|
Ảnh minh họa.
|
Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thể hiện sự nhạy bén của quốc gia, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với các trọng tâm phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số gắn với thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức trung bình khá bằng nhiều chiến lược phát triển đột phá về công nghiệp, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp hiệu quả.
Nhận thức và hành động
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sứ mệnh xây dựng, phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nỗ lực tập hợp, vận động, phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong chuyển đổi số, Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính Trị chỉ đạo: “Phát huy sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách có liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách”.
Nhận thức sâu sắc về tác động mạnh mẽ và cơ hội của cách mạng 4.0 đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cũng ý thức được những khó khăn, thách thức lớn về việc chuyển đổi số từ góc độ thực tiễn hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp, nhất là cơ sở: (1) Chuyển đổi tư duy truyền thống, cách làm cũ sang ứng dụng hoàn toàn công nghệ số đang gặp sức ì từ yếu tố con người: Nhận thức cũ, ngại khó, ngại học tập, thiếu nguồn đầu tư cho thiết bị số…, cán bộ Mặt trận đa phần đều trưởng thành từ cơ sở nên vấn đề chuyển đổi nhận thức lại càng khó khăn hơn; (2) Chủ trương của Đảng đã có, quyết tâm chính trị cao, song chưa có hình mẫu ứng dụng; mỗi cấp, mỗi ngành đều phải tự tìm cách tiếp cận, chiến lược hiệu quả cho đơn vị. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm cần nâng cao cả về kỹ năng, công nghệ, thiết bị, kinh phí để triển khai; (3) Khác với cơ quan hành chính và doanh nghiệp, đối tượng tác động trực tiếp của Mặt trận là các tầng lớp nhân dân, nên kết quả chuyển đổi số của Mặt trận là sự hưởng ứng của đông đảo Nhân dân với khả năng tiếp cận công nghệ thông tin rất hạn chế trong khi nhu cầu rất đa dạng.
Mặc dù còn nhiều thách thức, công nghệ 4.0 và các loại hình mạng xã hội được khẳng định là đang trở thành ”cầu nối” để Mặt trận tiếp cận rộng rãi người dân, cùng với tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại ở mức cao là cơ sở thực tiễn để có thể sớm triển khai việc chuyển đổi số hướng về người dân.
Vượt qua khó khăn thách thức, cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị xác định trọng tâm hành động chuyển đổi số là: Đi trước một bước, đón đầu công nghệ, tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép vận hành 2 cổng thông tin điện tử phục vụ công tác chuyển đổi số là: Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị (http://ubmttqvn.quangtri.gov.vn/) và Cổng thông tin cứu trợ, thiện nguyện tỉnh Quảng Trị (https://cuutro.quangtri.gov.vn) với mức truy cập trung bình 200.000 đến 350.000 lượt/tháng. Những kết quả bước đầu ứng dụng công nghệ số vào công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quả quản lý tại hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho thấy rõ hiệu quả.
Thứ nhất, thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, điều hành tác nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử và mạng xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 với mục đích: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số và thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Phát huy sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách có liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Cổng thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quảng Trị được nâng cấp tử Trang thông tin điện tử đơn thuần; với sự trợ giúp của chuyên gia công nghệ thông tin của tỉnh, Cổng thông tin điện tử Mặt trận là một trong rất ít cơ quan Mặt trận cấp tỉnh trong cả nước xây dựng thành công. Về công nghệ, Cổng ứng dụng các công nghệ thiết kế tân tiến, chức năng thông tin và điều hành mạnh, bảo mật tốt, hệ thống đã sẵn sàng để tích hợp, đồng bộ và kết nối với các trung tâm tích hợp dữ liệu lớn của tỉnh, các phần mềm điều hành chung của tỉnh, quốc gia. Về nhân lực, 100% cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đều được hướng dẫn ứng dụng bằng phương thức “Học trong khi làm”. Kế hoạch trong năm 2022 sẽ xây dựng hoàn thành Cổng đến cấp huyện, hướng đến kết nối đến 100% cấp xã và thực hiện 100% công việc của Mặt trận thông qua Cổng thông tin trước năm 2025. Tuy nhiên, vì các lý do kỹ thuật và tích hợp cũng như việc triển khai chưa đồng bộ của các cấp ngành, nên một số chức năng chưa thể đồng bộ, liên thông. Hiện tại, 100% các hoạt động tuyên truyền, truyền thông của Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đều triển khai trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Cứu trợ - Thiện nguyện Quảng Trị, các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo) với số lượng truy cập, fanpage được duy trì và mở rộng.
Mô hình điển hình: (1) Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Duy trì thường xuyên, liên tục tuyên truyền bầu cử trên sóng truyền hình vào các khung giờ vàng; Chuyên mục Mặt trận và Cuộc sống trên Báo Quảng Trị điện tử; Đăng tải các thông tin chính thống lên mạng xã hội, góp phần đấu tranh các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; Thực hiện chế độ báo cáo, tổng hợp ý kiến người dân, tổng hợp kết quả bỏ phiếu, tỉ lệ cử tri đi bầu cử được điều hành qua Cổng thông tin điện tử Mặt trận; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai xây dựng và thực hiện nội dung đột phá. Trong năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thực hiện hai chuyên đề “Tăng cường thực hành dân chủ, sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân” và “Nâng cao chất lượng công tác tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận xã hội trong nhân dân của Mặt trận các cấp trong tỉnh”. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng phần mềm điều tra online với số lượng 1.000 phiếu/1 chuyên đề. Hình thức tương tác trực tuyến đảm bảo hướng đến phổ rộng các đối tượng Nhân dân, cán bộ, đảm bảo 5K phòng chống Covid-19, tiết kiệm nhân sự cho các công việc như nhập liệu, kiểm tra bảng hỏi hay lập các báo cáo phân tích. Việc tính toán tổng hợp số liệu, thông báo, gửi khảo sát tới điều tra viên, làm các mẫu báo cáo đều được thực hiện thông qua phần mềm trực tuyến, nhờ đó kết quả khảo sát được chính xác, khách quan, kết quả cả 2 chuyên đề đều thực hiện thành công, đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động cứu trợ - thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trong năm 2020, tại các tỉnh miền Trung, thiệt hại do mưa lũ gây ra hết sức nặng nề cả về người và tài sản. Ban cứu trợ - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ cùng với hệ thống của mình đã tổ chức đón tiếp và hỗ trợ cho 5.069 đoàn cứu trợ, thiện nguyện đến cứu trợ Nhân dân. Sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân vào thời điểm đó là những tấm lòng vàng hết sức trân quý. Tuy nhiên, công tác cứu trợ, thiện nguyện trên thực tế cũng phần nào đã phát sinh nhiều bất cập như các nguồn thông tin qua mạng xã hội thiếu chính xác và không có căn cứ xác minh, kiểm chứng; hoạt động thiện nguyện ở nhiều nơi mang tính tự phát, trợ giúp chưa đến được với đối tượng đang cần. Mặt khác, hàng hóa trợ giúp cho người dân vùng bị thiên tai thì quá nhiều (mì tôm, bánh kẹo, áo quần…), trong khi đó, thứ mà người dân trong vùng lũ đang rất cần sau khi mưa bão qua đi chính là kinh phí để sửa chữa nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, cây con giống… thì lại ít được các mạnh thường quân quan tâm do thiếu thông tin định hướng, làm cho công tác cứu trợ chưa mang lại hiệu quả cao.
Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị xác định, cần phải có bộ công cụ hỗ trợ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin và các tiện ích lợi thế về chuyển đổi số của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhằm: Đảm bảo công tác vận động, điều phối các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện thống nhất, hiệu quả và minh bạch; đồng thời định hướng cho nhà hảo tâm chọn lựa đúng hàng hóa, đúng thứ người dân đang thật sự cần trợ giúp.
Bằng quyết tâm cao và sự trợ giúp hiệu quả của đội ngũ cán bộ, chuyên gia công nghệ thông tin tỉnh, chỉ trong vòng 6 tháng (tháng 6 - tháng 12/2021), Cổng thông tin Cứu trợ - Thiện nguyện Quảng Trị đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng trên các nền tảng máy tính và trên các thiết bị điện thoại di động chạy hệ điều hành IOS/Android. Cho đến nay, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Cổng thông tin Cứu trợ - Thiện nguyện trên đa nền tảng (Window, Ios, Androi) tích hợp vào Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh IOC và trí tuệ nhân tạo.
Cổng Cứu trợ - Thiện nguyện đưa vào vận hành đã cho thấy nhiều tác động tích cực: (1) Là kênh thông tin chính thống giúp các tổ chức, cá nhân trực tiếp (hoặc gián tiếp) làm công tác thiện nguyện, cứu trợ có công cụ để tra cứu, tìm kiếm nhanh các thông tin cần thiết, từ đó lựa chọn đúng địa chỉ, số lượng và tên mặt hàng cần cứu trợ để nhanh chóng đến được với đối tượng cần cứu trợ; (2) Hỗ trợ chính quyền địa phương, Ban cứu trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức, cá nhân tham gia thiện nguyện, tránh lãng phí thời gian, công sức, kinh phí; (3) Công khai, minh bạch đầy đủ thông tin, hạn chế được các hoạt động thiện nguyện mang tính trục lợi, giúp người dân hoặc tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện tin tưởng đến chính quyền hơn khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện; (4) Là kênh thông tin hỗ trợ người dân tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh nhu cầu cộng đồng, tấm gương người tốt việc tốt; góp phần tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một số kinh nghiệm chuyển đổi số trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị
Một là, cần xác định rõ phương thức tiếp cận và chiến lược chuyển đổi số. Với vai trò và sứ mệnh của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở thống nhất tầm nhìn trong chuyển đổi số hướng đến xây dựng cơ sở chính trị vững chắc của chính quyền nhân dân. Dựa vào dân để khơi dậy khát vọng phát triển, góp phần cùng xây dựng quê hương ngày một đổi mới, phát triển.
Hai là, xác định rõ những giá trị cốt lõi trong kết quả đạt được của chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh bằng giá trị mang lại cho các bên hữu quan.
+ Làm cho Tổ chức Mặt trận càng rộng rãi, chặt chẽ và thống nhất. Xây dựng khối đại đoàn kết càng mạnh mẽ, bền vững để trở thành là sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng.
+ Sự phát triển bền vững và hài lòng của người dân, tổ chức là công cụ đánh giá kết quả hành động, nhất là sinh kế bền vững, nơi ở an toàn cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
+ Dân chủ và minh bạch trong mọi hoạt động xã hội, trách nhiệm giải trình và dịch vụ công tốt sẽ đem đến sự tin tưởng, ủng hộ của xã hội, tổ chức, mạnh thường quân.
Ba là, xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số đó là: Nhiệt huyết - Với động lực làm việc tích cực; không ngại khó khăn; tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Hội nhập - Có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; ứng dụng hiệu quả thành tựu 4.0, các kỹ năng quản trị bản thân và công việc. Khát vọng - Có mục tiêu phấn đấu cao đối với bản thân và công việc, luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu.
Bốn là, xác định rõ nhóm ngành chủ lực, đối tượng phục vụ của chuyển đổi số. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Phát huy truyền thống đoàn kết, gia tăng sự đồng thuận trong Nhân dân thông qua thực hành dân chủ. Ứng dụng thế mạnh số vào tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động an sinh xã hội phục vụ người dân khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động cứu trợ kêu gọi, vận động các nguồn cứu trợ hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Giám sát, phản biện chính sách, pháp luật; giám sát hoạt động của các tổ chức nhà nước, cán bộ, đảng viên.
Năm là, xác định rõ chiến lược thực thi hiệu quả bao gồm khắc phục các điểm yếu: (1) Các quy định chức năng, nhiệm vụ thiếu cụ thể và dàn trải ở nhiều văn bản; (2) Đôi lúc còn chưa được xã hội đánh giá cao; (3) Một vài vị trí chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; (4) Năng lực các bộ phận chưa đồng đều; (5) Chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động so với yêu cầu thực tiễn.
Xác định rõ kết quả công việc phải đạt được, uy tín trong từng cuộc vận động, chương trình, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với sự kết nối và giám sát của người dân qua công nghệ và mạng xã hội. Kết hợp được sức mạnh hợp lực giữa Nhà nước, các cơ quan, ban ngành có liên quan, cộng đồng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho các cuộc vận động, phong trào. Tùy thực tiễn từng địa phương để xây dựng và triển khai các dự án mang tính hình mẫu bền vững, dài hạn. Trong đó, Mặt trận Quảng trị chọn 3 vấn đề: Đề án về nhà ở và sinh kế cho hộ nghèo; Đề án ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều hành và hoạt động cứu trợ, thiện nguyện; Đề án về Dân nguyện - Tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đối số của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị tuy còn khiêm tốn và còn rất nhiều vấn đề phải thật sự nỗ lực giải quyết để nâng cao hiệu quả ứng dụng số trên diện rộng. Tuy nhiên, kết quả đã khẳng định hiệu quả của ứng dụng số đến: (1) Thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nội dung, phương thức hoạt động của của hệ thống và cán bộ Mặt trận; (2) Tính lan tỏa nhanh, rộng của công tác tuyên truyền, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên chủ trì; ứng phó hiệu quả với những hạn chế giao tiếp do dịch bệnh Covid-19; (3) Niềm tin có được từ Nhân dân, tổ chức, nhà hảo tâm nhờ công khai, minh bạch và thực hành dân chủ sâu rộng trong mọi hoạt động của Mặt trận; (4) Công cụ hiệu quả nhất về quản trị, giám sát toàn dân với các hoạt động của tổ chức, nhất là hoạt động cứu trợ, thiện nguyện; (5) Cần đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, bởi những ưu việt lâu dài, như: tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân lực là rất lớn, rất đáng để đầu tư.
Đào Mạnh Hùng
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị