Một góc xã Tam Quan Bắc hôm nay. Ảnh: THU DỊU.
Xác định hướng phát triển đô thị
Hoài Nhơn trong quá khứ từng là thủ phủ của tỉnh Bình Định. Cái tên Phủ Hoài Nhơn có từ thời Lê Sơ chỉ một địa bàn rộng lớn. Ngày nay, huyện Hoài Nhơn tuy diện tích đã thu hẹp, nhưng vẫn là địa phương có địa hình đa dạng với nhiều cộng đồng dân cư sầm uất. Cuối tháng 11-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1672/QĐ-TTg về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035, trong đó xác định huyện Hoài Nhơn trở thành đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bình Định. Chưa đầy một năm sau, ngày 25-10-2019, khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến nay, Đề án thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Bình Định, thị xã Hoài Nhơn được xác định có diện tích tự nhiên khoảng 42.084 ha, bao gồm 22.225 ha khu vực nội thị, 19.859 ha khu vực ngoại thị và khoảng 1.836 ha đất xây dựng đô thị; có 17 đơn vị hành chính gồm hai thị trấn (Bồng Sơn, Tam Quan) và 15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây sẽ là đô thị ven biển, có vai trò, vị thế quan trọng ở khu vực phía bắc tỉnh Bình Định.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch phát triển đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được Huyện ủy, UBND huyện Hoài Nhơn tập trung thực hiện. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt theo tinh thần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên nguồn lực đầu tư mới để nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nhất là kiến trúc cảnh quan, không gian công cộng. Đến nay, nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng đồng bộ tạo diện mạo đô thị hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Có thể kể tới những công trình tiêu biểu tạo điểm nhấn vẻ đẹp đô thị như: Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, đường kết nối quốc lộ 1A cũ và quốc lộ 1A mới, quảng trường huyện, đường Gò Dài, di tích Cây số 7 Tài Lương, Di tích tàu không số…
Với bờ biển dài hơn 24 km, có hai cửa biển và hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, kinh tế biển là thế mạnh của huyện Hoài Nhơn. Vì vậy, huyện đã huy động để đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này. Huyện đang tập trung cùng với tỉnh đầu tư mở rộng tuyến đường ĐT 639, đoạn từ Hoài Hương đến Tam Quan với quy mô nền đường mở rộng từ 6 lên 12 m, tổng chiều dài 9,6 km. Cùng với đó, huyện đã hoàn thành quy hoạch khu dân cư, thương mại, dịch vụ dọc bờ biển, được UBND tỉnh phê duyệt, hứa hẹn mở rộng không gian đô thị ven biển hiện đại. Cảng cá Tam Quan đang được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng loại 2; các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh. Huyện có đội tàu cá lớn nhất cả nước với 2.297 chiếc, trong đó 1.994 chiếc có chiều dài hơn 15 m khai thác hải sản xa bờ. Niềm tự hào của ngư dân Hoài Nhơn là hằng ngày có hơn 400 tàu cá với khoảng 3.500 lao động có mặt tại Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực giàn DK1 để đánh bắt hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sản lượng khai thác và nuôi trồng hải sản hằng năm đạt hơn 61.500 tấn (trong đó, cá ngừ đại dương hơn 10 nghìn tấn); giá trị ước đạt hơn 3.326 tỷ đồng.
Bám sát phương châm đảng viên đi trước
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị nêu trên, kinh nghiệm được ghi nhận ở huyện Hoài Nhơn là chú trọng và làm tốt công tác dân vận. Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thông qua các hình thức dân vận sinh động, hiệu quả, mà hạt nhân là những đảng viên sẵn sàng tiên phong trong mọi hoạt động, Hoài Nhơn đã huy động được đông đảo quần chúng nhân dân và các thành phần kinh tế chung tay góp sức. Đảng bộ Hoài Nhơn hiện có 71 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 21 đảng bộ) trực thuộc Huyện ủy với 8.300 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt, khơi dậy sức mạnh nội lực tạo đột phá trong công tác chỉnh trang diện mạo đô thị và xây dựng nếp sống mới văn minh. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị được thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị của địa phương dưới chủ đề xuyên suốt nhiệm kỳ: “Đảng viên nêu gương sáng, nói đi đôi với làm, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các đảng viên thực hiện nghiêm túc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó người dân đã hăng hái hiến hơn 105 nghìn m2 đất, hơn 4.500 cây dừa và nhiều loại cây trồng, kiến trúc có giá trị khác để rải bê-tông hơn 626 km đường giao thông, hơn 112 km kênh mương nội đồng. Người dân còn góp hơn 196 tỷ đồng và hơn 17 nghìn ngày công tham gia quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, đưa Hoài Nhơn trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, sớm hơn hai năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Tự Hồng cho biết: Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào do huyện phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Huyện Hoài Nhơn chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2016 - 2020”; cuộc vận động “Xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh”... Đối với các mô hình tự quản: “Mỗi con đường là một đường hoa”, “Mỗi nhà ít nhất hai cây hoa”..., người dân không chỉ nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường mà còn phấn khởi trồng hoa, cây cảnh trong nhà, ngoài ngõ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cảnh quan, môi trường, văn minh đô thị. Trong những phong trào đó, các chi bộ phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Nhất là tại các chi bộ thôn, khối phố, các đồng chí trong chi ủy có sự linh hoạt, sáng tạo chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vướng mắc trong thực tiễn, giúp người dân an tâm, phấn khởi ủng hộ các mô hình: “Thắp sáng đường quê”, “Ca-mê-ra an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Khu dân cư không có tệ nạn”, “Không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè”... Nhờ đó, an ninh - trật tự ngày càng được bảo đảm.
Bí thư Huyện ủy Phạm Trương chia sẻ, Hoài Nhơn có tiềm năng, lợi thế để trở thành thị xã và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhiệm kỳ qua, cùng với sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển mạnh và toàn diện. Hoài Nhơn đang từng bước hình thành diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phát huy vai trò động lực trung tâm kinh tế - xã hội, trung tâm kinh tế biển phía bắc tỉnh Bình Định.
Theo Báo Nhân dân