Phụ nữ xã Tân Kim định kỳ 1 tháng 1 lần thực hiện phát quang, vệ sinh tuyến đường liên xóm.
Chúng tôi đến xã Dương Thành vào một ngày cuối tháng 7, đi trên những tuyến đường phong quang, sạch đẹp, hai bên đường là hàng hoa chiều tím, mười giờ đang khoe sắc trong nắng..., cảm giác mệt mỏi, oi bức như được xua tan nhanh chóng.
Chị Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã giới thiệu: Đây là kết quả của phong trào trồng hoa ven đường do Hội LHPN huyện Phú Bình phát động từ năm 2016. Hiện nay, 19/20 chi hội phụ nữ trong xã đều trồng và nhân rộng các tuyến đường hoa với tổng chiều dài trên 12km, chỉ có riêng xóm Phú Dương 1 do chưa làm lề đường nên chưa triển khai. Các tuyến đường hoa, tuyến đường tự quản được giao trực tiếp cho từng chi hội quản lý.
Được biết, các chị em xã Dương Thành không chỉ trồng, chăm sóc hoa đẹp, tươi tốt mà còn luôn cố gắng từ cổng vào nhà, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh, quét dọn sạch sẽ đúng như tiêu chí của phong trào Xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Để môi trường xung quanh không bị ô nhiễm bởi rác thải, các chị em trong hội còn tuyên truyền, vận động mỗi gia đình xây dựng 1 lò đốt rác thải sinh hoạt, các xóm xây dựng bể thu gom thuốc bảo vệ thực vật; … Tính đến nay, toàn xã đã có 1.200/1.800 hộ đã xây dựng lò đốt rác; có trên 120 bể thu gom đặt ngoài đồng… Đặc biệt, với mục tiêu về đích nông thôn mới (NTM) trong năm nay, các chị em trong xã đang ra sức thực hiện tốt các hoạt động nhằm hoàn thiện tiêu chí môi trường.
Đối với các vùng nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, xa, việc làm thế nào để người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từng bước thay đổi thói quen của người dân qua các hoạt động tuyên truyền, gắn lợi ích phát triển kinh tế với các phong trào, mô hình, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương là cách làm mà nhiều cơ sở Hội trong huyện đang triển khai. Như ở Tân Kim, là xã có nhiều trang trại, gia trại gà, lợn với số lượng hàng trăm nghìn con mỗi năm. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cùng với việc duy trì phong trào hội, xây dựng các mô hình phụ nữ làm kinh tế theo nhóm sở thích chăn nuôi, thành lập tổ hợp tác, Hội LHPN xã còn mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; cách sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, vừa đảm bảo cho sản phẩm an toàn.
Chị Ngô Thị Hưởng, một hộ chăn nuôi ở xóm Bạch Thạch cho biết: Nhà tôi chăn nuôi gà đẻ, quy mô 13.000 con/lứa. Tôi và các hộ chăn nuôi khác đều thực hiện các biện pháp nhằm tránh gây mùi ra xung quanh như xây chuồng lạnh, quây tường rào, rắc men vi sinh, trấu lên nền chuồng trại và sau khoảng 2 tháng thu dọn phân, vệ sinh chuồng trại 1 lần. Môi trường chăn nuôi được đảm bảo nên đàn gà sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh.
Theo chị Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình: Những năm qua, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, các cấp Hội trong huyện đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Với sự chủ động, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, triển khai các phong trào, mô hình đã tạo sức lan tỏa về phong trào bảo vệ môi trường đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong huyện.
Đến nay, 20 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được 210 đoạn đường tự quản được trồng hoa, vệ sinh định kỳ 1 tháng 1 lần; mỗi xã, thị trấn xây dựng điểm 1 chi hội điển hình về 5 không, 3 sạch; xây mới được trên 1.000 bể thu gom rác đặt tại các cánh đồng và trên 7.600 hố xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Kết quả đó đã góp phần thực hiện tiêu chí số 17 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa 10 xã của huyện cán đích NTM.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động này hơn nữa nhằm chung sức xây dựng Phú Bình thêm giàu đẹp
Ngọc Ánh - Minh Huế