Các chương trình an sinh xã hội tập trung quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và hải đảo được ghi nhận bằng những đóng góp trong hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, nước sinh hoạt. Phát triển giáo dục, ủng hộ công tác phòng chống dịch, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo và những nỗ lực giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối.
Việc thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội của các doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có vai trò rất quan trọng trong góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần đảm bảo lợi ích chung cho cộng đồng xã hội, làm thay đổi cách thức thực hiện và cấu trúc an sinh xã hội trong một quốc gia; đồng thời, chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
|
Công đoàn Ban Dân vận Trung ương, Công đoàn Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Công đoàn Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức phát động chương trình "Xuân yêu thương" năm 2023, chia sẻ với đồng bào vùng cao còn nghèo, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống ở tỉnh Bắc Kạn, tháng 2/2023. ẢNH: LÊ DUNG
|
Công tác an sinh xã hội luôn được Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo; các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn đi đầu trong thực hiện an sinh xã hội, chú trọng những mô hình mới về xóa đói giảm nghèo; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ; ưu tiên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện nhiều chương trình, dự án:
Giảm nghèo bền vững - không để ai bị bỏ lại phía sau; uống nước nhớ nguồn, tri ân với các gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các thương, bệnh binh, hỗ trợ phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; tôn tạo, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ; thực hiện cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, cuộc vận động “Vì Trường Sa thân yêu”, chương trình “Xanh hóa Trường Sa”; ủng hộ xây dựng các công trình biển đảo phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; xóa cầu khỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm; giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ; hưởng ứng đợt thi đua “cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng phòng, chống, chiến thắng đại dịch Covid-19” và phong trào “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19”...
Các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng đơn vị trong Khối thực hiện đa dạng hóa hình thức và nội dung hỗ trợ, tài trợ trực tiếp đến đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy tối đa hiệu quả của công tác an sinh xã hội. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã tham gia công tác an sinh xã hội với tổng trị giá 48.113,85 tỷ đồng (giai đoạn 2007-2016: 30.859,85 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2019: 9.436 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2023: 7.818 tỷ đồng).
Việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ được các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2010 - 2020 đã giải ngân là 3.626 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023 tiếp tục thực hiện với số tiền 514,38 tỷ đồng.
Việc thực hiện công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ, của các doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Một là, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân
Phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ đến mọi người dân trên địa bàn các huyện nghèo. Hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng quy hoạch và phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương thông qua việc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, máy móc sơ chế sản phẩm, bao tiêu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; cung cấp giống, vốn đầu tư để từng bước phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân ở vùng khó khăn.
Hỗ trợ về vốn sản xuất, vốn vay ưu đãi: Bằng các chính sách tín dụng phù hợp, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, các ngân hàng trong Khối đã tích cực giải ngân số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất để bà con nông dân đầu tư trồng rừng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Giai đoạn 2016 - 2023 đã có trên 12 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng; tạo thêm hơn 1,2 triệu việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người lao động trong cả nước..
Thông qua chính sách vay vốn ưu đãi, người dân đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích và tập trung chủ yếu cho trồng trọt, phát triển chăn nuôi tạo việc làm, tăng thu nhập; đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hướng đến giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, các chính sách về lao động và việc làm được chuyển biến theo hướng ngày càng phù hợp với bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Hai là, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo
Đã vận động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ 1.625 tỷ đồng tham gia xây dựng trên 1.200 trường học, nhà bán trú và tặng hàng ngàn xuất học bổng, hỗ trợ trang, thiết bị, đồ dùng học tập, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở công vụ cho giáo viên, bếp ăn cho học sinh, đóng mới bàn ghế; cấp học bổng, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh.
Các doanh nghiệp, đơn vị trong đảng bộ thuộc Khối đã tài trợ, ủng hộ 780,7 tỷ đồng để xây dựng 337 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế cấp huyện; hỗ trợ xe cứu thương được trang bị hiện đại và các trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh cho nhân dân; phối hợp tổ chức các đợt thăm, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tham gia công tác truyền thông, cung cấp các dịch vụ y tế...
Nhiều đơn vị thành viên và chi nhánh các ngân hàng trong Khối đã hỗ trợ gần 9.000 tỷ đồng đầu tư cho 1.094 hạng mục công trình: giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hạ tầng viễn thông và các công trình phục vụ dân sinh. Các công trình sau khi hoàn thành đều đạt chất lượng và sử dụng có hiệu quả phục vụ lợi ích trực tiếp đến đời sống của Nhân dân như: nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động canh tác, năng suất cây trồng được tăng lên, bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.
Ba là, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát
Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho các hộ nghèo, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, bằng sự vào cuộc của hàng trăm đơn vị thành viên thuộc các đảng bộ trong Khối đã hỗ trợ gần 850 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới được 118.465 nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, nhà Đại đoàn kết cho đồng bào, giúp bà con cải thiện được điều kiện ăn ở, sinh hoạt, định canh định cư.
Bốn là, ủng hộ biên giới, hải đảo; gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển
Quán triệt sâu sắc và thực hiện có kết quả tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các doanh nghiệp đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang triển khai các dự án đầu tư các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt chú trọng đến các vùng trọng điểm, nhạy cảm như Biển Đông, Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam Bộ.
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã hỗ trợ xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa và tại các địa phương khó khăn vùng bãi ngang ven biển và biên giới, hải đảo; hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển... với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Một số công trình, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đã được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Hằng năm, Đảng ủy Khối đã phối hợp với Quân chủng Hải quân và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I với tổng giá trị đến nay ước tính hằng trăm tỷ đồng.
Năm là, công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ; đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đã vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động tích cực ủng hộ chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ và tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo khác tại các địa phương trong cả nước với tổng kinh phí trên 1.305 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng 650 Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn và trao hàng nghìn suất học bổng hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn.
Sáu là, công tác an sinh xã hội tại đơn vị, doanh nghiệp
Doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn cùng cấp triển khai phong trào "Xây dựng mái ấm Công đoàn" được công nhân lao động tại các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng thu được kết quả tốt, tạo uy tín trong hoạt động Công đoàn. Đã hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình công nhân lao động khó khăn.
Đồng thời, ủng hộ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, công nhân lao động khó khăn; hỗ trợ vở viết cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Đã có 102.796 công nhân được hỗ trợ thông qua các Quỹ công đoàn bằng hình thức như vay vốn, hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh,… với số tiền hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giúp người lao động làm kinh tế gia đình và giải quyết khó khăn, yên tâm làm việc.
Bảy là, công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đạt trên 8.682 tỷ đồng (năm 2020 hỗ trợ hơn 3.655 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ hơn 5.027 tỷ đồng).
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Khối đều triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn người lao động; hỗ trợ người lao động nhiễm Covid-19; hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch, đặc biệt đối với các đối tượng mất việc làm, lao động tạm nghỉ việc, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên… Các doanh nghiệp đã phối hợp để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, đặc biệt các ngân hàng trong Khối còn tổ chức tiêm vắc-xin cho các thành viên trong gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của đơn vị.
Các ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đã triển khai các biện pháp hỗ trợ giảm lãi, phí cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền là 26.721 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành viễn thông đã triển khai các gói hỗ trợ trị giá 2.995 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành điện, xăng dầu, lương thực... trong Khối đã thực hiện giảm giá bán điện, giá bán xăng dầu, bình ổn giá lương thực cho Nhân dân trị giá hàng chục tỷ đồng; góp phần giúp Nhân dân giảm bớt khó khăn trong tình hình dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, các điều kiện làm việc, đi lại, sinh hoạt, rèn luyện nâng cao thể lực, hưởng thụ văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh; xây dựng nhiều cơ sở điều dưỡng theo hướng hiện đại, tiện ích, chất lượng cao.
Việc đầu tư, cải thiện chỗ ở cho người lao động đã thành chủ trương lớn, cấp bách được lãnh đạo và Công đoàn các cấp chú trọng chỉ đạo và triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp đã quy hoạch, xây dựng các khu nhà ở công vụ cho công nhân rất văn minh, hiện đại theo hướng khu đô thị công nhân nhà ở gắn liền với các công trình văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, trường học gần khu vực sản xuất.
Có thể khẳng định, công tác an sinh xã hội đã trở thành mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững. Các nội dung, chương trình an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ được các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối triển khai thực hiện phù hợp với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của quốc gia và đáp ứng một phần nhu cầu cần thiết của địa phương và cộng đồng.
Việc triển khai các chương trình an sinh xã hội đối với cộng đồng ngày càng được mở rộng về quy mô, đối tượng, phạm vi nhận hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, ưu tiên hỗ trợ đối tượng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí trọng điểm về an ninh, quốc phòng.
Các chương trình tài trợ, từ thiện, an sinh xã hội được thực hiện trực tiếp đến đúng đối tượng, đúng mục đích, mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc và phát huy tối đa hiệu quả; góp phần đáng kể, thiết thực giúp một bộ phận dân cư, cộng đồng các địa phương còn nhiều khó khăn tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... từng bước làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện an sinh xã hội của các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có một số thách thức, hạn chế. Nhận thức về vai trò của công tác an sinh xã hội ở không ít cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa đúng và chưa đầy đủ, còn coi công tác an sinh xã hội là trách nhiệm riêng của Nhà nước, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, vào Trung ương còn nặng nề. Việc xác định đối tượng hộ nghèo còn bất cập so với thực trạng nghèo ở địa phương.
Quy trình thực hiện đầu tư và việc giải phóng mặt bằng công trình xây dựng thường phức tạp, một số cấp ủy địa phương chưa thực sự quan tâm nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thời gian hoàn thành các công trình...
Để các doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, Đảng ủy Khối tiếp tục chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị triển khai công tác an sinh xã hội, coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài; cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, trong các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy để kịp thời lãnh đạo đơn vị; vận động, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các địa phương.
Hai là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Khối về thực hiện nhiệm vụ chính trị; trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
Ba là, phát động các phong trào thi đua chung tay vì người nghèo, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp chính quyền địa phương nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ có hiệu quả các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Bốn là, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp; vận động ủng hộ từ các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp đến cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng cuộc vận động gây Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ tín dụng cho người nghèo, người có thu nhập thấp, góp phần giảm nghèo hiệu quả; lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện của xã hội.
Năm là, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác liên quan, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.v
Lê Thị Kim Dung - Phó Trưởng Ban Dân vận
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương