|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) làm đường vào làng Ðê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
|
Con đường "ý Ðảng-lòng dân" này đã tạo điều kiện cho dân làng vùng "ốc đảo" Ðê Kôn khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng khoảng thời gian này năm trước, khi nghe tin cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) đang thi công san ủi, lu lèn lại con đường này để giúp người dân vùng "ốc đảo" Ðê Kôn đi lại và kết nối thông thương giao lưu buôn bán hàng hóa, chúng tôi đã tìm đến nơi này để tác nghiệp. Mùa khô ở thành phố Pleiku (Gia Lai), những cơn gió xoáy sâu trong nắng, nhưng ở đây, bầu trời vẫn sũng nước. Vượt qua những con dốc trơn nhẫy, chi chít vũng nước, những khe sâu là đến làng Ðê Kôn.
Ông H’Riu, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Ðê Kôn cho biết: "Ðê Kôn hiện có hơn 54 hộ với 257 nhân khẩu, trong đó chiếm 80% là đồng bào Ba Na. So với 10 năm trước, dân số đã tăng gần 30 hộ, hơn 125 khẩu. So sánh để mà mừng, bởi từ 1975 đến năm 2010 dân số của làng hầu như không tăng. Hồi đó trẻ nhỏ, người già bệnh nhiều quá, nhất là sốt rét, dịch hạch... Nhà nước đã đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, nhưng cái tốt, cái mới bên ngoài mắc các hủ tục lạc hậu cho nên không vào được, thành ra "ốc đảo" vẫn cứ là "ốc đảo". Trước khi khai thông con đường này, người dân mình muốn mang thứ gì đó làm được đi ra ngoài để trao đổi, mua bán cũng khó khăn, chỉ hơn 7 km là đến Quốc lộ 19, ra đến trung tâm xã, mà phải leo núi, leo đồi, qua suối cũng mất cả buổi sáng. Người dân Ba Na mình mong có con đường lắm. Như biết được cái bụng của dân làng, trên cơ sở nền đường đất được bộ đội Lữ đoàn Công binh 7 san ủi, nâng cấp, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tiến hành xây dựng con đường bê-tông vào làng. Chỉ có con đường thông thoáng là cứu được dân làng thôi".
Không giấu được niềm vui, ông Ðinh Wung, 79 tuổi, chia sẻ: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường này là cầu nối để bà con vận chuyển lương thực, đạn dược, cất giấu cho bộ đội chặn đánh giặc ở đèo Mang Yang (Cổng trời). Cứ sau một trận đánh, biết tin quân ta chiến thắng, dân mình mừng lắm. Trước đây mọi người muốn vào được Ðê Kôn, hoặc đi ra bên ngoài, cách duy nhất là đi bộ và mất gần cả buổi mới đến. Ðời sống của người dân trong vùng vốn đã khổ lại càng thêm khó. Nhưng chuyện buồn hơn là những ngày đầu tháng 7 năm trước, hai anh em cháu Vươn đi chơi bị ong đốt, thời gian đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn, cho nên chỉ mình Vươn được cứu sống, còn thằng em đã về với A Tâu (ông bà). Rồi chuyện các cô giáo Ðinh Thị Hồng Huệ (giáo viên mầm non) và cô Nguyễn Kim Thủy (giáo viên Trường tiểu học Hà Ra số 2) mặc dù bị ngã gãy tay, gãy xương sườn, nhưng thương các em nghèo con chữ, vẫn nhiều năm bám lớp, bám trường, quyết tâm gieo con chữ, trồng mơ ước cho các em. Các cô được dân làng kính trọng và truyền nhau như một truyện cổ tích trên đỉnh "cổng trời".
Ðến nay thời gian tuy chưa dài, nhưng hiệu quả đem lại từ việc đầu tư làm đường mới đến làng Ðê Kôn có ý nghĩa quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền và người Ba Na ở vùng đất này.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trần Ðình Hiệp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mang Yang cho biết: Làng Ðê Kôn là một trong những làng đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh Gia Lai. Xác định con đường là chìa khóa cho người Ba Na ở đây và các vùng lân cận phát triển kinh tế, nhất là giao thương buôn bán, trao đổi sản phẩm nông nghiệp làm ra. Sau khi bàn bạc thống nhất, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, tiến hành xây dựng Dự án đường vào làng Ðê Kôn, xã Hà Ra. Con đường dài gần 7 km; kết cấu mặt đường rộng từ 3,5 đến 5,5 m, nền đường rộng từ 5 đến 6,5 m; tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Từ khi con đường được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, tích cực vận động bà con dân tộc thiểu số địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; trong đó vận động, định hướng bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân.
Ông K Lưnh, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Ðê Kôn vui mừng cho biết: Con đường hoàn thành đã mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân ở "ốc đảo" Ðê Kôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, nếu con đường đi qua nương rẫy kể cả sân, vườn. Ngày trước, bắp chỉ bán được 1.000 đồng/kg, nay bà con mang ra Quốc lộ 19 bán với giá 5.000 đồng/kg; một trái thơm (dứa) 2 kg, bán được 3.000 đồng, thì nay giá bán đã lên 15 nghìn đồng... đây là thí dụ đơn giản, dễ nhận thấy nhất. Con đường là công trình rất thiết thực, ý nghĩa đối với nhân dân địa phương, thật sự là con đường "ý Ðảng-lòng dân".
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI/Theo Báo Nhân dân