|
Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Bình Phước phối hợp Hội từ thiện Hạt Phù Sa Thành phố Hồ Chí Minh tặng xe đạp và quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi tại huyện Bù Đốp. (Ảnh NGỌC PHƯỢNG) |
Các trung tâm bảo trợ của thành phố cũng được chỉ đạo rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận, thu dung bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy định. Được biết, trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp trẻ em, người ăn xin, người sinh sống trong cộng đồng không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố.
Theo Sở lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã tham mưu cho thành phố về kế hoạch chăm lo Tết, gồm: các hoạt động chăm lo Tết cho những đối tượng thuộc diện chính sách, có công, người dân nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí dự kiến hơn 915 tỷ đồng, tăng hơn 34,163 tỷ đồng, được chi từ nguồn ngân sách thành phố.
Cũng trong dịp này, tại Hà Nội, Đội Công tác xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tăng cường rà soát địa bàn, tập trung người lang thang về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2023, tình trạng người lao động thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động nguồn lực, cũng như làm gia tăng tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền, các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, cần tư vấn, trợ giúp đột xuất.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phân công cán bộ duy trì thường trực 24/7 bảo đảm công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo thông báo của các địa bàn cũng như thông báo bằng điện thoại của xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, Hà Nội triển khai kế hoạch tặng quà các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng mức kinh phí dự kiến hơn 552 tỷ đồng.
Thành phố cũng tăng cường đầu tư kinh phí cho các trung tâm bảo trợ xã hội, bổ sung tiền ăn cho đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung trong những ngày Tết tại các trung tâm chữa trị và nuôi dưỡng đối tượng xã hội tập trung trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng đang có những cách làm hay, những hành động thiết thực, góp phần chăm lo cho người nghèo, người khuyết tật có điều kiện đón Tết vui tươi, ấm áp.
Tại Đà Nẵng, cùng với hoạt động hỗ trợ như trao quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các quận, huyện xây dựng phương án và triển khai xét duyệt bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của các đơn vị, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 11/1/2024 phê duyệt bố trí thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với 44 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo đó, hộ nghèo được bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được giảm 60% tiền thuê nhà, trường hợp hộ có người khuyết tật được miễn 100% tiền thuê nhà.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển với 425 cơ sở trên cả nước.
Trong số này, có 195 cơ sở công lập (bao gồm 8 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 11 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 35 cơ sở chăm sóc trẻ em, 88 cơ sở tổng hợp, 26 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 27 trung tâm công tác xã hội).
Cùng với sự đóng góp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm, hệ thống các cơ sở nêu trên đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại các cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đón một cái Tết ấm áp, vui tươi.
Theo NGUYỄN LÊ/Báo Nhân dân