Thủ tướng gặp mặt và làm việc với lãnh đạo Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.
Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể lực, trí lực của nhân dân. Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Bác đã phát động phong trào diệt giặc dốt, xây dựng đời sống mới. Bác nói: Giữ gìn dân chủ, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công. Người coi sức khỏe của mỗi người dân sẽ tạo thành sức khỏe của cả dân tộc: Mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt; mỗi người dân khoẻ mạnh tức là cả nước mạnh khoẻ,… dân cường thì quốc thịnh. Người nhấn mạnh, sức khỏe của cán bộ, nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Người cũng cho rằng, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân cần được tiến hành ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp cách mạng: Mình dù nghèo ai cấm mình ăn ở sạch sẽ… sạch sẽ là một bộ phận của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, có sức khoẻ thì làm được việc, làm được việc thì có ăn… Ngày 27/3/1946, trong những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo Cứu Quốc bài báo “Sức khỏe và Thể dục”, Người đã chỉ rõ vai trò của chăm sóc sức khỏe trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước: “Luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước…”. Người tuyên bố trước quốc dân đồng bào việc tự Người nêu gương tập thể dục hàng ngày, và kêu gọi mọi người già trẻ, gái trai cùng tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào tập luyện thể dục mỗi ngày.
Bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã tiếp tục khẳng định: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm: “Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng”. Để nâng cao sức khỏe nhân dân, Nghị quyết chỉ ra cần: “Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân”.
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài đã tạo cho con người Việt Nam những giá trị như: Yêu nước, yêu hòa bình, thông minh, hiếu học, sáng tạo, cần cù lao động, dũng cảm, hy sinh, chịu đựng gian khổ. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, cần nhận rõ rằng: Sức khoẻ con người và chất lượng nòi giống Việt Nam đang đứng trước những thử thách to lớn, những vấn đề xã hội bức xúc cần giải quyết như: Môi trường sống của con người đang bị đe doạ nghiệm trọng: không khí, đất, nước bị ô nhiễm nặng; trái đất đang nóng lên, thiên tai, dich bệnh ngày càng xuất hiện nhiều; vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ; những tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, rượu chè cờ bạc, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục trẻ em; những hủ tục mê tín dị đoan… đang có diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực và trí lực con người Việt Nam. Sự phân hoá giàu nghèo, chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp dân cư đang cản trở việc bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh. Là một nước dân số đông, quy mô dân số tiếp tục gia tăng, và sẽ sớm xuất hiện xu hướng già hoá dân số, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày một cao và đa dạng hơn. Trong khi những bệnh tật do hậu quả chiến tranh kéo dài chưa khắc phục được triệt để, đặc biệt là những bệnh liên quan đến chất độc da cam/dioxin, thì những dịch bệnh lạ, bệnh về đường hô hấp, bệnh thần kinh, tim mạch, HIV,… có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế đất nước còn hạn chế, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc sức khỏe chủ động, đẩy mạnh quá trình xã hội hoá chăm sóc sức khỏe, huy động nguồn lực tham gia của toàn dân, của các tổ chức trong và ngoài nước vào việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Ông Vũ Việt Anh - Phó Chủ tịch Trung ướng Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hà Nội phát biểu tại hội nghị về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nội dung chăm sóc sức khoẻ con người là hết sức rộng lớn: Chăm sóc sức khoẻ con người phải phù hợp với tuổi tác, từ trong bào thai đến lúc chào đời, lớn lên, đi học, đi làm cho đến khi về già. Chăm sóc sức khoẻ gắn liền với nâng cao chất lượng nòi giống, nâng cao trí lực con người, gắn liền với việc xây dựng môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, văn minh; gắn liền với hàng triệu cộng đồng dân cư khác nhau: thành thị, nông thôn, trường học, bệnh viện, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Chăm sóc sức khoẻ con người phải phù hợp với từng gia đình, phù hợp với từng lĩnh vực, các ngành nghề khác nhau, từ lao động trí óc đến lao động chân tay. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội.
Như vậy, nội dung của sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng liên quan đến mọi mặt đời sống của con người và mọi hoạt động của toàn xã hội. Mặc dù những nội dung này đã và đang được mọi người, mọi nhà và mọi cộng đồng cơ sở triển khai thực hiện ở nhiều góc độ và các cấp độ khác nhau, tuy nhiên, do ý thức và kiến thức khoa học cần thiết còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi cộng đồng cơ sở, mọi người, mọi nhà đều phải coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của mình, trong đó các “cộng đồng cơ sở”, cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây chính là nơi gắn liền với đời sống sinh hoạt của từng người, từng gia đình. “Cộng đồng cơ sở” nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng tâm hiệp lực thực hiện, chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Từ những ngày đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, đến nay đang có diễn biến phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Việc xuất hiện dịch bệnh không nằm ngoài nhận định của Việt Nam từ nhiều năm trước. Trước tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời có những giải pháp hiệu quả phòng, chống. Chính phủ đã nỗ lực, hành động quyết liệt và đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Ngày 21/3/2020, Bộ Chính trị ra Thông báo số 172-TB/TW thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thông báo kêu gọi “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Như vậy, không chỉ khi có đại dịch Covid-19, mà trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bất cứ thời gian nào, giai đoạn đoạn nào của đất nước, chúng ta cần nhận thức sâu sắc vai trò đặc biệt quan trọng của sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thực hiện thành công sự nghiệp này sẽ góp phần quan trọng, trực tiếp đảm bảo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giảm thiểu tối đa những khó khăn, tổn thất từ dịch bệnh cũng như những tác động đến sức khỏe con người, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Vũ Việt Anh
Phó Chủ tịch Trung ương
Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam