Chống tham nhũng ngay trong chính đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên

Cần chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong chính đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về tham nhũng, chức vụ diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã xác định rõ việc phát hiện xử lý nghiêm, triệt để, không có vùng cấm đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ là yêu cầu quan trọng trong việc bảo vệ sự tồn vong của Đảng, Nhà nước, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Tỷ lệ phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng ngày càng tăng

Trong bài tham luận nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, ông Nguyễn Đức Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng các vụ án và các bị can phạm tội tham nhũng được phát hiện, khởi tố có xu hướng tăng dần. Trong thời gian khảo sát, số vụ án và số bị  can phạm tội tham nhũng trong năm 2010 chiếm tỷ lệ thấp nhất (177 vụ, 328 bị can); năm 2019 chiếm tỷ lệ lớn nhất (288 vụ, 698 bị can). Điều này cho thấy tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, nhưng cũng cho thấy tỷ lệ phát hiện, khởi tố, điều tra các tội phạm tham nhũng của các cơ quan chức năng ngày càng gia tăng.

Trong cơ cấu các tội phạm tham nhũng, tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm tỷ lệ lớn nhất và thường xuyên xảy ra. Trong giải quyết các vụ án nêu trên, các đơn vị, địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện quyết liệt các biện pháp tố tụng, phối hợp với Cơ quan điều tra và các đơn vị, tổ chức liên quan phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, được quần chúng nhân dân đồng tình và đánh giá cao như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm.

 

Ông Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) (ảnh trái, trên cùng) hầu tòa phiên phúc thẩm liên quan đến vụ sai phạm tại PVN và PVC.(Ảnh: TTXVN)

Về công tác thu hồi tài sản, theo ông Nguyễn Đức Bằng, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, thiệt hại do các tội phạm tham nhũng gây ra được phát hiện hơn 47.800 tỷ đồng và hơn 1,5 triệu m2 đất; số tài sản đã thu hồi, khắc phục được hơn 22.700 tỷ đồng và gần 815.000 m2 đất.

“Từ năm 2018 có sự tăng nhanh về tài sản trong các vụ án tham nhũng được thu hồi. Kết quả đạt được phải nhắc tới do có sự thay đổi đồng bộ của hệ thống pháp luật, cũng như sự cố gắng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân các cấp” - ông Nguyễn Đức Bằng cho biết.

Cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân

Thực tiễn công tác kiểm sát trong thời gian qua cho thấy, một số cán bộ ngành kiểm sát do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bị các hiện tượng tiêu cực trong xã hội tác động đã vi phạm pháp luật. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi kiểm sát viên cần phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; đồng thời cần chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong chính đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này.

“Cần giữ vững lập trường, bản lĩnh người Kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát. Không dao động trước bất kỳ cám dỗ hay sức ép nào. Luôn cảnh giác với các đối tượng nghi vấn để tránh bị lợi dụng hoặc mắc sai lầm. Nêu cao và duy trì tinh thần đoàn kết nội bộ. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng như các cấp lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân là: xử lý triệt để, đúng quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội” - ông Nguyễn Đức Bằng nêu rõ.

Nhấn mạnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với tính chất, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, ông Tăng Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, VKSND Tối cao cho rằng, thách thức đó đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp nói riêng và đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng thực sự trong sạch, vững mạnh và tâm huyết với ngành, phải là những người “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và pháp luật”. Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính tự giác trong tự tu dưỡng, rèn luyện toàn diện của đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ; đổi mới, làm tốt công tác đánh giá cán bộ, lựa chọn quy hoạch, bố trí, đề bạt bổ nhiệm cán bộ.

“Nếu lựa chọn không đúng cán bộ, bố trí cán bộ không đủ phẩm chất, không đủ tầm, không đủ năng lực lãnh đạo thì hậu quả sẽ khó lường. Những cán bộ không đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thường dễ dao động, mất phương hướng, dễ sa vào chủ nghĩa cán nhân, lợi ích cục bộ, thậm chí còn dung túng hoặc lôi kéo  người khác theo mình” - ông Tăng Ngọc Tuấn cho biết./.

Theo Trí Anh/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều