Bước đột phá lịch sử từ nghị quyết về 'tam nông'

"Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam; vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét; sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn".

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đánh giá về chương trình này. 

Vùng Tứ giác Long Xuyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, trở thành vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chương trình đạt và vượt mục tiêu đề ra nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến quá trình triển khai, thực hiện. Xây dựng NTM đã trở thành một nội dung làm việc cố định trong chương trình làm việc về phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương. 

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, xuất phát điểm của các xã còn thấp, năm 2010, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 4 tiêu chí/xã. Khi đó, đây là Chương trình mới với cách tiếp cận mới, lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên phạm vi tất cả gần 9.000 xã, 670 đơn vị cấp huyện và cả 63 tỉnh, thành phố.

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.806 xã (chiếm 54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xuất hiện địa phương có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Cả nước có 112/664 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,86%) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 94% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020.

Gia đình anh Phùng Xuân Sơn, xã Xuân Phú, huyện Na Hang nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Na Hang, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Xác định tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, An Giang phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn cũng đầu tư vào tỉnh với quy mô lớn như: vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao của Công ty Cổ phần Cá Tra Việt Úc; sản xuất cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú; sản xuất chuối công nghệ cao Vĩnh Phát; trang trại bò sữa kết hợp chế biến sữa của Tập đoàn TH...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 27/06/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo được nền tảng phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hiện tại và giai đoạn tới. 

Việc ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư, nhất là các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất giống đến khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến nông thủy sản được nhân rộng. Các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản đã hình thành, phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất trong chuỗi có sự tham gia của các ngân hàng, góp phần từng bước ổn định và đang đi vào thực chất.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng, theo nhu cầu thị trường; trong đó lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo bằng các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển. Đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư, tỉnh tập trung phát triển quỹ đất đủ lớn nhằm tạo thuận lợi trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, xuất phát từ quá trình thực hiện Chương trình tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị, Nhà nước cần tập trung đầu tư, hoàn chỉnh đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình về giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển gắn kết giữa nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái.

Với quan điểm xây dựng NTM đảm bảo “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những kết quả tích cực của giai đoạn 2010-2020 cần tiếp tục được phát huy và nhân rộng trên toàn quốc, khắc phục triệt để những yếu kém còn tồn tại, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa nông thôn và đô thị, kết nối liên vùng, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 80% số xã đạt chuẩn NTM. 

Xác định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn là hồn của nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền. Các địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế.

Cùng với đó là tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch; trong đó chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩn OCOP truyền thống …

Nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, các địa phương cần phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.

Gieo mạ trong khay ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

“Rút kinh nghiệm 10 năm qua, Bộ đang tập hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương... Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhiều hơn so với giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở khung cơ chế, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế, các địa phương cần chủ động nghiên cứu, vận dụng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM, gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Theo Bích Hồng (TTXVN)

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều