Kiên trì tuyên truyền vận động mọi tầng lớp Nhân dân giác ngộ và hưởng ứng đường lối đại đoàn kết dân tộc là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Trong suốt quá trình cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất có tầm quan trọng. Việc nâng cao nhận thức về Mặt trận Dân tộc thống nhất cần đặc biệt chú trọng quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng Việt Nam nói chung và đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Dân tộc thống nhất nói riêng.
Việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về đường lối đại đoàn kết và Mặt trận cần được tiến hành một cách chu đáo, cụ thể và sâu sắc, phù hợp với từng đối tượng quần chúng và điều kiện thực tế từng lúc, từng nơi, không chỉ giới hạn trong hệ thống tổ chức Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể, mà còn phải bắt đầu tiến hành từ trong các tổ chức Đảng, chính quyền, sau đó mở rộng đến các tầng lớp Nhân dân rộng rãi, trong đó chú trọng vận động công nhân, nông dân, trí thức... và các tầng lớp xã hội khác.
Trong quá trình hình thành, phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất, những thắng lợi và sai lầm, khuyết điểm đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền với sự chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, phản đế với phản phong.
Tư tưởng về sự chỉ đạo hai nhiệm vụ chiến lược đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm phác thảo ngay tại Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930) tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng cơ bản là đúng đắn. Nhiệm vụ "làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" luôn được nhấn mạnh và đặt ở tầm cao so với nhiệm vụ phản phong. Ở nước ta, nhiệm vụ phản phong có thể thông qua con đường: "Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo" và "bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo"1 để xóa bỏ chế độ phong kiến.
Sự chuyển hẳn trong tư tưởng chỉ đạo hai nhiệm vụ chiến lược được mở đầu từ Hội nghị Trung ương họp tại Thượng Hải (tháng 7/1936) khi các đại biểu cho rằng, ở một xứ thuộc địa, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chỉ quan tâm đến sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp, thì có thể nảy sinh những khó khăn trong việc mở rộng phong trào giải phóng dân tộc. Hội nghị chỉ rõ, hiểu được tinh thần dân tộc, những người cộng sản phải biết sử dụng nó trong cuộc đấu tranh chống những kẻ đi áp bức dân tộc, tức là chủ nghĩa đế quốc Pháp. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (tháng 11/1939), và đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941) mới dứt khoát "đặt quyền lợi dân tộc lên cao hơn hết thảy" và cũng từ đó mở ra cao trào cách mạng và tạo được sự chuyển biến về chất trong hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất ở nước ta. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược từ năm (1945 - 1954) sự chỉ đạo chiến lược đó đã đạt tới sự thuần thục. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) ở miền Nam, sự chỉ đạo tài tình về chiến lược đấu tranh đã đạt tới trình độ nghệ thuật. Như vậy, ở cả hai thời kỳ này, khi kết thúc thắng lợi nhiệm vụ phản đế thì về cơ bản cách mạng nước ta đã giải quyết xong vấn đề phản phong và ruộng đất, tuy có phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất nhưng không gây ảnh hưởng, xáo trộn nào đáng kể đến nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Đảng hai nhiệm vụ phản đế - phản phong và dân tộc - giai cấp là yếu tố quan trọng bậc nhất để hình thành, phát triển rộng rãi và vững chắc Mặt trận Dân tộc thống nhất ở một nước thuộc địa, khi mâu thuẫn dân tộc giữ vị trí chủ yếu, thì Mặt trận Dân tộc thống nhất trở thành yếu tố không thể nào thiếu trong đường lối chiến lược của cách mạng, nó trở thành công cụ chủ yếu để huy động sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Thực tế lịch sử đã chứng minh chân lý đó.
Vận dụng đúng đắn những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất
Đảng Cộng sản lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất là một nguyên tắc đã được thực tế khẳng định. Để không ngừng tăng cường, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với Mặt trận Dân tộc thống nhất, trước hết, Đảng đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn trên các lĩnh vực; đặc biệt là đề ra các chủ trương, chính sách về công tác Mặt trận phù hợp với tình hình thực tế.
Không những thế, để tăng cường vai trò lãnh đạo, Đảng còn phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên đầu tàu gương mẫu, nêu gương đoàn kết trong Đảng, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, công tác Mặt trận nói riêng; phải khắc phục nhận thức không đúng, xem nhẹ vai trò, vị trí của công tác và tổ chức, hoạt động của Mặt trận. Cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ làm đúng vai trò lãnh đạo, mà còn cần thực hiện đúng tư cách của tổ chức thành viên, là một bộ phận trong Mặt trận, bình đẳng như mọi tổ chức khác.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận phải trên cơ sở không ngừng tìm tòi, cải tiến phương thức lãnh đạo phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức Mặt trận. Không giống các tổ chức khác, Mặt trận là tổ chức tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc, mà trong đó Đảng lãnh đạo cũng là một bộ phận. Về mặt chính trị thì Đảng lãnh đạo Mặt trận, nhưng về mặt tổ chức, Đảng là một bộ phận trong tổ chức Mặt trận. Do vậy, phải làm rõ các cơ chế, nguyên tắc, phương thức lãnh đạo về chính trị đi đôi với làm rõ tư cách của Đảng là một bộ phận trong Mặt trận.
Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và tôn trọng tính độc lập, tự chủ về tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng là một nguyên tắc được khẳng định trong các nghị quyết nhưng luôn cần phải được cụ thể hóa thành cơ chế, phương thức thực hiện.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận còn luôn đòi hỏi phải cụ thể hóa, cơ chế hóa nguyên tắc đoàn kết của Đảng trong Mặt trận như đã đề ra trong Chính cương của Đảng tại Đại hội II (năm 1951) tạo cơ sở để các bộ phận của Mặt trận thương lượng, thỏa thuận với nhau theo một chương trình chung. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và cho đến ngày nay, việc vận dụng thực hiện hai nguyên tắc tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ trong Mặt trận luôn luôn là vấn đề cần không ngừng tìm tòi, tổng kết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn thể hiện vai trò thành viên của Đảng trong Mặt trận. Năm 1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thật nhất. Chỉ trong đấu tranh và trong công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới dành được địa vị lãnh đạo"2.
Kết hợp tốt việc không ngừng tăng cường củng cố khối liên minh công - nông làm nền tảng với mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất
Tăng cường củng cố khối liên minh công - nông đã bao hàm được yêu cầu không ngừng mở rộng hàng ngũ Mặt trận Dân tộc thống nhất như C. Mác đã nói: Giai cấp công nhân phải trở thành dân tộc. Song, trong thực tế có nơi có lúc do chỉ nhấn mạnh nguyên tắc liên minh công - nông, đề cao nhiệm vụ dân chủ nên dễ phạm khuyết điểm, làm cho Mặt trận bị co hẹp lại. Do vậy, phải luôn chú trọng kết hợp tốt hai yêu cầu tăng cường vai trò nền tảng đi đôi với mở rộng hàng ngũ Mặt trận. Để kết hợp tốt hai yêu cầu này, Mặt trận cần phải luôn luôn nắm vững và theo sự chỉ đạo hai nhiệm vụ chiến lược, đồng thời lại phải coi trọng việc mở rộng tổ chức Mặt trận, thu hút, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được.
Để không ngừng tăng cường, củng cố khối liên minh công - nông cần tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn. Vai trò của khối liên minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được xác định là cơ sở, nòng cốt của Mặt trận Dân tộc thống nhất, trong đó nông dân không chỉ chiếm số đông trong dân tộc, mà còn có năng lực cách mạng, nên có thể đi cùng với giai cấp công nhân đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc. Trong quá trình cách mạng dân tộc, dân chủ trong xã hội ta không chỉ nông dân mà các giai cấp, tầng lớp khác, kể cả một số người thuộc tầng lớp trên và trung gian, đặc biệt là các nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước đều có thể cùng với công nông đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Chủ trương mở rộng khối liên minh công - nông thành liên minh giữa công nhân với nông dân và lao động trí óc và các giai tầng khác đó là một sự phát triển phù hợp với điều kiện Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Liên minh công - nông không chỉ là nguyên tắc mà còn là chiến lược của cách mạng và của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nhưng việc thực hiện cũng đòi hỏi sự kết hợp giữa chiến lược với sách lược mềm dẻo, linh hoạt, tinh tế. Tăng cường khối liên minh công - nông nhằm giữ vững Mặt trận là cần thiết, nhưng không thể xem nhẹ tính dân tộc, đòi hỏi phải luôn có sự điều hòa cân đối về lợi ích. Do vậy, trong các cơ cấu tổ chức chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là trong Mặt trận phải thể hiện được cả tính liên minh giai cấp và liên minh dân tộc.
Vận dụng linh hoạt quy luật đoàn kết đấu tranh nhằm không ngừng củng cố, mở rộng, phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất
Để tăng cường, mở rộng, phát huy vai trò tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất, trước hết cần củng cố, mở rộng Mặt trận của các giới đi liền với phát triển tổ chức Mặt trận tiêu biểu do Đảng Cộng sản sáng lập; đồng thời phải chú trọng mở rộng bắt tay liên minh, thống nhất hành động với mọi lực lượng đấu tranh trong và ngoài cộng đồng dân tộc. Chú trọng cải tiến nội dung, phương thức hoạt động không chỉ có tầm quan trọng quyết định tới việc phát huy vai trò, vị trí của tổ chức Mặt trận, mà còn làm tăng hiệu quả, sức mạnh của sự liên kết, phối hợp giữa các lực lượng trong cộng đồng dân tộc. Nếu chỉ dừng lại ở những quan điểm, nguyên tắc và mô hình tổ chức thì dù Mặt trận có được thành lập, phong trào dù có được nhen nhóm, phát động cũng khó mang lại hiệu quả thực tế. Do vậy, không ngừng cải tiến phương thức hoạt động của Mặt trận là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của quá trình củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Tăng cường củng cố, mở rộng tổ chức Mặt trận còn đòi hỏi phải chú trọng thực hiện đúng nguyên tắc, phương châm đoàn kết, đấu tranh.
Mặt trận là tổ chức tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp xã hội có những khác biệt về lợi ích và sự khác nhau cả về nhu cầu, sở thích, nguyện vọng. Việc giải quyết các khác biệt về lợi ích của giai cấp, tầng lớp có vai trò tham gia của tổ chức Mặt trận, nhưng chủ yếu là đưa vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để tăng cường đoàn kết, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Mặt trận, tạo ra sự thống nhất hành động trên nguyên tắc, thương lượng dân chủ, bàn bạc để tìm ra tiếng nói chung một cách chân tình, thân ái. Đấu tranh trong nội bộ Mặt trận cần theo đúng phương châm có tình, có lý, có lợi, đúng mức. Thực hiện đoàn kết, đấu tranh và đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn.
Những điều rút ra trên đây cho thấy, quá trình hình thành, phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất trong đấu tranh giải phóng dân tộc đã để lại cho ngày nay nhiều kinh nghiệm quý báu; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ để có thể vận dụng vào sự nghiệp tăng cường, mở rộng đoàn kết, phát huy vai trò của Mặt trận trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.3.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.6, tr.508.
Trần Hậu
PGS,TS, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam