|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi đồng bào các dân tộc xã Du rơ Kmăn, huyện Krông A Na (Đăk Lăk) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 11/11/2018. (Ảnh tư liệu) |
Nhân lực vùng đồng bào thiểu số trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Bước vào thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, cùng với những thành tựu đạt được trong nhiều lĩnh vực, trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác phát triển về thể lực, về trí lực, về tâm lực. Thực tế này đã được điều tra, phân tích và tổng hợp trong Báo cáo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê.
Về thể lực, ở một số vùng dân tộc thiểu số và một số dân tộc thiểu số thể trạng, tầm vóc chưa ngang bằng so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là một số dân tộc sống ở địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cụ thể ở vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ 25,9% và 27,4%. Một số dân tộc tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn 40% như dân tộc Êđê, Mông, Rơ Măm, Pú péo, Ơ Đu, Brâu, Mảng, La hủ. Tỷ lệ chết ở trẻ em sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao rất nhiều so với bình quân chung của cả nước. Trẻ em 1 tuổi chiếm 30% so với 14% của nước, trẻ em 5 tuổi là 39% so với 16% cả nước. Tuổi thọ vùng trung du và miền núi phía Bắc trung bình 70 tuổi và Tây Nguyên 69,1 tuổi. Một số tỉnh có tỷ lệ tuổi thọ thấp như Lai Châu 63,8 tuổi, Hà Giang 66,3 tuổi, Kon Tum 66,2 tuổi… các dân tộc như Mông 64,3 tuổi, Thái 69,2 tuổi, các dân tộc thiểu số khác 67,8 tuổi. Một số dân tộc rất ít người vùng đặc biệt khó khăn thì tuổi thọ chỉ khoảng 50 đến 55 tuổi, thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao hơn các dân tộc khác.
Về trí lực, theo kết quả tổng điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trình độ học vấn ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thấp hơn so với bình quân cả nước như: tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ từ trung học phổ thông trở lên chiếm 20,2% tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ này của toàn quốc là 16,3%. Giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn có sự chênh lệch về trình độ, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chưa tốt nghiệp tiểu học ở vùng nông thôn cao hơn hai lần so với thành thị (lần lượt là 27,8% và 13,4%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số 15 tuổi trở lên có trình độ trung học phổ thông trở lên của khu vực thành thị cao hơn hai lần so với khu vực nông thôn (lần lượt là 38,7% so với 17,1%). Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên không biết chữ ở trung du và miền núi phía Bắc là 12,7%, ở khu vực Tây Nguyên là 11,3% và hiện có 14 tỉnh có tỷ lệ mù chữ cao nhất cả nước như: Hà Giang 34,5%, Lai Châu 42,6%, Điện Biên 32,4%... tập trung chủ yếu ở một số dân tộc như Mông 54%, Thái 18,1%, Khmer 24,4%, một số dân tộc khác là 22,4%.
Trình độ học vấn của lao động dân tộc thiểu số trong độ tuổi thấp nhất là tại 3 vùng trung du và miền núi phía Bắc là 58,6% có trình độ từ tiểu học trở xuống; Tây Nguyên 65,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 75%. Nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số chủ yếu chưa qua đào tạo chiếm 89,5%, trong đó Mông 98,7%, Khmer 97,7%, Thái 94,6%, các dân tộc khác 95,95%. Lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chủ yếu trình độ thấp, chất lượng đào tạo yếu về chuyên môn và bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề: sơ cấp 2,54%, trung cấp 4,8%, cao đẳng 1,43%, từ đại học trở lên 4,81%. Tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học của đân tộc thiểu số rất ít: Thái 1,6%, Khmer 1%, Mông 0,2%, các dân tộc thiểu số khác 1,5%. Một số dân tộc có tỷ lệ người có trình độ đại học rất thấp: Ba Na 0,3%; Xinh Mun, La Hủ, Xtiêng 0,4%; Mảng 0,5%; Chơ Ro 0,9%... Cứ 100 người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chỉ có 9 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng này cho thấy, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang thực sự “khát” nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.
Về tâm lực, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, thể hiện qua trình độ nhận thức về hiểu biết xã hội; kỹ năng sống, tính năng động thích ứng trong môi trường mới; tác phong, kỷ luật lao động… chưa theo kịp sự phát triển. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm nghề “lao động đơn giản trong khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 92,2%. Đa số lao động ở nhóm dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người làm nghề giản đơn chiếm trên 68%. Hiện nay, ở vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ tái mù chữ còn cao, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, nhất là học sinh nữ là con em các gia đình nghèo. Trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện còn thấp. Theo thống kê 9 nhóm nghề nghiệp, người dân tộc thiểu số làm “lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị” chiếm tỷ trọng thấp, chỉ chiếm 5% và đa phần trong số này là nam giới với 71,8% và nữ giới chỉ có 28,2%. Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo của vùng miền núi phía Bắc thấp hơn so với mức trung bình cả nước và không đồng đều giữa các tỉnh trong vùng. Ngoài Điện Biên và Hoà Bình có sự gia tăng đáng kể lực lượng lao động đã qua đào tạo, các tỉnh còn lại gồm Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển như: tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của Sơn La là 12%, Lào Cai là 16,2%, Yên Bái là 13,7%...
Thực tế các vấn đề hạn chế được điều tra nêu trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, cấu thành chất lượng nguồn nhân lực và thực trạng nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong và kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều thủ tục lạc hậu. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để phát triển. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa có sự lồng ghép chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao, nhất là các chương trình về văn hóa, giáo dục, đào tạo, dân số có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.
Công tác quản lý về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực miền núi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc xây dựng chính sách, cơ chế, quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nghề. Hệ thống các cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước đối với đặc thù của vùng miền núi chưa thỏa đáng, thiết bị dạy nghề còn thiếu, một bộ phận cán bộ quản lý dạy nghề chưa có kinh nghiệm thực tiễn, giáo viên thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; chương trình và nội dung đào tạo nghề chậm đổi mới để bắt kịp với yêu cầu của thị trường lao động. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề chưa chủ động gắn kết giữa đào tạo với giải quyết việc làm, chưa bắt tay được với các doanh nghiệp để tìm “đầu ra” cho học sinh học nghề. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh còn nhiều hạn chế, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông gặp nhiều khó khăn. Tâm lý phổ biến của học sinh và phụ huynh vẫn mong muốn học đại học, cao đẳng, không muốn học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nên không muốn cho con em học nghề.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiếng cùng đồng bào các dân tộc. |
Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong thời gian tới
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển toàn diện nguồn nhân lực. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; thông tin công khai, rộng rãi, đầy đủ về các chương trình hỗ trợ, chính sách cử tuyển, cơ hội học tập và nghề nghiệp; phổ biến các mô hình, các tấm gương trong học tập và nghề nghiệp ở địa phương làm nhân tố để nhân rộng; gây dựng và củng cố niềm tin về các cơ hội học tập và nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, từ đó tạo động cơ thúc đẩy phụ huynh và học sinh nỗ lực phấn đấu theo học, chứ không chỉ dừng lại “học chỉ đủ để biết chữ”.
Hai là, đổi mới chính sách giáo dục - đào tạo ở các cấp. Mở rộng việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả các chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả trường phổ thông dân tộc nội trú; mở rộng các khoa dự bị đại học trong các trường đại học cho người dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn. Có chính sách huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực ở các địa phương, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh, sinh viên người dân tộc, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thực hiện các chương trình, mô hình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hình thành thế hệ nông dân mới, biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường.
Bốn là, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút con em là người địa phương tham gia đào tạo nghề sư phạm; phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi tham gia phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Năm là, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng công tác nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc ở vùng dân tộc thiểu số.
Hà Thị Khiết
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.