Bảo vệ, chăm sóc tốt hơn quyền lợi người lao động

Tại phiên thảo luận tổ đợt 1, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri, Nhân dân quan tâm đó là bảo đảm các điều kiện để tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tăng thêm cán bộ chuyên trách công đoàn

Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới hội nhập hiện nay, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần sửa đổi. Để quá trình sửa đổi Luật diễn ra thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong muốn của cử tri, người lao động trên cả nước, trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Gửi gắm tâm tư tới nghị trường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Hoàng Hữu Tiến cho biết: Số lượng đoàn viên, người lao động trên địa bàn Hà Nội không ngừng lớn mạnh nhưng số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn không tăng, cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp 100% kiêm nhiệm. Trong khi đó, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn phải nắm chắc tình hình doanh nghiệp, công nhân lao động và am hiểu kỹ năng hoạt động công đoàn, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn vệ sinh lao động. Do đó, trong lần sửa đổi dự thảo Luật Công đoàn lần này, việc bổ sung quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” tại Khoản 3, Điều 26 rất phù hợp.

Các ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Hải Dương

Cử tri Nguyễn Đắc Hưng (cán bộ công đoàn thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng phản ánh, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh, huyện hiện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; trong khi số lượng đoàn viên tăng liên tục... dẫn tới khó khăn cho hoạt động công đoàn; có nơi công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Do đó, cần giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ những bất cập trong thực tiễn thời gian qua, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Bảy về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Tại các địa phương có quan hệ lao động không phức tạp, ít doanh nghiệp thì số lượng cán bộ công đoàn chỉ cần có mức độ; nhưng ở những nơi tập trung khu công nghiệp, đông công nhân đòi hỏi phải tăng số lượng cán bộ công đoàn mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Cần có quy định lựa chọn, đào tạo cán bộ công đoàn

Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 12 tỉnh, thành phố công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 40 ngày 18.7.2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, giao Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề xuất. “Sau khi tính toán, rà soát lại, đề xuất giao biên chế theo phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống. Hiện, số người được cấp ủy các địa phương tạm giao khoảng 5.200”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách làm theo hợp đồng ở các công đoàn cơ sở. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin, hiện nay, Chủ tịch công đoàn cơ sở cơ bản là kiêm nhiệm và do doanh nghiệp trả lương, nên để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ công đoàn rất khó.

Đồng quan điểm về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng: Tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, tiền lương chi trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty do chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trả lương. Điều này dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động còn nhiều hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị, tiền lương, tiền thưởng và các phụ cấp khác chi trả cho cán bộ công đoàn chuyên trách ở công ty, doanh nghiệp nên chi trả từ kinh phí của công đoàn cấp trên phù hợp nhất. Có như vậy, công đoàn mới có thể toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động tại doanh nghiệp.

Trong lần sửa đổi Luật Công đoàn này, cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động mong muốn giúp tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị: “Cần có quy định liên quan đến lựa chọn và đào tạo bồi dưỡng về đội ngũ cán bộ công đoàn và cần quy định giao cho họ những trách nhiệm, nhiệm vụ để phát huy tinh thần và đóng góp của tổ chức công đoàn”.

Dẫn chứng cụ thể về tình trạng chậm đóng BHXH lâu nay, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, công đoàn không thể đứng ngoài cuộc trước tình hình xâm phạm đến quyền của người lao động như vậy. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này nên đi theo hướng phát huy trách nhiệm của công đoàn để bảo vệ cho người lao động. Đại biểu nhấn mạnh, một trong những trách nhiệm đó chính là cán bộ công đoàn phải đủ điều kiện và năng lực để tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

 
Theo Hải Dương/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều