|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ) |
Đáng chú ý, một trong những “mục tiêu” tội phạm mạng đang tập trung hướng tới chính là người trung niên, người cao tuổi, những người có nhu cầu sử dụng internet và tiếp xúc với mạng xã hội ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến nguy cơ người lớn tuổi dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo qua mạng đang ngày một trở nên tinh vi.
Ở mỗi nhóm đối tượng, độ tuổi, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, thủ đoạn chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Đối với người trung niên, người cao tuổi là đối tượng hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, cảnh báo, dễ bị thuyết phục, dọa dẫm, trong khi đó tài chính lại có sẵn sau một thời gian dài tích cóp.
Theo các cơ quan chức năng, người cao tuổi thường xuyên gặp 15 hình thức lừa đảo, như: Lừa mua “combo du lịch” giá rẻ; dùng công nghệ Deepfake giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân (con cháu làm ăn xa) để nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng tặng quà, mời khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí…
Nhiều trường hợp đối tượng giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng, lôi kéo đầu tư tài chính; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; nhận bưu phẩm; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền…
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, người cao tuổi là đối tượng yếu thế khi tham gia không gian mạng, cho nên rất cần được tăng cường bảo vệ. Trong đó, cách bảo vệ sớm và nhanh nhất chính là hành động của con, cháu trong gia đình, như: Tìm hiểu thói quen online của người lớn tuổi, cài đặt và hướng dẫn sử dụng thành thạo các ứng dụng đọc báo, xem phim, nghe nhạc uy tín, bảo đảm cho người già được tiếp nhận thông tin chính xác.
Con, cháu trong gia đình cần thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu cho ông bà, cha mẹ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác; không nghe điện thoại, không nghe kẻ lạ dụ dỗ qua điện thoại, trên môi trường mạng; không cài đặt phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến. Ngoài ra, các gia đình có thể tìm sự hỗ trợ của các giải pháp bảo mật tự động để bảo vệ người lớn tuổi khi dùng internet.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu triển khai các biện pháp rà soát, định danh xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hạn chế tình trạng sim rác, tài khoản ngân hàng bị mua bán mà người sử dụng không phải chính chủ, áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với những giao dịch, chuyển tiền ngân hàng… nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch chuyển dòng tiền vi phạm pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương; coi việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần bảo đảm cao nhất an ninh con người, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, trong đó có đối tượng người cao tuổi.
Theo Phúc Quân/Báo Nhân dân