|
Một góc thị trấn Phố Châu - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá huyện Hương Sơn. Ảnh: Minh Lý |
Hương Sơn là huyện miền núi, có diện tích đất tự nhiên 109.679 ha (là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh), dân số 111.363 người, trong đó, 11,4% dân số theo đạo Thiên Chúa giáo. Trước năm 2020, huyện có 32 đơn vị hành chính; sau sáp nhập đơn vị hành chính, huyện còn 23 xã và 2 thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới với 63,927 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.
Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Sơn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, bởi là huyện thuần nông, diện tích rộng, địa hình đồi núi chia cắt, nhiều sông suối, cơ sở vật chất hạ tầng còn thấp kém, hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu, vừa xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập đạt thấp (10,85 triệu đồng/người/năm ), tỷ lệ hộ nghèo cao (32,72%), việc huy động các nguồn lực và thu ngân sách còn thấp...
Năm 2010, bình quân mỗi xã chỉ đạt 2/20 tiêu chí, nhưng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, biến khó khăn thành động lực, Hương Sơn đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của toàn dân để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ, bài bản với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, các cơ chế, chính sách sát với thực tế, hợp lòng dân.
Sau hơn 10 năm quyết tâm thực hiện, huyện Hương Sơn đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Những mô hình kinh tế với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm được nhân rộng, hơn 97,3% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, có 23/23 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 142/224 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (theo Quyết định 525/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ), là huyện miền núi, biên giới thứ 2 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2021.
Từ thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hương Sơn rút ra những bài học thực tiễn như sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp từ huyện đến xã, Ban phát triển thôn và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bắt tay vào thực hiện Chương trình, Ban Thường vụ Huyện ủy đã sớm chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, bộ máy chỉ đạo, điều hành, cơ quan tham mưu giúp việc.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thành lập các Tổ công tác trực tiếp phụ trách các xã; phân công các cơ quan, đơn vị đồng hành chung sức xây dựng nông thôn mới tại các xã. 100% xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, Ban giám sát, bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới, thành lập Ban phát triển thôn; phân công cán bộ chỉ đạo, phụ trách theo từng tiêu chí và nhóm tiêu chí.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, sát thực tế; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc từng xã, thôn, tổ liên gia thực hiện Chương trình.
Thứ hai, chủ động xây dựng các đề án, khung kế hoạch, kịp thời ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ; tổ chức phát động các đợt cao điểm về thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ban chỉ đạo huyện đã xây dựng Đề án tổng thể xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và chỉ đạo các phòng, ngành, các xã tiến hành rà soát hiện trạng, lập quy hoạch, xây dựng đề án cụ thể xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xác định lộ trình thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý, các tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai tổ chức thực hiện.
Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn xây dựng khung kế hoạch cụ thể, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phân công, phân nhiệm cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện.
Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và mỗi xã một sản phẩm; phát động các phong trào thi đua, các đợt cao điểm xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mẫu, vườn mẫu, cứng hóa giao thông, kênh mương, rãnh thoát nước, trồng hàng rào xanh, phát triển sản xuất, xây dựng các kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, môi trường cảnh quan...
Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và vai trò chủ thể của Nhân dân. Quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bàn bạc kỹ, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân mới triển khai thực hiện; tổ chức phát động các đợt thi đua cao điểm tạo điểm nhấn và phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; biểu dương, khen thưởng kịp thời “gương người tốt, việc tốt”.
Các tổ chức đoàn thể vào cuộc tích cực, đồng bộ từ huyện đến cơ sở, tập trung cao công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua, đồng hành giúp các thôn thực hiện các tiêu chí khó, từ đó đã góp phần kích hoạt, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng ở các địa phương, khu dân cư, tổ liên gia.
Thứ tư, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và huy động sự đóng góp của các tổ chức, đơn vị, cá nhân để xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế nông thôn và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn của địa phương. Với quan điểm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân” mọi việc công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”, Hương Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chung sức góp lòng triển khai xây dựng nông thôn mới.
10 năm qua, nhiều người dân các xã trên địa bàn huyện Hương Sơn đều tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, ngày công, kinh phí để hoàn thành từng tiêu chí nông thôn mới. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 6.000 tỷ đồng (trong đó nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư là 1.883,5 tỷ đồng, chiếm gần 31,4%); cán bộ, Nhân dân toàn huyện đã đóng góp hàng vạn ngày công, Nhân dân hiến đất, hiến hàng rào, vật kiến trúc và cây các loại để mở đường. Ngoài ra, toàn huyện còn kêu gọi con em xa quê, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ được hơn 385,6 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hơn 117,7km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn đạt tỷ lệ 100%; 254 km đường trục thôn, ngõ xóm đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 85%, 443km đường ngõ xóm đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 80%), 160km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn (tỷ lệ 79%). Toàn huyện đã kiên cố hóa được 248,3km kênh mương nội đồng, đạt tỷ lệ 77%.
Với vị trí địa lý thuận lợi, giáp với nước bạn Lào là đầu mối lưu thông hàng hoá từ cửa khẩu Cầu Treo đến các vùng trong cả nước, nên Hương Sơn đã tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, thực hiện các chính sách kêu gọi thu hút đầu tư.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ được xây dựng đồng bộ; các hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân được đầu tư theo chuẩn nông thôn mới.
Đến nay, toàn huyện có 23/23 xã với 224 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao, có 64/67 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 95,52%. 100 % trạm y tế đạt chuẩn, các trạm y tế có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Môi trường, cảnh quan và các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, tình làng nghĩa xóm thắt chặt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Thứ năm, trong lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Xác định phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất vườn đồi, huyện đã xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: cam, chè, gỗ nguyên liệu, hươu, lợn… chủ động, kiên trì và mạnh dạn trong xây dựng các mô hình sản xuất mới.
Ngay khi bắt tay thực hiện chương trình, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế từng vùng miền.
Với hệ thống chính sách đồng bộ, cách làm bài bản, khoa học, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất từng bước ra đời. Tổng diện tích cây ăn quả trên toàn huyện hiện đạt gần 4.200 ha, tăng 176 % so với năm 2011, riêng diện tích cam đạt 2.200 ha (tăng 280%). Chè công nghiệp 605 ha (tăng 41%), chăn nuôi hươu phát triển mạnh với tổng đàn gần 42.000 con, sản lượng nhung hươu năm 2022 đạt gần 18 tấn, tăng 128,11%.
Hương Sơn còn khuyến khích phát triển các loại cây con chủ lực khác như: trâu, bò, dê, ong, các loại cây ăn quả.
Đến nay, toàn huyện có trên 1.727 mô hình có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 123 mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 173 mô hình cho doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, 1.431 mô hình cho doanh thu từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/năm.
Có 619 doanh nghiệp, 94 hợp tác xã và 328 tổ hợp tác trên các lĩnh vực. Toàn huyện có 185 mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững, nhiều mô hình áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GMP, như: Cam VietGAP 478 ha, Chè VietGAP 325 ha, 4 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP, 2 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP; 1 mô hình chăn nuôi lợn, 1 mô hình chăn nuôi hươu theo hướng tuần hoàn; có 23.602 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Từ một huyện miền núi với bộn bề khó khăn, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Hương Sơn đã tạo dựng nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng nông thôn mới. Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 13.356 tỷ đồng.
So với năm 2011, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm từ 41,37% xuống còn 25,14%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 20,2% lên 30,09%; thương mại, dịch vụ tăng từ 38,43% lên 44,77%; Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 307 tỷ, đạt 133,47% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 45,84 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn 2,40% (nghèo đa chiều).
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hương Sơn đã tập trung hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với chính sách kích cầu phù hợp, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành các sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Đến nay, toàn huyện có 47 sản phẩm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP (đứng đầu toàn tỉnh, chiếm 18,87%), các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã tăng doanh số từ 2 - 3 lần so với ban đầu, thị trường tiêu thụ mở rộng trong và ngoài tỉnh; có 10 cơ sở OCOP có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP không chỉ ở quy trình sản xuất sạch, an toàn, theo chuẩn VietGAP mà đây là những dòng sản phẩm cao cấp, lưu thông thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Vượt qua bao khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong 3 năm qua (2020 - 2022) do đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với cách làm sáng tạo, phát huy tính sáng tạo, linh hoạt trong từng thời điểm và sức mạnh nội lực của toàn dân để triển khai từng tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới một cách thực chất, bền vững.
Giờ đây, xây dựng nông thôn mới đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân ở Hương Sơn, nông thôn mới từ “phong trào” đã trở thành “cao trào”, từ “phải làm” nay “muốn được làm”.
Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, thời gian tới, huyện Hương Sơn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tập trung phát huy có hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò chủ thể của người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới một cách thực chất và hiệu quả, tạo sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng Hương Sơn trở thành huyện nông thôn mới phát triển bền vững.
Thành quả hơn 10 năm bền bỉ xây dựng nông thôn mới là động lực, là niềm tin nhân lên sức mạnh to lớn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Hương Sơn tiếp tục kiên trì xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao điển hình về phát triển kinh tế bền vững gắn với du lịch sinh thái, góp sức trong hành trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Bùi Nhân Sâm - Thạc sĩ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.