|
Nhờ tích cực giảm nghèo, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng cao có điều kiện đầu tư nông cụ hiện đại giúp nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất, cải thiện đời sống. (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Chống đói nghèo là cuộc chiến mà cả cộng đồng quốc tế nỗ lực tiến hành từ nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, nhiều năm qua, giảm nghèo bền vững đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Hội nghị lần thứ 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã đề ra mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông; góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm”.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/ QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Nhiều năm qua, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Và dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ.
Nỗ lực hành động đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Dự kiến, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 3%, giảm bình quân trên 1,4%/năm (đạt chỉ tiêu Quốc hội giao); riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm bình quân trên 5,6%/năm (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.
Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo của Liên hợp quốc. Thành quả giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới đến học hỏi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đáng chú ý, đồng hành trong công cuộc chống đói nghèo, các cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng. Nhiều địa phương đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả, kết quả cao trong vận động ủng hộ người nghèo. Đặc biệt, tại một số địa phương, hộ nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn.
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2019, cả nước vẫn còn hơn 984 nghìn hộ nghèo (tỷ lệ 3,75%), hơn 1,166 triệu hộ cận nghèo (tỷ lệ 4,45%). Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Năm nay, thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19. Trong nước, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ tụt hậu, khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo sẽ ngày càng lớn và tăng áp lực cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chưa kể, khúc ruột miền Trung – nơi hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt tàn phá, nhiều gia đình chịu tang thương… Đó là cũng một trong những nguyên nhân làm tăng số hộ nghèo và gia tăng tỷ lệ tái nghèo.
20 năm trước, hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, ngày 17/10/2000, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi toàn quốc đã được phát động. Kể từ đó đến nay, ngày 17/10 hằng năm được lấy làm ngày cao điểm của cuộc vận động; thời gian từ ngày 17/10 đến 18/11 hằng năm là Tháng cao điểm “Vì người nghèo”.
Cách đây 3 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát động phong trào thi đua “Cả nước Chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc chống đói nghèo, phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái” của đông đảo nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.
Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo. Ngoài sự tiếp tục đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chung sức, đồng lòng, chung tay hành động một cách trách nhiệm, tận tâm, chia sẻ bằng những việc làm thiết thực của tất cả mọi người sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng, nhân văn và cao cả này./.
Theo TG/Báo điện tử Đảng Cộng sản