|
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo tại Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 |
YÊU CẦU MỚI VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO CÁC LĨNH VỰC TRONG HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
Phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” năm 2016, GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Như vậy, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng số, tức là cuộc cách mạng công nghiệp được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, ...
Ngày nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang có bước phát triển đột phá, nhiều biến đổi khó lường, nhiều đổi thay chưa bao giờ tính đến và biết đến. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang cho toàn nhân loại một hy vọng về sự thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt của cuộc sống từ kinh tế đến chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường... và làm thay đổi mọi nhận thức, tư duy, nếp sống, thói quen thường có của con người trên mọi nẻo đường, ngõ ngách của cuộc sống trên toàn thế giới. Đặc biệt, điểm thực chất rất nổi bật và là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng số chính là đòi hỏi phải có quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và các quá trình hoạt động trong xã hội.
Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình hoạt động dựa trên quá trình “số hóa” bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức quản lý, điều hành, lãnh đạo; quy trình làm việc và văn hóa cộng đồng cũng như làm thay đổi các quá trình sản xuất của xã hội. Nhận thức rõ điều này, Đảng ta định hướng rất rõ về chuyển đổi số: “Đẩy nhanh xây dựng xã hội số, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, mở các khóa học đại trà trực tuyến, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số”(1). Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2025, phải hình thành Chính phủ số, trong đó chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, ... Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số xác định phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt. Theo tinh thần đó, thời gian tới, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp. Đặc biệt, với vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng của chuyển đổi số mà Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Có thể nói, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam được xác định tập trung vào 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với quá trình chuyển đổi số như vậy tất yếu sẽ có tác động lớn đến mọi cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực và người dân. Bởi vậy, từ đây, một yêu cầu tất yếu là, phải lấy người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực hoạt động là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Và dĩ nhiên, người dân, doanh nghiệp và các chủ thể trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội cũng phải tham gia quá trình chuyển đổi số. Như vậy, ở đây, hơn lúc nào hết, cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình hiện thực hóa chuyển đổi số cho mọi đối tượng và lĩnh vực hoạt động xã hội. Rõ ràng, cách mạng số - chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Và đương nhiên, cách mạng số - chuyển đổi số cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho lĩnh vực công tác tuyên giáo, - với tư cách là một bộ phận cấu thành tất yếu trong toàn bộ đời sống xã hội đang vận hành theo tiến trình cách mạng số - chuyển đổi số.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO
Cuộc cách mạng số - chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới gì cho công tác tuyên giáo? Đó chính là phải chuyển đổi số công tác tuyên giáo. Chuyển đổi số công tác tuyên giáo được thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, chủ thể công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Chủ thể công tác tuyên giáo là những tập thể cá nhân trực tiếp triển khai thực hiện công tác tuyên giáo. Trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi tất yếu phải có các chủ thể tham gia chính vào quá trình đó phải được số hóa. Do đó, điều đầu tiên trong chuyển đổi số công tác tuyên giáo chính là chủ thể công tác tuyên giáo phải được số hóa. Ở đây là nói đến người đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.
Chủ thể công tác tuyên giáo được số hóa là sự tích hợp trong mình nhiều yếu tố: đổi mới về nhận thức, nhanh nhạy về cảm xúc, linh hoạt về sự sáng tạo, thích ứng, nhất là thành thạo về kỹ thật số… Vì vậy, để đảm đương được vai trò, vị thế và trách nhiệm mới của chủ thể công tác tuyên giáo nhằm đưa được những thông điệp cần thiết và truyền cảm hứng cho người nghe qua mạng thì đó phải là những chủ thể số. Những chủ thể công tác tuyên giáo số, trên nền tảng công nghệ, thực hiện vai trò kết nối tức thời người nghe với nguồn dữ liệu, học liệu, kết nối cộng đồng người nghe với nhau và với các môi trường học trao đổi mới giàu tính trải nghiệm. Đồng thời, chính “chủ thể công tác tuyên giáo số” cũng là người sẽ hỗ trợ người nghe tiếp cận, chấp nhận và truyền cảm hứng cho người nghe để sử dụng công nghệ, xóa bỏ hội chứng sợ công nghệ trên các nền tảng kết nối số, tương tác thông minh qua các ứng dụng… Mặt khác, để thực hiện vai trò kết nối số, chủ thể công tác tuyên giáo số cần liên tục học hỏi, tiếp cận, cập nhật và quản lí được các tương tác số (tương tác qua mạng).
Một điều đặc biệt cần quan tâm là, chủ thể công tác tuyên giáo số không loại trừ mà còn bao hàm trong mình cả tố chất tâm hồn chan chứa tình người. Đó giống như là những chủ thể hoạt động - những người thầy có “phong cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực của người thầy; gián tiếp và ngăn cách bởi máy tính, đường truyền nhưng không thể quên cung cách cư xử và sự thân thiện, tinh tế trong ứng xử; không mặt đối mặt nhưng không vì thế quên đi hình ảnh của mình hay những gì thuộc về lối sống,… Tâm hồn của người thầy còn không thể vô tư với những khó khăn của người học, không thể giản đơn hóa với cảm xúc hay những hậu sang chấn của học sinh, sinh viên không may mắn, yếu thế vẫn cố gắng đến trường, đến lớp…”(2).
Như vậy, để thực hiện được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo, thì phải xây dựng được đội ngũ những chủ thể công tác tuyên giáo số.
Thứ hai, nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa, nghĩa là phải hình thành được nội dung công tác tuyên giáo số. Thực chất của việc kiến tạo và xây dựng nội dung công tác tuyên giáo số chính là hình thành được cơ sở dữ liệu tuyên giáo số hay thư viện dữ liệu số về tuyên giáo, thư viện dữ liệu tuyên giáo mở. Thư viện dữ liệu tuyên giáo số là là thư viện được thiết lập linh hoạt, hoạt động liên tục không có giờ nghỉ và có thể đáp ứng và phục vụ người được người đọc bất kỳ ở đâu và trong bất cứ hoàn cành nào. Ở thư viện dữ liệu tuyên giáo số, các nguồn dữ liệu thông tin tuyên giáo, nội dung kiến thức về tuyên giáo được số hóa (thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ) và chuyển giao qua công cụ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về “đa giác quan hóa” và tương tác mạnh cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại. Được phát triển trên nền tảng công nghệ và công cụ số theo nguyên tắc giàu nội dung, đa định dạng, tương tác mạnh, tái sử dụng, dễ tiếp cận, tra cứu, chia sẻ và đóng góp…; dữ liệu tuyên giáo số phải dần trở thành mục tiêu, phương tiện hữu hiệu trong các quá trình triển khai công tác tuyên giáo.
Không chỉ dừng lại ở việc “số hóa văn bản công tác tuyên giáo” hay “dữ liệu tuyên giáo mở” như trước đây, các hoạt động số hóa tuyên giáo sẽ tăng cơ hội nhập vai và đưa người nghe, ngời đối thoại vào các môi trường thực - ảo để giải quyết vấn đề; tạo video, bài giảng công tác tuyên giáo bằng số hóa, E-book tương tác…sẽ giúp thư viện dữ liệu tuyên giáo số không chỉ còn thuần túy cung cấp thông tin, nội dung cần quán triệt mà còn tạo khả năng tương tác mạnh với những nội dung đó cho người nghe, người đối thoại.
Rõ ràng, để có chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì các tài liệu nghiên cứu, trao đổi, tuyên truyền về tuyên giáo cũng cần phảỉ được số hóa ngay để có được thư viện dữ liệu tuyên giáo số.
Thứ ba, phương thức công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì tất yếu cũng phải hình thành được phương thức công tác tuyên giáo số. Phương thức công tác tuyên giáo số tương thích nhất, hợp lý nhất trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia phải là phương thức công tác tuyên giáo đa linh hoạt.
Với tính đa linh hoạt trong phương thức hoạt động, phương thức công tác tuyên giáo số giúp cho hoạt động tuyên giáo diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại có thể cá nhân hóa và chủ động quyết định việc lựa chọn nội dung công tác tuyên giáo theo nhu cầu của bản thân và theo mục đích đã được thiết lập; giúp cho việc hình thành mô hình chuyển giao kiến thức và cách thức công tác tuyên giáo theo phương thức đối thoại giữa chủ thể công tác tuyên giáo với đối tượng có nhu cầu. Do tầm quan trọng của phương thức công tác tuyên giáo số nên cần phải tạo dựng và kích hoạt được những phẩm chất tích cực của người nghe, người đối thoại, từ đó tạo sự độc lập tương đối khi trao đổi, tìm hiểu công tác tuyên giáo, có được môi trường tự do, dân chủ và chính điều này sẽ tạo thuận lợi cho những tư duy mới, tư duy đột phá, tư duy sáng tạo trong công tác tuyên giáo ra đời. Đương nhiên, trong điều kiện của phương thức công tác tuyên giáo số cũng phải có được sự giám sát mà thông qua đó để có thể củng cố niềm tin, giữ được tính chính trị - tư tưởng, tăng cường định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mới nảy sinh cho cả chủ thể công tác tuyên giáo lẫn đối tượng người nghe, người đối thoại một cách kịp thời.
Trong phương thức công tác tuyên giáo số còn phải có được gắn kết số. Gắn kết số trong môi trường công tác tuyên giáo số là nhằm đến làm cho hoạt động của công tác tuyên giáo không còn “kinh viện” chỉ giới hạn trong khuôn viên thuyết trình khép kín, mà được mở rộng kết hợp và thiết lập sự liên kết giữa các yếu tố công tác tuyên giáo Đảng - người dân - xã hội, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tạo ra tính thiết thực, tính thực tiễn của công tác tuyên giáo.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019. |
Thứ tư, môi trường công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Với tư cách là cấu phần tất yếu của công tác tuyên giáo, khi thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì tất yếu cũng phải tạo dựng được môi trường số về công tác tuyên giáo. Môi trường số về công tác tuyên giáo hay môi trường công tác tuyên giáo số chính là sự tích hợp hóa, dân chủ hóa các quá trình hoạt động và tương tác trong công tác tuyên giáo. Với những ưu thế như vậy, môi trường công tác tuyên giáo số sẽ tạo ra các cơ hội để tăng khả năng giao lưu và sự linh hoạt cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại trong không gian và thời gian thực - ảo, môi trường công tác tuyên giáo thực - ảo dựa trên nền tảng số. Nhờ phương thức công tác tuyên giáo số này mà tăng tính tương tác cá nhân hóa cao độ trong tổ chức hoạt động tuyên giáo với người nghe, người tiếp thu, người đối thoại thông qua các “gói” nội dung mở, linh hoạt về tuyên giáo; tăng cơ hội, lịch trình, thời gian, không gian tương tác, trao đổi, đối thoại mở và môi trường trao đổi thực - ảo về tuyên giáo.
Từ những phân tích trên cho thấy, muốn tiến hành được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì cũng phải tạo lập được và vận hành được môi trường công tác tuyên giáo số.
Thứ năm, nền tảng công nghệ cho hoạt động công tác tuyên giáo cũng phải được số hóa.
Điều kiện và tiền đề tiên quyết cho chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo chính là phải có được nền tảng số cho công tác tuyên giáo. Nền tảng số, tức là tạo dựng công nghệ số cho công tác tuyên giáo. Thực chất của nền tảng số trong công tác tuyên giáo chính là phải xác lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xem đó là điều kiện quyết định để triển khai chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo. Đây chính là bước chuyển sang thời đại công nghệ số trong công tác tuyên giáo. Thời đại công nghệ số được hình thành nhờ cuộc cách mạng số đã dẫn đến sự hiện đại hoá các quá trình thông tin và truyền thông, trở thành động lực của tiến hoá xã hội. Thời đại công nghệ số đang phá vỡ phương thức sản xuất truyền thống và tạo ra sự thay đổi lớn theo cách thức sản xuất phi tuyền thống. Trong công nghệ số, môi trường làm việc được tối ưu hóa, các máy móc sẽ được kết nối để tương tác với nhau và với con người trên một không gian mạng. Quá trình này sẽ tăng khả năng trực quan hóa toàn bộ chuỗi hoạt động, truyền thông tin và giao lưu giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội, từ đó tạo ra sự đồng bộ, lan tỏa và tương tác tích cực với nhau.
Lộ trình xây dựng nền tảng số cho công tác tuyên giáo cần dựa trên những thay đổi từng bước từ việc thay đổi nhận thức để hình thành tri thức dựa trên việc sử dụng phương thức phù hợp cộng hưởng với đảm bảo nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Như vậy, muốn có được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì một nền tảng số cho công tác tuyên giáo phải được thiết lập, khởi động triển khai và vận hành ngay nhằm tạo cơ sở, điều kiện cho việc hiện thực hóa để công tác tuyên giáo được chuyển đổi số.
Tóm lại, những phân tích và trình bày trên cho thấy để có thể đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng số đối với công tác tuyên giáo, đã đến lúc cần phải tận dụng cách mạng số nhằm số hóa công tác tuyên giáo để làm cho công tác tuyên giáo Đảng hoạt động thật sự tương thích, có hiệu quả và thiết thực./.
Theo PGS.TS. Ngô Đình Xây/Tạp chí Tuyên giáo
------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 264-265.
(2)https://svvn.tienphong.vn/giao-duc-thong-minh-den-dau-van-can-nhung-nguoi-thay-tam-tue post1394658.tpo 20/11/2021