Ông Lê Sĩ Minh(ngồi giữa)-Giám đốc sở TT-TT chủ trì buổi công bố rút quyết định xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện. Ảnh: C.Đ
Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng trao đổi với phóng viên: “Sau vụ việc này, chúng tôi mong muốn anh em trong ngành cần thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm lớn trong vụ này”.
Nói như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Khi làm việc, người cán bộ phải hạn chế để không sai lầm, nhưng cái quan trọng hơn nữa là khi biết mình sai thì phải biết sửa sai. Cái đó không xấu gì cả mà chỉ làm cho mình tốt hơn”.
Dư luận ghi nhận việc sửa sai của Sở TTTT và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, không bảo thủ, cố chấp mà dám nhận trách nhiệm.
Xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện khi cơ quan chính quyền ra quyết định xử phạt không đúng là phản ánh sinh động quyền tự do dân chủ trong một xã hội, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân. Việt Nam quyết tâm xây dựng nền dân chủ và đề cao tinh thần dân chủ, vậy thì những hành động đi ngược lại tinh thần đó đều phải được phê phán, góp ý xây dựng để tốt hơn, tiến bộ hơn, dân chủ hơn.
Ngoài ra, một xã hội công bằng, văn minh thì không thể xử phạt công dân không công bằng, và rõ ràng không cho dân phát biểu quan điểm cá nhân là không văn minh. Tất nhiên, không ai được lợi dụng quyền tự do để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Bài học này không chỉ đối với Sở TTTT và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà các cơ quan khác, trước khi ra một quyết định tương tự, phải xem xét các căn cứ pháp luật, để không làm sai, xử oan công dân. Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bài học lớn hơn, đó là bài học lắng nghe. Những tiếng nói phản biện chính sách hay phê phán việc làm của cá nhân lãnh đạo là hết sức bình thường. Nếu nói đúng thì tiếp thu, sửa đổi, nói chưa đúng thì giải thích, thuyết phục. Mục đích cuối cùng là phục vụ dân tốt hơn, hiệu quả hơn.
Nếu như tiếng nói “nghịch nhĩ” được xem như là xuyên tạc, xúc phạm danh dự của lãnh đạo, thì còn ai dám phản biện, dám góp ý. Về phía người dân, việc góp ý với lãnh đạo, với chính quyền là cần thiết, nhưng phải xuất phát trên tinh thần xây dựng, tôn trọng đối tượng góp ý, có ngôn ngữ chừng mực, văn minh. Mục đích của góp ý là để đối tượng được góp ý làm tốt hơn, thay đổi theo hướng tích cực, không phải là bài xích, phá bỏ, đạp đổ.
Đấu tranh, phê phán điều chưa tốt là để xã hội tốt đẹp hơn.
Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động