Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của chính quyền địa phương

(Mặt trận) - Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng, để Đảng luôn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động; đồng thời, phát huy được sức mạnh của mỗi cá nhân và của tập thể vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng. Trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng ta luôn nghiên cứu, vận dụng, áp dụng linh hoạt sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ để phù hợp với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu về đổi mới hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, nhanh nhạy, thông suốt, cũng cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, tháng 11/2022.
ẢNH: QUANG VINH 

Khoản 4 Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: “Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân”. Đây là nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp, nguyên tắc này đề cao tính dân chủ trong hoạt động của Ủy ban nhân dân, đồng thời cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tiễn cho thấy nguyên tắc này đã bộc lộ một số bất cập như:

Một là, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; từ đó, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực (như tài nguyên môi trường, xây dựng, đất đai…) cũng quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, quá trình lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân cho thấy việc phân định thẩm quyền chung (của Ủy ban nhân dân) và thẩm quyền riêng (của Chủ tịch Ủy ban nhân dân) là rất khó, nhiều chống chéo, trùng lắp, dẫn đến nhiều trường hợp vì mong muốn giải quyết công việc nhanh mà vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ; nhưng có những trường hợp vì muốn “trú ẩn trách nhiệm cá nhân vào trách nhiệm tập thể” mà việc gì cũng đưa ra bàn, việc gì cũng họp, dẫn đến có những vấn đề sai phạm trong quản lý, điều hành nhưng khó xác định trách nhiệm để xử lý; quan trọng hơn, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, sâu xa dẫn đến hoạt động của bộ máy hành chính còn rườm rà, chưa thực sự hiệu quả.

Hai là, tính chất hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp hiện nay là nhằm quản lý xã hội, phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, chế độ lãnh đạo tập thể đòi hỏi phải họp nhiều để bàn bạc, thống nhất, có trường hợp gây lãng phí thời gian và không kịp thời giải quyết một số việc, nhất là những việc có tính cấp bách, cần thiết. Từ hệ quả này, dẫn đến hoạt động của cả hệ thống bao gồm cả các sở, ban, ngành và các cơ quan chuyên môn cấp dưới mặc dù hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng nhưng cũng có xu hướng kéo dài thời gian ra quyết định.

Ba là, sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ: Trong công tác cán bộ, Luật quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý. Nhưng trên thực tế, công tác cán bộ thực hiện theo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý, đồng thời quy trình về công tác cán bộ được quy định nhiều khâu, nhiều bước nên việc thực hiện quyền hạn về công tác cán bộ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và chưa có tính thực quyền.

Bốn là, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân các cấp theo Luật định gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên. Nhưng trong thực tế, hoạt động chỉ đạo, điều hành mọi công việc của Ủy ban nhân dân chủ yếu do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, còn các uỷ viên chỉ tham gia các phiên họp định kỳ hàng tháng của Ủy ban nhân dân chứ không có quyền quyết định; như vậy, vai trò của các uỷ viên trong hoạt động thực tiễn là rất mờ nhạt và hình thức.

Từ thực tiễn nêu trên, cần đổi mới mô hình và nguyên tắc hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng:

Thứ nhất, đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp, cần đề cao vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân

(1) Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động của Ủy ban nhân dân từ chế độ tập thể chuyển sang chế độ thủ trưởng trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể của thành viên Ủy ban để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương (thời gian qua Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất thí điểm mô hình này trên phạm vi cấp xã, phường). Theo đó, Chủ tịch quyết định vấn đề nào cần bàn bạc tập thể theo Quy chế làm việc nhưng chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ hoạt động của Ủy ban nhân dân; các Phó Chủ tịch là người giúp việc của Chủ tịch theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân và theo các quy định pháp luật có liên quan. Cơ chế này sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động hơn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; bên cạnh đó, sự đổi mới này cũng đòi hỏi chủ thể được giao quyền phải thực sự là người có năng lực, hiểu biết và thực tiễn công tác.

(2) Phân định rõ ràng, rành mạch theo hướng giảm thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và tăng thêm vai trò, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch. Cụ thể:

- Về thẩm quyền của tập thể Ủy ban nhân dân: việc bàn bạc tập thể chủ yếu là để thống nhất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại của địa phương; đồng thời bàn bạc và quyết định theo đa số những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương thuộc nhóm công việc theo quy định của pháp luật phải thông qua Hội đồng nhân dân.

- Về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Về cơ bản, ngoại trừ những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của tập thể Ủy ban nhân dân thì các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, như: các nhiệm vụ cấp bách; chương trình, kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ; các công việc điều hành, chỉ đạo, kiểm tra cơ quan chuyên môn và cơ quan hành chính cấp dưới; công tác tổ chức, cán bộ; ban hành các quyết định, chỉ thị (văn bản cá biệt) để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình…

(3) Trên cơ sở đổi mới tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để bảo đảm thống nhất về nguyên tắc giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành quy định về thẩm quyền giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Thứ hai, về các thiết chế để kiểm soát quyền lực nhà nước

(1) Phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; bỏ phiếu bất tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu.

(2) Tăng cường công tác thanh tra của cơ quan nhà nước cấp trên; vai trò kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp, và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

(3) Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

(4) Bên cạnh các yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân với tư cách là Phó Bí thư cấp ủy cũng phải chấp hành Quy chế làm việc của cấp ủy cùng cấp. Các Quy chế này đều quy định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, hoặc của Ủy ban nhân dân phải báo cáo cấp ủy trước khi quyết định. Do đó, cũng cần nghiên cứu làm rõ Quy chế làm việc của cấp ủy theo hướng phân định rõ thẩm quyền, nội dung nào phải báo cáo cấp ủy trước khi quyết định; nội dung nào Chủ tịch Ủy ban nhân dân được tự mình quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp ủy với tư cách là Phó Bí thư.

Trải qua lịch sử 92 năm thành lập và phát triển, Đảng ta luôn đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động, đây là kim chỉ nam cho sự thành công của cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đất nước ta đang chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc tập trung, dân chủ theo hướng đề cao vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của Ủy ban nhân dân; phát huy, mở rộng tính dân chủ trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp để kiểm soát quyền lực nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nguyễn Văn Hanh - Thạc sĩ, Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều