cho Ban Tuyên giáo Trung ương. Các kết quả điều tra xã hội học đã góp phần tham mưu, phục vụ tốt cho việc lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, ban, ngành các cấp, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao.
Những kết quả của cách làm trên đã góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặc dù An Giang là một tỉnh biên giới, dân tộc, tôn giáo khá phức tạp; tuy nhiên những vấn đề bức xúc trên địa bàn khi mới manh nha, đã nhanh chóng được phát hiện và giải quyết, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Phương hướng trong thời gian tới
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác nắm bắt, nghiên cứu DLXH đôi lúc chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình tư tưởng, tâm trạng của nội bộ và các tầng lớp nhân dân. Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác nghiên cứu nắm bắt, định hướng DLXH. Chưa chủ động, kịp thời, còn nể nang, né tránh những vấn đề nhạy cảm; còn lúng túng đối với những vấn đề mới phát sinh; phần lớn cách phản ánh của các đơn vị, cơ quan tổng hợp chủ yếu nêu sự việc, hiện tượng diễn ra, chưa dự báo được tình hình và đề xuất các giải pháp với cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cộng tác viên DLXH tuy được quan tâm kiện toàn, nhưng hoạt động chưa đều, kỹ năng và phương pháp nắm bắt tình hình DLXH còn hạn chế... Công tác tham mưu cấp ủy giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng đôi lúc, đôi khi vẫn chưa kịp thời.
Trong thời gian tới, để công tác nắm bắt DLXH được thực hiện tốt hơn An Giang sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang sẽ tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án mới thay Đề án 01- ĐA/TU của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư nhằm thực hiện hiệu quả mảng công tác quan trọng này cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về vị trí vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của công tác nắm bắt, định hướng DLXH, giải quyết các vấn đề bức xúc trong Nhân dân.
Thứ ba, thường xuyên củng cố, kiện toàn, ổn định bộ phận nắm bắt, nghiên cứu DLXH và mạng lưới cộng tác viên DLXH của Ban Tuyên giáo các cấp. Tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng này.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với UBND tỉnh; với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh. Tổ chức nắm bắt kịp thời và tham mưu Tỉnh ủy giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của Nhân dân trên địa bàn.
Thứ năm, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế phản hồi, giải quyết kịp thời những vấn đề DLXH phản ánh, quan tâm.
Thứ sáu, gắn hoạt động của lực lượng cộng tác viên DLXH các cấp trong tỉnh với hoạt động của Ban Chỉ đạo, Nhóm Chuyên gia 35 cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Quan tâm công tác nắm bắt, phản hồi tình hình DLXH trên Internet, mạng xã hội.
Theo Bảo Châu/Tạp chí Tuyên giáo