|
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và các đại biểu đến dự họp báo sau Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN |
Chính luận - nhóm thể loại chủ lực
Chính luận là nhóm thể loại báo chí với những thể loại “đại bác”, mang sức nặng, giàu tính chiến đấu, được coi trọng trong nghề báo. Những người viết chính luận không nhiều, thành danh trong nghề là không đáng kể. Thực tế, viết chính luận đòi hỏi sự đầu tư dày công về thời gian từ khi có ý tưởng đến quá trình tổ chức thực hiện cho đến khi hoàn thiện tác phẩm và những phản hồi sau đó. Không chỉ vậy, thể loại chính luận còn đòi hỏi người viết cần có sự am hiểu chuyên môn, kiến thức sâu rộng, sự tâm huyết, say nghề và bản lĩnh vững vàng, sự nhạy cảm chính trị, nghề nghiệp cao. Bình luận nói riêng, các thể loại báo chí chính luận nói chung là thể loại báo chí xuất hiện từ lâu trên thế giới, và ngay lập tức tạo được dấu ấn riêng, nhờ những đặc trưng về thể loại có sự khác biệt rõ ràng so với các thể loại báo chí thông tấn như tin, bài phản ánh, phỏng vấn… Đó chính là việc lựa chọn đề tài, triển khai tác phẩm với các luận điểm, luận cứ, luận chứng xác đáng, thuyết phục, lý giải ngắn gọn, sâu sắc, rõ ràng, chính xác bản chất mà chủ đề bài bình luận đề cập. Đó chính là việc nêu quan điểm, chính kiến của người viết, cũng như tòa soạn về vấn đề nhiều người quan tâm tại thời điểm bài bình luận xuất hiện, thậm chí là dự báo diễn tiến trong tương lai. Bên cạnh đó, là việc sử dụng ngôn ngữ báo chí, văn phong mang đậm dấu ấn cá nhân người viết, không gò bó, chật chội, khuôn khổ, phép tắc…
Chính vì vậy, nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã chú trọng đầu tư cho thể loại bình luận với nhiều tên gọi khác nhau trong các chuyên mục, trên tất cả các lĩnh vực mà cơ quan báo chí có đề cập đến, từ văn hóa, thể thao, quốc tế đến kinh tế, xã hội, chính trị... Song song đó, là việc chú trọng đầu tư, xây dựng những cây bút chuyên viết bình luận, với cách tiếp cận sự kiện, chủ đề độc đáo, tinh tế, việc nêu quan điểm, chính kiến rõ ràng, trực diện cùng giọng điệu, văn phong đặc trưng, thu hút sự chú ý của công chúng.
Thực tế, không phải đến ngày nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, sự nhiễu loạn thông tin xuất hiện tràn lan, nhất là trên không gian mạng, chính luận mới được đề cao, chú trọng bởi những đặc điểm riêng có của mình, mà ngay từ khi báo chí mới xuất hiện, các thể loại chính luận đã được quan tâm. Có thể khẳng định rằng, chỉ ít lâu sau khi ra đời, báo chí thế giới đã phân tách thành những thể loại khác nhau, nhưng có thể gói gọn trong hai nhánh chính, đó là thông tin phản ánh đơn thuần những gì diễn ra trong đời sống xã hội và thông tin có phân tích, bình luận, lý giải chiều sâu... Lịch sử báo chí thế giới xác nhận rằng, thể loại bình luận xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX, chủ yếu tại Anh và Pháp, với mục đích đem lại cho công chúng những tri thức mới không chỉ là tin tức tin tức đơn thuần mà là sự phân tích, lý giải, nêu quan điểm về một chủ đề, sự kiện, vấn đề… thông qua đó góp phần giáo dục, tác động đến suy nghĩ, tư duy của người đọc, thuyết phục, định hướng thông tin cho công chúng.
Năm 1869, nhà báo, nhà phê bình văn học, âm nhạc người Mỹ Richard Grant White (1822-1885) đã có bài viết với tiêu đề “The Morals and Manners of Journalism” (Tạm dịch: Đạo đức và phong cách của báo chí) khẳng định: “Trong 2 nhánh của nghề báo, một là thu thập và phát hành tin tức, hai là thảo luận và giải thích những sự kiện được công khai thì nhánh đầu là cần thiết, căn bản hơn; còn nhánh sau quan trọng hơn. Nhánh thứ hai có tính chất tranh luận của nghề báo, bởi nó luôn định hướng, như một người cố vấn thường nhật; vừa truyền đạt thông tin vừa giáo dục, mở rộng tầm hiểu biết về tư tưởng và tình cảm của con người”.
Theo sự nhìn nhận của các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam, chính luận là nhóm thể loại báo chí có chức năng, nhiệm vụ phân tích, chứng minh, luận giải về các sự kiện, vấn đề, hiện tượng của đời sống. Thông tin trong chính luận chủ yếu là thông tin lý lẽ, bày tỏ quan điểm, lập trường, chính kiến rõ ràng, khách quan nhằm giúp công chúng sáng tỏ, hiểu rõ, đúng bản chất thông tin, góp phần định hướng, điều chỉnh dư luận, giúp công chúng tin và làm theo. Cũng vì thế, có không ít ý kiến cho rằng, báo chí chính luận chính là báo chí quan điểm, với sự tỏ bày một cách rõ ràng, mạch lạc. Một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần làm nên tinh thần, hồn cốt, cảm xúc của tác phẩm chính luận đó chính là giọng điệu, ngôn ngữ, cảm xúc của người viết. Đó cũng chính là những yếu tố không kém phần quan trọng góp phần hình thành phong cách đặc trưng của từng người viết chính luận.
Ngày nay, khi mà việc phân chia thể loại báo chí không là yêu cầu bắt buộc đối với nhà báo, không là liêm luật cần được coi trọng tuyệt đối, bạn đọc chỉ coi trọng thông tin thu được từ những tác phẩm báo chí thì họ chỉ cần phân biệt tin và bài là đủ. Tất nhiên, những bài báo sâu sắc, giàu trí tuệ luôn được đánh giá cao. Cũng vì thế, thuật ngữ “báo chí trí tuệ” hình thành và ngày càng trở lên phổ biến, được áp dụng ở hầu khắp các nền báo chí trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những giá trị của báo chí trí tuệ có thể gói gọn trong 5 chữ cái viết tắt từ tiếng Anh, là 5I: Informed (Am hiểu), Intelligent (Thông minh), Interesting (Thú vị), Insightful (Thấu hiểu), Interpretation (Diễn giải). Nói như Giáo sư báo chí Mitchell Stephens (Đại học New York, Mỹ), 5I có nghĩa là: Am hiểm, thông minh, có tính Diễn giải, Sâu sắc và Soi sáng. Ông cho rằng, “diễn giải phải là một phần sứ mệnh của tờ báo, sứ mệnh ấy xuất hiện ở trang nhất”.
Thực tế, trên các trang nhất hầu hết các tờ báo trên thế giới và ở Việt Nam đều có “phần đất” trang trọng, xứng đáng dành cho thể loại báo chí chính luận, nhất là chính luận phản biện, phản bác. Chính luận phản biện, phản bác thực ra không phải là thể loại báo chí cụ thể mà là cách gọi, sự khu biệt ở phạm vi giới hạn mà các thể loại chính luận đề cập đến các chủ đề, đề tài thuộc phạm trù phản biện. Đó chính là những tác phẩm báo chí có nội dung rõ ràng, logic, sự lập luận đúng đắn, chính xác, thuyết phục. Nghĩa là dùng lý lẽ, lập luận để bảo vệ luận điểm, vấn đề đưa ra thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ phản biện xã hội, kinh tế, chính trị đến những vấn đề rộng lớn, khó khăn là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tạm khu biệt về chính luận phản biện như vậy cũng đủ hình dung rằng đây là nhóm thể loại khó, đòi hỏi cao đối với người viết. Đặc biệt, với chính luận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì yêu cầu càng cao hơn, bởi không chỉ là sự khô khan, khắt khe, cẩn trọng mà còn đòi hỏi người viết sự am hiểu sâu sắc, lý luận, lý giải gốc rễ, thấu đáo, thuyết phục các vấn đề nêu ra với những luận điểm, luận cứ thuyết phục cùng sự luận chứng chặt chẽ, logic, hợp lý, tránh sự trùng lắp, ít sáng tạo, khô cứng, khuôn mẫu. Thực ra, giữa phản biện và phản bác có sự khác nhau khá căn bản. Trong khi phản biện là việc phân tích mọi khía cạnh của một vấn đề nhằm đánh giá sự sai đúng, lợi - hại thì phản bác có nghĩa là dùng lập luận, lý lẽ, luận điểm, luận cứ để bác bỏ quan điểm, ý kiến của người khác.
Khoảng trống, bước ngoặt và sự quyết tâm
Có thể khẳng định rằng, trong thời đại mà thông tin bùng nổ, lan tràn ồ ạt, báo chí chính luận nói chung, chính luận phản biện nói riêng được đề cao, nhắc đến nhiều hơn, bởi chức năng, vai trò phân tích, chứng minh, lý giải, định hướng của nó, giúp công chúng không bị choáng ngợp, bội thực, nhầm lẫn, “lạc lối”, “chết chìm” trong “biển” thông tin tầng tầng, lớp lớp… Chính luận phản bác, trước hết là chính luận, nhưng khu biệt phạm vi không gian là đấu tranh bác bỏ những biểu hiện sai trái, tiêu cực, những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, những phần tử cơ hội chính trị. Thực tế, viết chính luận đã khó, viết chính luận phản bác càng khó hơn, đòi hỏi người viết phải dày công, tâm huyết, cẩn trọng, khắt khe với chính mình, với từng tác phẩm; phải xây dựng, thiết lập được hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng hết sức khoa học, logic, thuyết phục, xác đáng; đủ sức phản biện một cách bản chất, đúng đắn, có chiều sâu, đầy đủ cả lý và tình, không thể phản bác, chối cãi. Điều ấy người viết cần thể hiện cả ở góc độ lựa chọn đề tài, tiếp cận vấn đề, đưa ra những góc nhìn phân tích, lý giải, chứng minh mới mẻ, hợp lý, logic, khoa học, đúng đắn, khách quan, tin cậy.
Thực tế, chính luận phản bác hiện nay đôi khi còn thiếu chiều sâu, thiếu lý lẽ, luận giải gốc rễ vấn đề đưa ra. Vấn đề không kém phần quan trọng khác phải thừa nhận rằng, lĩnh vực này không có nhiều cơ quan báo chí đáp ứng đủ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra, bởi việc tổ chức được đội ngũ cộng tác viên chuyên viết về lĩnh vực này không phải là việc dễ dàng. Có hai vấn đề nổi bật, thứ nhất là những người am hiểu, chuyên sâu về lý luận, chuyên ngành thường không dễ chuyển tải để đông đảo công chúng hiểu được những lý giải, phân tích, chứng minh một cách căn cốt, bản chất, thấu đáo; thứ hai, trong khi những nhà báo chuyên nghiệp lại không có nhiều người hiểu cội nguồn, bản chất, căn cốt vấn đề, sự kiện để có thể lý giải một cách thấu đáo, tỏ tường, phổ thông những vấn đề mà công chúng đang mong muốn kiếm tìm câu trả lời… Đó có lẽ cũng là một vài trong những lý do, nguyên nhân khiến không có nhiều người chú tâm vào thể tài chính luận, nhất là chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo nhiều nhà nghiên cứu báo chí, cùng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, có thể rút ra một số điều cơ bản là: Trong những năm qua, báo chí đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, cũng còn không ít hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ rằng: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”. Có thể chỉ rõ hơn ở một số điểm sau. Thứ nhất, thông tin trên báo chí còn mỏng, yếu, trùng lắp, thiếu tính hệ thống, dài hơi. Chủ yếu là phản bác tức thời, sự vụ, chi tiết, cụ thể, nhạt nhẽo, gượng ép; khẩu chiến, thậm chí đôi co, đuối lý… Thứ hai, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có mặt còn lạc hậu, bất cập, nhiều vấn đề mới chưa được luận giải kịp thời, khoa học, khiến công tác đấu tranh thiếu cơ sở, có lúc, có nơi lúng túng, hiệu quả thấp; chưa gắn thật chặt nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận. Thứ ba, thông tin đấu tranh phản bác còn thiếu chiều sâu, chưa đủ đầy hệ thống luận cứ, luận chứng, lý lẽ có lớp lang, chặt chẽ, thuyết phục, tính bút chiến bằng lý luận mờ nhạt, thiếu thuyết phục. Thứ tư, mục tiêu đấu tranh, phản bác nhằm bẻ gãy, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá từ gốc chưa đạt được, có khi còn gây phản tuyên truyền, khiến những thông tin xấu, độc có cơ hội phát tán rộng hơn, gây những hệ lụy khôn lường… Đó chính là khoảng trống khá lớn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Thực tế, đã có sự chuyển biến khá căn bản, toàn diện về công tác này trong vòng hơn 3 năm nay, cũng có thể coi đó là bước ngoặt của sự phát triển. Nguyên do căn bản là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Chính vì vậy, đã có sự quan tâm, chú ý đặc biệt đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh việc chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, đã có hệ thống giải pháp được đưa ra. Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 35-NQ/TW bước đầu đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW được lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Các cơ quan báo chí tăng cường hệ bài về lĩnh vực này, với các chuyên trang, chuyên mục cố định, thường kỳ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều cuộc thi báo chí về lĩnh vực này được tổ chức, điển hình nhất là Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức), cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” (do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức). Trong khi đó, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải Báo chí quốc gia thường niên luôn có những tác phẩm chính luận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được vinh danh…
Tuy còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng với sự quyết tâm cao độ cùng hệ thống giải pháp đồng bộ, có thể tin chắc rằng, từ bước ngoặt Nghị quyết số 35/NQ-TW, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới, với sự lan tỏa rộng rãi về quy mô cùng sự nâng cao chất lượng về nội dung của hệ bài thuộc lĩnh vực này.
TS. Nguyễn Tri Thức
Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Hồ sơ - Sự kiện, Tạp chí Cộng sản