Ảnh minh họa.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng cho thấy, 34 năm qua (1975 - 2009), chiều cao trung bình của nam giới nước ta tăng 4,4 cm (từ 1,6m lên 1,644m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 1,5m lên 1,534m). So với các nước trong khu vực, đây là mức tăng trưởng thấp.
Tuy nhiên, Theo Phó Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng, chiều cao người Việt đang có mức tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng.
Dẫn chứng điều này, Phó Giáo sư Lê Danh Tuyên cho biết, từ năm 2010 đến nay theo kết quả tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm, chiều cao trung bình đạt được (tức là mức cao nhất đạt đến) của thanh niên Việt Nam hiện nay nằm ở nhóm tuổi 20-24. Theo đó chiều cao của nam giới là 164,4 cm và nữ 153,4 cm. Nếu tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4 cm và nữ 154,7 cm; vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1 cm và nữ 153,2 cm.
Nếu xếp hạng trong khu vực châu Á thì chiều cao của thanh niên Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn so với Singapore, Nhật, Thái Lan và Malaysia. Còn thanh niên các nước châu Âu, Mỹ và Australia cao hơn nhiều so với các nước châu Á nói chung và nước ta nói riêng.
Phó Giáo sư Lê Danh Tuyên nhìn nhận tăng trưởng chiều cao của người Việt chậm hơn các nước. So sánh số liệu của Mondiere (1875) và Madrolle (1937) với số liệu năm 1975 thì có thể thấy chiều cao người Việt Nam không thay đổi gì trong suốt thời gian này. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1 cm mỗi thập kỷ. Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay chiều cao nam đã tăng thêm 2,1 cm, nữ một cm. "Đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới", ông Tuyên nói.
Sự tăng trưởng chiều cao này thể hiện rõ nhất ở trẻ em. Năm 2000, chiều cao trẻ trai 5 tuổi của nước ta là 100,6 cm thì năm 2010 là 109,9 cm. Đối với trẻ em, tăng chiều cao thật sự có ý nghĩa bởi Tổ chức Y tế thế giới công nhận chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành. Ví dụ, nếu chiều cao trẻ đạt được lúc 3 tuổi là 85,3 cm thì chiều cao khi trưởng thành 158 cm; trẻ 3 tuổi cao 94,5 cm thì chiều cao khi lớn sẽ 170,9 cm.
Với mức tăng trưởng chiều cao 2,1 cm trong vòng 10 năm qua, Phó Giáo sư Lê Danh Tuyên cho rằng hứa hẹn chắc chắn chiều cao thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tăng tiếp tục với tốc độ nhanh. Lý do quyết định tăng trưởng chiều cao trong thời gian qua được cho là do thành tích giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Việt Nam được đánh giá là nước có mức giảm suy dinh dưỡng ấn tượng nhất.
Để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp. Tiếp theo đó là nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 3 năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh...
Theo PV/Tạp chí Bảo hiểm xã hội