Từ Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Quốc hội về nội dung này cho thấy, chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước của nước ta đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, lần đầu tiên, nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước đã được thể chế hóa tại Luật Tài nguyên nước 2023 với việc quy định về khái niệm an ninh nguồn nước và những nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.
Các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước 2023 nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.
Công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước và các quy hoạch liên quan, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này cũng được tập trung thực hiện.
Dù vậy, theo đánh giá của các Tổ chức quốc tế, mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam vẫn mới chỉ đạt ở mức 2/5. Những thách thức về an ninh nguồn nước vẫn đang hiện hữu bởi nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đều theo không gian, thời gian. Cùng với đó, rừng đầu nguồn bị suy giảm, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... đang tác động mạnh mẽ tới nguồn nước.
Trong khi đó, áp lực phát triển kinh tế - xã hội khiến nhu cầu nước tăng nhanh chóng, bình quân trong vòng 50 năm qua đã tăng gấp 3 lần và dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành lên tới gần 122,5 tỷ m3/năm; ô nhiễm nguồn nước gia tăng, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước...
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng, chủ yếu liên quan đến lợi ích kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực... Chúng ta cũng chưa có hệ thống hỗ trợ công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông để điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước của các ngành, các địa phương theo quy hoạch nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại dẫn đến tình trạng sử dụng nước lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu về an ninh nước sạch, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Như thế để thấy rằng, bảo đảm an ninh nguồn nước nói chung và phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước nói riêng là bài toán khó, phức tạp và chắc chắn không phải chỉ riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể "giải" được.
Việc lựa chọn vấn đề an ninh nguồn nước và giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước để chất vấn tại Kỳ họp này, vì thế, chính là một cơ hội để Quốc hội, Chính phủ cùng xem xét tổng thể, từ việc ban hành đến thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, những vướng mắc trong tổ chức thực hiện và đặc biệt là về cơ chế, về nguồn lực - khó ở đâu, vướng chỗ nào, cần gỡ thế nào?
Qua phiên chất vấn, phải làm rõ được: những vấn đề nào cần có quyết sách từ Quốc hội; những vấn đề nào thuộc trách nhiệm và hành động của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan; những vấn đề nào thuộc trách nhiệm và hành động cụ thể của các địa phương và của người dân, doanh nghiệp; việc gì phải làm ngay và việc gì phải tính kế sách dài lâu?
Có thể nói rằng, chúng ta đã nhận diện vấn đề an ninh nguồn nước từ sớm. Đặc biệt, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có tới 6 lần nhắc tới cụm từ an ninh nguồn nước. Những nỗ lực từ lập pháp, hoàn thiện khung khổ pháp lý và triển khai thực hiện cũng hết sức tích cực trong thời gian qua, nhưng kết quả cụ thể vẫn chưa “đồng tốc” với những thách thức đang ngày càng gay gắt hơn. Vì thế, phiên chất vấn cũng là một cơ hội làm cho vấn đề an ninh nguồn nước được lan tỏa trong toàn xã hội, là "việc không của riêng ai" mà bất kỳ ai cũng phải chung tay bảo vệ từ những hành động nhỏ nhất. Thực tiễn đã cho thấy, từ những hành động nhỏ được lan tỏa, được nhận thức đầy đủ, đúng đắn cũng có thể mang lại hiệu quả to lớn.