Lễ hội mừng lúa mới của cộng đồng người Xê Đăng ở Đắk Lắk. (Ảnh minh họa).
TÀ ĐẠO HÀ MÒN KHƠI DẬY HỦ TỤC, KÍCH ĐỘNG LY KHAI
Thực chất, Hà Mòn không phải là một tôn giáo mà là một tổ chức hoạt động phi pháp, tà đạo, lợi dụng ảnh hưởng của tôn giáo để lôi kéo người dân chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, đi ngược lại với chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tà đạo Hà Mòn tại Đắk Lắk có dấu hiệu bị bọn Fulro lưu vong ở Mỹ lợi dụng tuyên truyền, móc nối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mưu đồ tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước” riêng của người Tây Nguyên.
|
Những hoạt động của tà đạo Hà Mòn thời gian qua đã gây ra không ít hậu quả về nhiều mặt, trong đó có việc cản trở quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những người theo tà đạo Hà Mòn không tham gia sinh hoạt với cộng đồng, tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn, không chấp hành lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hạn chế tiếp xúc với “người lạ”. Một số đối tượng còn có những lời lẽ thách thức, có thái độ chống đối khi chính quyền cơ sở triệu tập.
Bên cạnh đó, tà đạo này còn chia rẽ đoàn kết trong cộng đồng dân cư và gieo rắc mê tín dị đoan. Do những người theo tà đạo không tham gia các phong trào của thôn, làng, xã mà thường tách thành nhóm riêng biệt, cho nên có nơi đã xảy ra mâu thuẫn giữa những người theo tà đạo Hà Mòn với bà con theo đạo Công giáo. Trong không ít khu dân cư và các gia đình đã có biểu hiện mất đoàn kết, mâu thuẫn giữa những người theo và không theo tà đạo Hà Mòn.
Nguy hiểm hơn, tà đạo này còn phá hoại phong tục tập quán và kích động tư tưởng ly khai, tự trị bằng những “lý lẽ” như: kêu gọi tín đồ không được uống rượu nhưng thực chất là vận động đồng bào không tham gia sinh hoạt cồng chiêng tập trung tại nhà rông. Vì không uống rượu, không tham gia sinh hoạt tập trung nên “đập bỏ ché làm rượu, bỏ cồng chiêng”. Mặt khác, những đối tượng cầm đầu còn tuyên truyền “đạo Hà Mòn mới là tôn giáo riêng của người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk” sẽ được Giáo hoàng, Liên hợp quốc công nhận và giúp đỡ tiền bạc. Bên cạnh đó, chúng xuyên tạc những chính sách của Nhà nước, khi rao giảng rằng “Nhà nước bắt người dân tộc thiểu số thực hiện kế hoạch hóa gia đình là để triệt tiêu dần, không cho họ phát triển”. Có nơi chúng tự nhận là “Công giáo Đê ga” - tương tự như trước đây bọn phản động Fulro dựng nên cái gọi là “Tin lành Đê ga”.
Để duy trì và phát triển tổ chức, các đối tượng cầm đầu tà đạo Hà Mòn kêu gọi mỗi hộ đồng bào Xê Đăng hàng tháng đóng góp 50 nghìn đồng và một lon gạo để nuôi giấu các đối tượng lẩn trốn. Do đó, mặc dù các tổ chức chính quyền, đoàn thể và nhân dân tích cực đấu tranh, vận động bà con không tin, không theo, nhưng tà đạo Hà Mòn vẫn tiếp tục như “luồng gió độc” len lỏi vào đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Chúng biên soạn nhiều tài liệu, sử dụng băng đĩa, sửa lại lới giáo huấn của Công giáo để tuyên truyền, coi đó là “giáo luật của đạo Hà Mòn”. Không chỉ vậy, nhiều tín đồ Công giáo đã bị mất tiền vì những lời lừa mị rằng “càng đưa nhiều tiền và đọc kinh sám hối nhiều thì sẽ sớm được xóa tội, hưởng sung sướng”….
Việc tụ tập, tổ chức dâng hoa, cầu nguyện trái pháp luật, lôi kéo tín đồ rời khỏi địa phương mà không báo cáo chính quyền… đã phần nào gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Đắk Lắk.
ĐẤU TRANH XÓA BỎ TÀ ĐẠO
Ngày 28-12-2012, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 06 về việc tăng cường công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong buôn làng cùng tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, đã từng bước làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Công giáo hiểu rõ bản chất của tà đạo Hà Mòn và việc lợi dụng của phản động Fulro.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tiến tới xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk và các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xác định thực hiện có chất lượng, hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng phải tích cực, thường xuyên tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng. Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và sự bình đẳng giữa các dân tộc đồng thời bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng, tín đồ nhận thức rõ hoạt động lợi dụng tôn giáo của các phần tử xấu và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá chính quyền, cách mạng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của các tà đạo, không nghe theo tin đồn nhảm nhí, hoạt động mê tín dị đoan của tà đạo. Vận động nhân dân không ngừng nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo sự lôi kéo, luận điệu xuyên tạc của những đối tượng cầm đầu tà đạo.
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân trên địa bàn tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết; tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo của các phần tử xấu nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc và đoàn kết tôn giáo.
Hai là, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động Fulro, Tin lành Đê ga, tà đạo Hà Mòn và những tà đạo khác.
Chính quyền, các lực lượng chức năng tăng cường phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. Làm tốt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, các sinh hoạt tín ngưỡng.
Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, chú ý vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào theo đạo; các cấp chính quyền tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt bình thường theo pháp luật; giúp đồng bào nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chính quyền và nhân dân cần coi trọng chính sách khoan hồng, giúp đỡ để ổn định cuộc sống đối với những người trước đây, do thiếu hiểu biết tham gia vào tổ chức tà đạo, nhưng đã thành khẩn khai báo và kiên quyết từ bỏ.
Bốn là, phát động và tổ chức phù hợp, thiết thực để đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân sản xuất giỏi; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng buôn làng phát triển toàn diện, xóa đói, giảm nghèo.
Đồng thời, cần đảm bảo các điều kiện để đồng bào có đạo thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; là tín đồ tốt đồng thời là công dân tốt, sống tốt đời đẹp đạo.
Năm là, bên cạnh công tác truyên truyền, vận động là chính, cần phải có những hình thức xử lý nghiêm khắc với những đối tượng cầm đầu hoặc những kẻ ngoan cố. Tạo điều kiện để mỗi người dân hiểu và có trách nhiệm giúp chính quyền bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự; phát hiện tố giác những phần tử xấu hoạt động Fulro, Tin lành Đê ga, tà đạo Hà Mòn và các tà đạo khác.
Theo ThS. Phạm Thị Minh Tính/Tạp chí Tuyên giáo