Cốt lõi của tiến trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số, hiểu theo cách đơn giản là sự chuyển đổi cách thức chúng ta làm việc để có thể tiếp nhận công nghệ và nâng cao khả năng vận dụng công nghệ vào thực tiễn. Để có thể thiết kế được các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn hóa được các tác nghiệp trong tiến trình tổ chức và vận hành của một tổ chức, và độ khó của tiến trình này gia tăng theo cấp độ mở rộng của tổ chức.
Ở cấp độ quốc gia, việc chuẩn hóa các tác nghiệp cũng chính là tiến trình kiến tạo, cải cách và hoàn thiện các thể chế. Tác nghiệp và mối tương quan, tương tác giữa các tác nghiệp được hình thành từ bốn cấu thành chính:
1) Các văn bản quy phạm pháp luật quy định và chức năng của mỗi tổ chức quy định các tác nghiệp cần thực hiện;
2) Các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn cơ cấu tổ chức quy định cách các tác nghiệp gắn kết với nhau thành các tiến trình, quy trình;
3) Các văn bản quy phạm pháp luật và tiến trình tổ chức thực thi, triển khai và vận hành tổ chức quy định các tác nghiệp phối hợp với nhau như thế nào;
4) Các văn bản quy phạm pháp luật và bối cảnh chung của môi trường chính trị - kinh tế - xã hội mà tổ chức thuộc về quy định cách các tác nghiệp linh hoạt điều chỉnh và thích ứng để hoàn thành.
Để hình dung vai trò của thể chế đối với tác động đến tiến trình chuyển đổi số, có thể phân tích các vấn đề về tác nghiệp trong 4 cấp độ dịch vụ công trực tuyến:
Có thể thấy, nếu không chuẩn hóa được các quy định và các chức năng của tổ chức sẽ làm cho các tác nghiệp được hình thành trong mỗi tổ chức cùng một loại tại mỗi bộ, ban, ngành, địa phương sẽ phát sinh những tác nghiệp khác nhau cho cùng một chức năng, điều này sẽ dẫn đến việc thiết kế các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ để có thể ứng dụng hiệu quả vào các tổ chức sẽ phải tùy chỉnh cho phù hợp với các tác nghiệp tại mỗi tổ chức mỗi khác, và do vậy, làm mất đi tính hệ thống của các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ khi chúng được nối kết từ tất cả các tổ chức vào cùng một hệ thống tổng chung.
Điều này sẽ gây ra khó khăn cho việc quy định thực hiện thống nhất một thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo cấp độ 1.
Quy định có thể là chung, nhưng việc thực thi sẽ rất khác nhau ở mỗi bộ, ban, ngành, địa phương. Điều này có thể linh hoạt khi con người trực tiếp thực thi, nhưng đối với các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ, khi không có tính hệ thống, các hệ thống sẽ không thể hoạt động được bởi chúng không thể “linh hoạt” như con người.
Nếu không hệ thống hóa được các cấu trúc hệ thống này, việc phối hợp để các tác nghiệp gắn kết với nhau thành các tiến trình, quy trình sẽ dẫn đến việc các tiến trình, quy trình mỗi nơi mỗi khác. Điều này sẽ dẫn đến sự không đồng bộ trong việc thiết kế các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ.
Do vậy, khi tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính công ở cấp độ 2, việc tiếp nhận các hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến ở mỗi nơi sẽ đòi hỏi những cách khác nhau.
Việc không đồng bộ trong tiếp nhận thủ tục hành chính công ở cấp độ 2 do thiếu tính đồng bộ sẽ tiếp tục dồn sang cho cấp độ 3 khi các tiến trình thực thi, triển khai và vận hành việc xử lý các thủ tục hành chính thiếu tính đồng bộ làm cho việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các bên liên quan đến tiến trình xử lý thủ tục hành chính này gặp khó khăn trong việc khớp nối với nhau và dẫn đến việc không cộng hưởng hiệu quả trong việc phối hợp xử lý. Điều này trước đây vẫn có thể giải quyết được nhờ sự tương tác trực tiếp giữa các cơ quan, đơn vị và các bên liên quan.
Tuy nhiên, khi đưa vào các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ, sự tương tác trực tuyến không cho phép tạo ra những cơ chế mang tính đặc thù để giải quyết từng sự vụ.
Và trong một bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật và bối cảnh chung của môi trường chính trị - kinh tế - xã hội như vậy, đòi hỏi việc thực thi các tác nghiệp xử lý thủ tục hành chính phải luôn linh hoạt điều chỉnh và thích ứng để hoàn thành. Và điều này dẫn đến tình trạng chính những công chức tham gia vào tiến trình này còn không thể biết nên hay không nên phải làm như thế nào, cần sự hướng dẫn với rất nhiều vấn đề cụ thể có thể xác lập được từng tác nghiệp trong việc giải quyết một thủ tục, và điều đó cũng dẫn đến phải liên tục tương tác với công dân trực tiếp để xử lý, chứ không thể trực tuyến theo cấp độ 4 trong các cấp độ dịch vụ công trực tuyến.
Có thể thấy rõ hơn điều này qua một thực tiễn thể chế: “Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định. Trong đó, có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi bổ sung, 2 nghị định ban hành thay thế; cấp bộ, ngành ban hành tới 56 thông tư và thông tư liên tịch, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tới 46 thông tư.
Nhưng đâu chỉ có vậy, khi cấp một giấy phép đầu tư không chỉ căn cứ vào Luật Đất đai mà còn phải căn cứ vào hàng loạt văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài chính, Luật Môi trường...
Thử hỏi chính quyền địa phương và các bộ, ngành khi cấp một giấy phép đầu tư phải xử lý với một “núi” văn bản quy phạm pháp luật như vậy sẽ mất thời gian trong bao lâu, doanh nghiệp tốn kém như thế nào về thời gian, tiền bạc và cơ hội? Vấn đề là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật, các nghị định, thông tư còn khó khăn, phức tạp gấp bội phần.
Các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ là các hệ thống máy móc, chúng chỉ có thể vận hành được trong một điều kiện mà các tác nghiệp đã được chuẩn hóa, hệ thống hóa thành các quy trình, đồng bộ hóa các tiến trình và như vậy mới có thể cộng hưởng hiệu quả việc phối hợp với con người để xử lý các nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, để có thể thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, cần phải nhận thức được rằng để chuyển đổi số, trước hết phải cải cách thể chế để có thể tạo ra được hệ thống thể chế mang tính chuẩn mực - hệ thống - đồng bộ và cộng hưởng.
Những điểm nghẽn tư duy
|
Công đoàn Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề nâng cao hiểu biết pháp luật về chuyển đổi số và tiếp cận thông tin, tháng 11/2022. ẢNH: TIẾN ĐẠT |
Một thách thức rất lớn đặt ra đối với việc cải cách thể chế để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, đó là việc nhận thức về vai trò của tiến trình chuyển đổi số, vị thế của chuyển đổi số và các vấn đề thể chế, cái gì cần làm trước cái gì cần làm sau, cái gì phụ thuộc vào cái gì để mà có những chọn lựa, ưu tiên và cân nhắc ra quyết định.
Hiện nay, chúng ta đa phần còn chưa nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số và tiến trình chuyển đổi số. Những hiểu biết chủ yếu về chuyển đổi số phổ biến hiện nay như sau:
1) Chuyển đổi số là dự án, hoạt động về công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) nhằm giúp hỗ trợ cho tiến trình tổ chức, hoạt động, vận hành.
2) Có thể dùng những mô hình phổ quát, những kiến thức đã có, những bằng cứ, dữ kiện, dữ liệu quá khứ để định hình tiến trình chuyển đổi số cho tương lai, điều đó đã tạo ra những trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của những tiến bộ công nghệ, những hình thái tổ chức vận hành chưa từng tồn tại trước đây có thể ứng dụng và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
3) Chuyển đổi số có thể làm từng bước bằng việc chọn ra các việc cụ thể để thực hiện, trong khi tiến trình chuyển đổi số lại đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản và toàn diện để tạo được tính hệ thống và đồng bộ.
4) Chuyển đổi số đang được đánh giá, đo lường bằng các mục tiêu cụ thể, nhưng lại thiếu sự gắn kết một cách chặt chẽ và cụ thể với mục tiêu cuối cùng của tiến trình chuyển đổi số là tạo ra sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Điều đó khiến cho chuyển đổi số trở thành các dự án, hoạt động mới tách rời khỏi các hoạt động hiện tại, trong khi bản chất chuyển đổi số thực sự là bao trùm, không tách rời, và thống nhất với các hoạt động hiện tại và là phương tiện để giúp các hoạt động hiện tại trở nên hiệu quả và tạo ra những sự đột phá về phương thức phát triển.
5) Chuyển đổi số là vấn đề công nghệ, nên cứ ứng dụng và áp dụng công nghệ vào thì mọi thứ sẽ tự dưng được thay đổi, công nghệ sẽ thay đổi nền tảng vận hành của mọi thứ, nhưng thực chất công nghệ chỉ là phương tiện, đóng vai trò như cái “động cơ” của cỗ xe chuyển đổi số.
“Nhiên liệu” để cái “động cơ” này chính là dữ liệu lại chưa được hiểu và đặt đúng vào vai trò của nó. Không xác định được loại “nhiên liệu” và có nhiên liệu chất lượng thì biết dùng “động cơ” nào cho phù hợp?
6) Chuyển đổi số, do những hiểu lầm trên, đã không được nhìn nhận như một sự chuyển đổi mang tính căn bản và toàn diện các nền tảng tổ chức, sản xuất, vận hành và phát triển của xã hội.
Do vậy, khi thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, các nhiệm vụ này chỉ dừng lại ở các kế hoạch, mang tính rời rạc, theo các chỉ tiêu và mục tiêu cụ thể, rời rạc, thiếu tính chiến lược, tính đồng bộ và làm giảm thiểu vai trò của chuyển đổi số.
Do vậy, đã dẫn đến vai trò của chuyển đổi số từ mang tính định hình và kiến tạo thể chế, đã trở thành một chủ thể bị định hình bởi các thể chế hiện tại. Thay vì thông qua chuyển đổi số và tiến trình chuyển đổi số để kiến tạo, cải cách và hoàn thiện các thể chế, người ta sẽ luôn tìm kiếm những cơ sở của thể chế đã tồn tại sẵn để xem có thể thực hiện chuyển đổi số như thế nào.
Điều này đã bóp méo thực tiễn, làm sai lệch bản chất của tiến trình chuyển đổi số và từ đó làm cho tiến trình chuyển đổi số bị phân mảnh, tạo ra nhiều điểm nghẽn thể chế, sự phức tạp, sự lặp lại và các nút rối trong tiến trình thực hiện các quy trình thể chế. Các phần mềm được kiến trúc, thiết kế và lập trình trở nên thiếu hiệu quả.
Vị thế của chuyển đổi số và các vấn đề thể chế bị xác định sai đã dẫn đến, cái cần làm trước thì chưa được làm (kiến tạo, cải cách và hoàn thiện thể chế), cái cần làm sau thì được làm trước (thiết kế, ứng dụng các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ), cái định hình (chuyển đổi số) lại phụ thuộc vào cái đúng ra bị định hình (thể chế) và từ đó những chọn lựa, ưu tiên và cân nhắc ra quyết định cũng bị sai lệch.
Cần phải hành động như thế nào?
Tương lai của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sẽ phụ thuộc hơn bao giờ hết vào việc liệu họ có tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số hay không và bằng cách nào. Và thậm chí còn thay đổi cách các chính phủ tương tác và cung cấp dịch vụ cho công dân của mình. Do vậy, chuyển đổi số cũng chính là việc chúng ta thay đổi cách cung cấp dịch vụ công như thế nào, thông qua việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số vào các hoạt động hành chính và dịch vụ công.
Với quan điểm và cách tiếp cận này, chúng ta có thể rõ tính bao trùm của chuyển đổi số lên tất cả các hoạt động hành chính và dịch vụ công, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bao trùm lên tất cả các thể chế hiện tại.
Chuyển đổi số, trước hết phải được nhận thức là một cuộc cách mạng tư duy hướng tới hình thái tổ chức xã hội mới thích ứng và phù hợp với những tác động mà cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số đã tác động một cách sâu, rộng đến mọi ngóc ngách của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đòi hỏi.
Trên cơ sở đó, cần xây dựng một chiến lược số quốc gia, đóng vai trò như một chiến lược kiến tạo, cải cách và hoàn thiện các thể chế hiện tại cũng như định hình nền tảng cho việc xây dựng, phát triển, sửa đổi, điều chỉnh và thanh lọc các thể chế trong tương lai. Đảng đóng vai trò là người định hình chủ trương, đường lối cho chiến lược số, Quốc hội là cơ quan tổ chức thực hiện và thiết lập chiến lược số, Chính phủ đóng vai trò triển khai thực hiện chiến lược số, Mặt trận đóng vai trò phản biện và hoàn thiện chiến lược số. Chỉ khi có thể triển khai một chiến lược số mang tính bao trùm, toàn diện như vậy, các thể chế hiện tại và trong tương lai mới có thể thống nhất một cách hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng hiệu quả.
Trên cơ sở đó, toàn bộ các hệ thống thể chế hiện tại sẽ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, kiến tạo mới, và hoàn thiện để tạo nên một nền tảng thể chế chuẩn mực - hệ thống - đồng bộ - cộng hưởng hiệu quả, cho phép thiết kế các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ hiệu quả, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số thành công trong thực tiễn.
Đồng thời cập nhập, áp dụng kịp thời và hiệu quả những tiến bộ công nghệ, cho phép những hình thái tổ chức vận hành chưa từng tồn tại trước đây có thể ứng dụng và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn để xây dựng một Nhà nước có hệ thống quản trị hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
Chuyển đổi số phải được đặt đúng vào vai trò và mục tiêu của nó như đã được chỉ ra:
Thứ nhất, chuyển đổi số là phương tiện để Việt Nam có thể chủ động tham gia hiệu quả, thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong vai trò góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Phải lấy đây làm mục tiêu tổng quát, bao trùm để dù khi thực hiện chuyển đổi số có thể làm từng bước bằng việc chọn ra các việc cụ thể để thực hiện, nhưng vẫn tạo ra được một sự chuyển đổi căn bản và toàn diện, có tính hệ thống và đồng bộ.
Thứ hai, cần phải thay đổi cách chuyển đổi số đang được đánh giá, đo lường. Phải lấy mục tiêu thông qua chuyển đổi số có thể chuyển đổi, kiến tạo, cải cách và hoàn thiện các thể chế như thế nào thông qua những mục tiêu cụ thể đề ra cho tiến trình chuyển đổi số.
Những mục tiêu này góp phần như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội chung của bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, để đảm bảo sự gắn kết một cách chặt chẽ và cụ thể với mục tiêu tổng quát của tiến trình chuyển đổi số.
Chỉ như vậy các dự án, hoạt động chuyển đổi số mới không bị tách rời khỏi các hoạt động hiện tại, mới được thực hiện đúng với bản chất chuyển đổi số thực sự là bao trùm, không tách rời, và thống nhất với các hoạt động hiện tại và là phương tiện để giúp các hoạt động hiện tại trở nên hiệu quả và tạo ra những sự đột phá về phương thức phát triển.
Thứ ba, cần phải xây dựng một chiến lược dữ liệu quốc gia để làm cơ sở cho việc kiến tạo, cải cách và hoàn thiện thể chế. Dữ liệu với ứng dụng và hỗ trợ của công nghệ số sẽ hình thành một cơ sở dữ liệu kết hợp giữa dữ liệu truyền thống và dữ liệu số một cách hiệu quả, cho phép tất cả các cơ quan, ban, ngành có thể phối hợp đồng bộ trong việc kết nối, thu thập, phân tích, xử lý và sử dụng dữ liệu để có những động thái phù hợp trong việc hoàn thiện, có cơ sở ra quyết định cải cách và ban hành các thể chế mới một cách hợp lý, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng, giảm thiểu sự chồng chéo, khắc phục những điểm trống, thay đổi kịp thời bằng khả năng thích ứng và linh hoạt cao của thể chế.
Trên cơ sở đó, các thể chế này sẽ cho phép thiết kế ra các hệ thống công nghệ và vận hành công nghệ hỗ trợ hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, cho phép thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi số.
Cuối cùng, chuyển đổi số cần được nhìn nhận như một sự chuyển đổi mang tính căn bản và toàn diện các nền tảng tổ chức, sản xuất, vận hành và phát triển của xã hội. Do vậy, khi thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, các nhiệm vụ này, việc có một chiến lược số quốc gia để cộng hưởng hiệu quả các chiến lược liên quan, thông qua các mục tiêu phát triển chính trị - kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đặt ra để đồng bộ hóa các chương trình hành động, và một chiến lược dữ liệu để hệ thống hóa các dự án, hành động cụ thể sẽ cho phép tiến trình chuyển đổi số được thực hiện một cách có tính chiến lược, tính đồng bộ và thực sự đưa chuyển đổi số thành một phương thức phát triển mới để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2045, đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình cao.
Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số