Từ thông tin tiêu cực đến xúc cảm âu lo mang tính xã hội
Trong hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 cùng với rất nhiều vấn đề tiêu cực khác đã phủ lên cả xã hội một bầu không khí lo âu, bấp bênh và ảm đạm. Những xúc cảm lo âu mang tính xã hội đó càng trở nên dày đặc và lan rộng hơn cùng với sự khuếch tán mạnh mẽ, dữ dội của công nghệ truyền thông số.
Dưới góc độ nghiên cứu: “Lo âu là một trạng thái cảm xúc của cơ thể nhằm phản ứng lại với tình trạng bất ổn định và rủi ro của đời sống. Từ góc độ xã hội học và kinh tế chính trị học, sự lo âu có thể được kết nối với sự tha hoá, sự lệch chuẩn và nhu cầu vật chất. Từ góc độ tâm lý học, sự lo âu nằm trong một phổ cảm xúc đa dạng, và có liên quan mật thiết với sự sợ hãi, sự bất an và sự bấp bênh”1. Một trong số những nguyên nhân quan trọng tạo nên trạng thái tinh thần xã hội ấy là môi trường thông tin xung quanh con người đang bị bao phủ bởi một bầu không khí dày đặc những thông tin tiêu cực.
Bất cứ đâu trên không gian mạng cũng có rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ những thông tin tiêu cực, từ mọi vấn đề của cuộc sống: hôn nhân, gia đình, mua sắm, đầu tư, xã hội, chính trị,… Đứng sau những thông tin tiêu cực ấy là sự hiện diện của của những cá nhân hoặc nhóm người mong muốn thu thập và phát tán những thông tin tiêu cực một cách có chủ đích. Đó có thể là những người bán hàng online muốn thu hút sự chú ý, những trang được tạo ra bởi các thế lực thù địch với mục đích đăng tải và là truyền thông tin giả, bịa đặt, sai sự thật, những thông tin tiêu cực tạo ra những nhiễu loạn hay thậm chí là khủng hoảng về niềm tin và tinh thần đối với công chúng. Thêm vào đó, những thông tin có tính chất tiết lộ những điều tiêu cực về một cá nhân, tổ chức, cộng đồng hay những bài viết “bóc phốt” thường có sức hút lớn đối với độc giả, đặc biệt là những thông tin có tính chất trải nghiệm cá nhân. Sự nguy hiểm của những loại thông tin này là nó thường mang lại cảm giác thuần nhất và chân thật cho người tiếp nhận, có thể làm cho người ta quên đi nguyên lý “đôi khi một phần sự thật không còn là sự thật”2.
Cư dân mạng dễ mất phương hướng trước các luồng thông tin dồn dập, đa chiều; ít quan tâm đến những bài viết có hệ thống, bài bản, sâu sắc, thích những thông tin thiết thực, ngắn gọn, dễ tin, tư duy cụ thể; đồng thời hành động theo kinh nghiệm và cảm xúc, bồng bột, dễ thay đổi theo tâm lý đám đông trên mạng xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu, thế hệ cư dân mạng ngày nay giàu cảm xúc hơn nhưng suy nghĩ nông cạn hơn các thế hệ trước đây, điều này đã làm ảnh hưởng đến tư duy trừu tượng của con người, khiến một bộ phận cư dân mạng thờ ơ với những vấn đề vĩ mô, những vấn đề chính trị hoặc quan tâm theo kiểu tâm lý bầy đàn, quan tâm bằng cảm xúc. Chính vì vậy, hiện nay đang nảy sinh một bộ phận cư dân mạng có thể do vô tình hoặc cố ý thường thích, chia sẻ, bình luận những thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn thông tin tích cực3.
Mặt khác, các chủ thể truyền tải thông tin cũng có xu hướng truyền đi nhiều hơn những thông tin tiêu cực để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Roland Schatz - Giám đốc truyền thông của Media Tenor (Công ty truyền thông quốc tế chuyên phân tích về nội dung truyền thông) cho rằng: “Tiêu cực là một loại bệnh mà ngay cả những tờ báo, tạp chí chính thống và các đài phát tin truyền hình khắp các nước phương Tây đều mắc phải. Các thăm dò cho thấy có tới 60% các bản tin đề cập tới những vẫn đề tiêu cực, tuỳ theo quốc gia và truyền thông sở tại. Vấn đề ở chỗ, thế giới không giống như những bản tin này mô tả, song các hãng tin vẫn sốt sắng tiếp tục vẽ nên một bức tranh hết sức đen tối về thực tế”4. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho những trạng thái cảm xúc lo âu tiêu cực ngày một lan rộng.
Thêm vào đó, sự ưu việt của truyền thông đương đại là một trong những tác nhân chính, quan trọng tạo ra sự lan toả của những cảm xúc lo âu trong động đồng: “Nếu như xã hội đương đại bị bao phủ bởi cảm giác bất an, thì truyền thông chính là chất xúc tác quan trọng nhất của quá trình này. Một trong những đặc trưng cơ bản của cảm xúc này là tính lây lan. Đồng thời, một trong những đặc trưng cơ bản của truyền thông hiện nay là tính kết nối cao và lan toả nhanh chóng. Chính sự đồng điệu này khiến cho truyền thông đương đại trở thành môi trường lý tưởng để khuếch tán và khuếch đại cảm xúc”5.
Mặt khác, như một chất xúc tác làm cho phản ứng cộng hưởng lan truyền thông điệp và cảm xúc càng trở nên mãnh liệt, mạng xã hội trong kỷ nguyên số hoá lấy cái tôi cá nhân (Ego - Centric), mối quan hệ (Relationgship - Centric), và nội dung (Contnent - Centric) làm trung tâm.
Như vậy, thuật toán của mạng xã hội tập trung kiến tạo nên một không gian đa chiều phi tuyến tính mà ở đó các cá nhân có thể chủ động truyền tải các thông điệp do chính bản thân sản xuất và thông qua đó hình thành và phát triển mạng lưới các mối quan hệ xung quanh. Điều này tạo nên cái gọi là truyền thông “phi tuyến tính” (nonlinear communication), “là mô hình mà trong đó thông điệp được chuyển tải từ nguồn phát tới người nhận không theo một đường thẳng mà theo mạng lưới (network).
Thông tin tiêu cực cần hướng đến sự cân bằng
Truyền thông hiện đại đang tạo ra một lớp công chúng chủ động trong tiếp cận và truyền tải thông tin. Điều này được tạo ra bởi “không gian trực tuyến” với sự tham gia của kỹ thuật công nghệ truyền thông hiện đại và sự bùng nổ của mạng xã hội. Công chúng có thể tự tìm kiếm và tiếp cận thông tin ở bất cứ không gian và thời gian nào chỉ cần có kết nối internet và thiết bị di động.
“Trên không gian trực tuyến, người dùng có thể phô trương bản sắc bất hợp hay lôi kéo tập thể của mình. Không gian trực tuyến cho phép mỗi cá nhân thể hiện mọi quan điểm với các diễn ngôn về chính trị xã hội với vai trò là thành viên của không gian đó hay là người dẫn đầu cuộc thảo luận đó”. Chính vì vậy, tác động vào nhóm công chúng này để điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi phù hợp với nhu cầu phát triển chung của xã hội là một vấn đề phức tạp.
Cần phải nhấn mạnh những thông tin này không phải là tin giả và bạn đọc cũng cần được thông tin về những vụ việc này. Vấn đề là ở liều lượng phù hợp để không sa vào tình trạng “tiêu cực hóa cảm xúc” tạo nên bức tranh xã hội màu xám không tương thích với thực tế cuộc sống là đa hương, đa sắc.
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh nhưng việc ứng dụng công nghệ còn hạn chế dẫn tới làm chậm sự lan tỏa của các thông tin dẫn dắt dư luận xã hội; trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, có lúc công tác cung cấp thông tin còn chưa thống nhất, tần suất, liều lượng thông tin dồn dập, quá mức, tạo tâm lý bất an, hoang mang trong xã hội.
Đứng trước những thách thức như hiện nay, báo chí, truyền thông cần chú trọng nhiều hơn đến quá trình thông tin cân bằng và kiến tạo. Các thông tin tiêu cực cần được cân nhắc kỹ càng hơn trong việc đăng tải, chọn lọc các dữ liệu, chi tiết, góc độ tiếp cận vấn đề để đảm bảo tính khách quan chân thật và tính nhân văn, đặc biệt là thông tin báo chí về các vấn đề toàn cầu.
Cần nhiều hơn các chiến dịch truyền thông tích cực để tạo sự cân bằng với các thông tin tiêu cực cũng như tạo dựng niềm tin, thái độ lạc quan và tinh thần xây dựng, kiến tạo đối với công chúng. Ở Đan Mạch, một sáng kiến mới mang tên “Tin tức tốt nhất thế giới” đã được Chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và Liên hợp quốc ủng hộ với mục tiêu hạn chế việc báo chí truyền thống tập trung khai thác sự đau khổ của người dân, đồng thời thay đổi thái độ của công chúng. Thay vì thuyết phục truyền thông nói ra sự thật hay phát các quảng cáo đắt đỏ, những người sáng lập lựa chọn đăng tải thông điệp của mình trên các vỏ sữa, những quả táo và túi bánh mỳ với các nội dung đặc biệt.
Khi đưa các thông tin tiêu cực cần kèm theo hoặc đưa ra những gải pháp để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng ngay sau đó. Xã hội phát triển trong sự vận động và biến đổi không ngừng; những vấn đề tiêu cực và trở ngại cho sự phát triển cũng từ đó mà không ngừng phát sinh. Điều công chúng mong muốn ngay sau những thông tin, vấn đề tiêu cực là giải pháp để giải quyết các vấn đề đó. Vì thế, báo chí - truyền thông khi đưa tin tiêu cực cần đào sâu, đi đến tận cùng của vấn đề và định hướng những giải pháp, khuyến nghị để giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả. Đó vừa là chức năng của báo chí - truyền thông, vừa là trách nhiệm xã hội của người làm báo chí, truyền thông trong sự vận động và phát triển ngày một nhanh và phức tạp của xã hội hiện nay.
Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” nhấn mạnh: “Công tác tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên mới cần chú trọng đến quá trình “xây”, hay nói cách khác là phải làm tốt vai trò lan toả những giá trị tích cực đến với cộng đồng trước khi phơi bày, lên án những mặt xấu, những điều tiêu cực của đời sống. Phát triển báo chí theo định hướng Đại hội XIII của Đảng: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tác nghiệp báo chí, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và hỗ trợ các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật. Chính vì thế, hướng đến sự cân bằng thông tin khi đưa tin tiêu cực có thể coi là một trong những nguyên tắc quan trọng đặt ra đối với người làm báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay. Để làm tốt yêu cầu đó, người làm báo không chỉ cần kỹ năng, kinh nghiệm mà hơn bao giờ hết, cần sự hiểu biết sâu rộng, trách nhiệm xã hội lớn lao và sự nhạy cảm nhân văn trong dòng chảy vô biên của thời cuộc.
Chú thích:
1,5. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Báo chí truyền thông: Những vấn đề trọng yếu, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2020, tr. 118, 123.
2. Trần Minh Tuấn (2020), Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội, https://nguoilambao.vn/xu-ly-thong-tin-sai-lech-xuyen-tac-tren-mang-xa-hoi-n21051-n46250.html.
3. PGS, TS Mai Đức Ngọc (chủ biên), Định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 119.
4. Ulrik Haagerup, Tin tức kiến tạo, Nxb. Trẻ, H. 2021, tr. 47.
Trần Minh Tuấn
ThS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền