Đến năm 2025, Thành phố Đà Nẵng phấn đấu để huyện Hòa Vang được công nhận thị xã, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 45,5% (5/11 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó thu nhập bình quân 85 triệu đồng/người/năm… Đó là mục tiêu được Thành ủy Đà Nẵng đưa ra trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 19/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố tổ chức sáng nay (3/7) tại huyện Hòa Vang.
Phấn đấu đưa huyện Hòa Vang lên thị xã vào năm 2025
Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là 1 trong những địa phương được Trung ương chọn làm điểm để chỉ đạo sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2020, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của thành phố. Năm 2015, huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
|
Quang cảnh hội nghị sáng nay (3/7) tại huyện Hòa Vang. (Ảnh: ANH ĐÀO)
|
Trong thời gian 10 năm, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều nguồn lực, thành phố Đà Nẵng đã huy động được hơn 7.300 tỷ đồng để triển khai các dự án kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Cụ thể, gần 900km giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và kết nối mạng lưới giao thông của thành phố. Đầu tư gần 600 phòng học, có 45/45 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cũng đầu tư xây dựng 11 Trung tâm văn hóa thể thao xã, xây mới, nâng cấp 100 nhà văn hóa thôn…
|
Đường liên thôn khang trang tại xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
|
Bằng nhiều nguồn lực đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và kết nối mạng lưới giao thông của thành phố với địa phương, với tổng số 892,695 km đường giao thông nông thôn.
Tính đến cuối năm 2022, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có hơn 47.000 lao động qua đào tạo, đạt trên 65%; lao động có việc làm thường xuyên là trên 72.000 người, đạt tỷ lệ 96,71%, bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu, tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người Hòa Vang đạt 56 triệu đồng/người/năm/người và đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố) giảm từ 16,52% năm 2012 xuống còn 1,91% năm 2022; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt 98%.
Tổng kinh phí thành phố Đà Nẵng đã huy động được xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2012-2022: 7,331.810 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 465,79 tỷ đồng; Ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho chương trình (thành phố + huyện): 853,59 tỷ đồng; Vốn lồng ghép từ các chương trình khác (giảm nghèo, hỗ trợ có mục tiêu): 2.818,42 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 1.197,57 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư: 1.131,204 tỷ đồng; Vốn huy động từ đóng góp của các tổ chức, các sở ngành thành phố: 865.224 tỷ.
Đến nay, huyện Hòa Vang đã có 11/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2015 và bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020; có 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015.
Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo nguyên tắc “năm sau cao hơn năm trước”; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bảo đảm huyện Hòa Vang đạt chuẩn đô thị loại IV làm cơ sở để trình công nhận huyện Hòa Vang thành Thị xã vào cuối năm 2025.
Đồng thuận, đồng lòng xây dựng nông thôn mới đáp ứng tiêu chí mới
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: một bộ phận người dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, ý thức trong việc bảo vệ môi trường một bộ phận nhân dân chưa cao; Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng cơ bản là chủ yếu nhưng phát triển sản xuất, kinh tế nông thôn chưa đảm bảo bền vững. Một số cơ chế chính sách đã được ban hành nhưng chưa sát với thực tiễn, triển khai còn vướng mắc nên hiệu quả chưa cao.
Nguồn lực đầu tư rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, nhất là hệ thống giao thông nông thôn nhanh xuống cấp; Công tác bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, nhất là thu gom rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt; Một số mô hình sản xuất không ổn định, thiếu hiệu quả. Tuy hiện nay 11 xã trên địa bàn huyện đều có thành lập Hợp tác xã và đang hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, chưa thu hút được thành viên tham gia sử dụng dịch vụ cũng như góp vốn đầy đủ là nguyên nhân làm cho các Hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, biểu dương và ghi nhận những thành quả vượt bậc trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại TP Đà Nẵng trong 10 năm qua.
Đồng thời, đồng chí phân tích, làm rõ thêm những mặt hạn chế, tồn tại trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Đà Nẵng.
Để tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Quảng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các địa phương, đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ, kịp thời, hiểu rõ và cùng tham gia đầu tư, chung sức xây dựng nông thôn mới; triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Thành phố Đà Nẵng chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” nhằm cổ vũ, động viên và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả đạt được trên địa bàn thành phố và huyện Hòa Vang ngày hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, những kết quả đạt được trên địa bàn thành phố và huyện Hòa Vang ngày hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố. Đây cũng là bài học quý để chúng ta vận dụng tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Đặc biệt lưu ý, trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa của các ngành, địa phương phải xác định rất rõ rõ và có cơ chế để bảo đảm nguồn lực để thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Khẩn trương rà soát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ để thực hiện có hiệu quả trên địa bàn thành phố. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương để bảo đảm vốn đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch trên tinh thần tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Có chính sách, giải pháp đột phá và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị trên địa bàn các xã, đồng thời bảo đảm điều kiện để huyện Hòa Vang xây dựng hoàn thành đạt chuẩn đô thị loại IV…
|
Thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. (Ảnh: ANH ĐÀO)
|
Tại Hội nghị, UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19/3/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn thành phố và tham gia đóng góp, hỗ trợ nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2022.