Dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng thể chiến thắng đại dịch

Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với phương châm hành động “dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân” đã nhân nên niềm tin, tạo ra sức mạnh đồng bộ, thích ứng và làm giảm dần tác hại của dịch bệnh, đưa “con thuyền” phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam dần trở lại quỹ đạo. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến động viên cán bộ, chiến sĩ làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVD-19 do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bộ Tư lệnh Thủ đô điều hành tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai. Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN 
THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Đại dịch COVID-19 đến với thế giới như một tai họa bất ngờ và đối với Việt Nam, đây càng là thời điểm không mong đợi. Công cuộc đổi mới qua hơn 35 năm đã mang lại nhiều thành quả phát triển to lớn, tạo lập cho đất nước cơ đồ và vị thế chưa từng có. Từ một nước đói nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, tổng thu nhập quốc dân GDP vươn lên hàng thứ tư Đông Nam Á. Việt Nam được cho rằng đang trong thời điểm hội tụ nhiều thuận lợi cho phát triển: Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng tạo ra sự ổn định chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân với lực lượng lao động dồi dào đa phần là người trẻ, có khát khao học tập, hội nhập, chiếm lĩnh khoa học công nghệ, lao động, làm giàu. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung và giải pháp Trung Quốc + 1 đã thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư, sản xuất đến Việt Nam, kéo theo những nhiều điều kiện thuận lợivề hội nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Nhiều dự báolạc quancho rằngquy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan vào năm 2035 và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm ở mức 7,5% thì dự kiến đến năm 2040, tổng quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp hoặc vượt qua Hàn Quốc, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 ở châu Á.

Nếu khôngcóđại dịchCOVID-19 chắc chắn năm 2021 Việt Nam là một điểm đến sôi động của du lịch, đầu tư, của tăng trưởng và những dự án kinh tế lớn.

Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta đã gây ra cho Việt Nam những tổn thương sâu sắc, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung trong nhiều mảng sản xuất, làm hạn chế cơ hội bứt phá và ngăn cản đà tăng trưởng. Theo Bloomberg, sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường chính bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc sẽ giảm 30% trong nửa cuối năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, khoảng 30-35% doanh nghiệp ngành thời trang, may mặc trong đại dịch đã phải tạm thời đóng cửa. Seafood Source cho biết ít nhất 103 nhà máy thủy sản tạm ngừng hoạt động, chỉ có 82 nhà máy thực hiện áp dụng “3 tại chỗ”. Các công ty bao gồm Samsung và Foxconn cũng đang gặp khó khăn trong việc sản xuất. Trung tâm sản xuất tại Việt Nam bị đóng cửa làm gián đoạn chuỗi cung ứng giày thể thao Nike và Adidas cho người tiêu dùng khắp thế giới, buộc các thương hiệu toàn cầu phải tìm phương án dự phòng. 

 Theo Nikkei ngày 18/8/2021, tình hình dịch bệnh đã phá vỡ kế hoạch của Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của họ chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điện thoại thông minh Pixel 6 sắp tới của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc cho dù công ty có kế hoạch chuyển sản phẩm này sang Việt Nam vào đầu năm 2020. Kế hoạch đưa một số dây chuyền sản xuất MacBook và Ipad của Apple sang Việt Nam bị tạm hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật và cung ứng; hoạt động sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh cho Amazon cũng phải đối mặt sự chậm chễ khi các dây chuyển sản xuất gặp khó khăn. Đợt dịch này đánh vào các trung tâm kinh tế và các khu vực công nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân, có thể làm giảm nhiều lợi nhuận và tính thời cơ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu thế chuyển dịch chuỗi cung toàn cầu.

ĐẦY ĐỦ NỘI LỰC VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Tuy phải đối mặt với những bất lợi như vậy, nhưng nội lực và các điều kiện phát triển của Việt Nam vẫn được giữ nguyên với nhiều ưu thế và sẽ nhanh chóng bứt phá khi có giải pháp phù hợp ngăn cản, sống chung với vius của đại dịch. Nhiều nhận định, bài viết quốc tế đã chỉ ra đại dịch COVID-19 không thể đánh bại Việt Nam. Điều này thể hiện qua các yếu tố sau:

Thứ nhất, Việt Nam có nội lực mạnh với một cộng đồng dân cư đông, gần 100 triệu dân đầy sức sống, năng động. Nhiều ý kiến cho rằng những yếu tố cơ bản giúp nền kinh tế Việt Nam có thể đối phó với những thách thức của đại dịch hiện nay là dân số trẻ và nền tảng sản xuất vững chắc. 

Warrick Cleine, Giám đốc điều hành KPMG tại Việt Nam cho rằng: “Mọi người đều trẻ và kiếm được việc làm trong một lực lượng lao động cực kỳ hiệu quả”. Michael Kolakari, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư VinaCapital, cho rằng năng lực sản xuất của Việt Nam không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Cụ thể, tiền lương ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với ở Thái Lan. Chi phí nhân công của Việt Nam cũng tương đối thấp hơn so với các tỉnh ven biển Trung Quốc, nơi tiền lương cho công nhân tăng nhanh trong thập kỷ qua. Lực lượng lao động Việt Nam cũng được đánh giá tương đối tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm chế tạo hấp dẫn các công ty đa quốc gia. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, có thu nhập ngày càng tăng giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chi tiêu cho hạ tầng trong nước tăng nhanh và các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Thứ hai, việc đối phó với đại dịch đã chứng minh bản lĩnh vững vàng của Đảng, Nhà nước, toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch ngày càng mang lại hiệu quả. 

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng điểm mạnh trong công tác chống dịch là những người đứng mũi chịu sào của Việt Nam rất có lòng với dân, có bản lĩnh và ý thức học hỏi cao từ thực tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn những biến động khắc nghiệt của tình thế. Trong việc phòng, chống dịch COVID-19, một số địa phương có bộc lộ những hạn chế nhưng đây cũng là cơ hội để củng cố, tăng cường năng lực điều hành quản lý, cùng với thực tiễn chống dịch kéo dài, sức chống chịu của các cấp chính quyền được gia tăng nhanh chóng, công tác quản lý, điều hành ngày càng trở nên năng động hơn, sẵn sàng ứng phó thích hợp với khó khăn. 

Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế nhưng luôn quan tâm đến tính mạng và sự an toàn của từng người dân, tập trung vào mục tiêu chống dịch, coi đó là mục tiêu số một. Công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh được triển khai đồng bộ, thông tin về bệnh tật được công khai minh bạch, kịp thời khuyến khích người dân chung tay với những lực lượng chức năng tham gia phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. 

Đại dịch đã làm bừng lên sức sống Việt Nam, làm sống dậy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, gắn bó tiềm ẩn trong mỗi người dân. Quan điểm an dân, lấy dân làm gốc, “khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” được phát huy cao độ, đã tạo ra sự cố kết cộng đồng, sự hỗ trợ chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những thách thức, khó khăn của đại dịch. 

Thứ ba, đại dịch cũng đã mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế, ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ số. Đây là năm đầu tiên lễ khai giảng năm học mới được triển khai trực tuyến. Điều này cho thấy những tiềm năng đổi mới mạnh mẽ gắn với công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. 

Theo công ty khảo sát và tư vấn công nghệ Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 2020-2024.Theo trang Digitimes, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới theo như mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra: “Kỹ thuật số sẽ tạo ra 30% tổng sản phẩm quốc nội so với 8% như hiện nay”. 

Việt Nam cũng được cho là có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực. Phản ứng trước đại dịch, các ngân hàng Việt Nam đang chào đón những công ty công nghệ tài chính (fintech) mới nổi, chuyển đổi công tác quản lý dữ liệu từ hồ sơ giấy tờ sang “điện toán đám mây”. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam tăng 30,7% và máy tính cá nhân tăng 18,2% trong 4 tháng đầu năm. Việt Nam được đánh giá có tầm nhìn cho bước chuyển xa hơn từ lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sang các lĩnh vực của nền kinh tế mới có giá trị tăng cao và công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng từ 47,3 tỷ USD năm 2015 lên 96 tỷ USD năm 2020, vươn từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí thứ 12 năm 2019 của các nhà xuất khẩu điện tử. Những tiến bộ về công nghệ thông tin với nguồn chất lượng nhân lực phát triển tốt, có quy trình chuẩn hóa cao đạt trình độ quốc tế và đặc biệt là giá thành phải chăng tiếp tục đưa Việt Nam lọt vào “tầm ngắm” của nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn.

Thứ tư, các hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tư do Việt Anh đã giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại trong bối cảnh đại dịch. 

Sau một năm thực hiện hiệp định EVFTA, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 (khi hiệp định chưa có hiệu lực). Theo tổ chức Economist Intelligence Unit, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trong một số khía cạnh thương mại như chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Việt Nam cũng đề ra các chính sách nhằm duy trì lợi thế chi phí sản xuất thấp. Việc Mỹ và Việt Nam đạt được thảo thuận về chính sách tỷ giá đã giúp hai nước loại bỏ “cái gai” tiềm ẩn gây bất đồng trong quan hệ song phương, giúp Việt Nam có cơ hội trở lại đà tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu, giúp Việt Nam duy trì được tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo Fitch Solution, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các khu công nghiệp Việt Nam vẫn thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài. Đại điện thương mại Mỹ cho rằng Việt Nam đã nổi lên như một “sự thay thế đáng tin cậy” trong những năm gần đây, với việc nhập khẩu cả nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp đầu vào. Bất chấp những rủi ro ngắn hạn, về trung hạn, nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng nhanh chóng nhờ những “luồng gió” thuận lợi được tạo thành từ hàng loạt động lực tăng trưởng tích cực, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng GDP và thu nhập bình quân đầu người của mỗi người dân.

Là thành viên của hơn 60 hiệp định thương mại và là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và phân tách kinh tế vẫn tiếp diễn, Việt Nam có thể chứng kiến làn sóng FDI mạnh mẽ hơn sắp tới. Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, khi mức thuế cao hơn của Mỹ đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở thành lý do chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các trung tâm sản xuất thay thế ở châu Á. Luật doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực năm 2021 đã đơn giản hóa các thủ tục và quy định việc thành lập doanh nghiệp mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thiết lập hoạt động. Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, chi phí lao động cạnh tranh, các hiệp định thương mại tự do và môi trường đầu tư cởi mở khiến Việt Nam vẫn trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng(1).

SỐNG CHUNG VỚI DỊCH, KHÔI PHỤC, BỨT PHÁ KINH TẾ

Đại dịch COVID-19 gây ra cho Việt Nam nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, hành động quyết liệt của Chính phủ và hệ thống chính trị, khủng hoảng dường như cũng là cơ hội làm bùng lên sức mạnh dân tộc, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cho những giải pháp, cải cách đột phá.

Thành công lớn nhất là công tác an dân, tạo sự thống nhất trong tình cảm, tư tưởng của mọi tầng lớp nhân dân, nhận thức rõ về các nguy cơ của đại dịch và tham gia chung tay cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác chống dịch. Việt Nam có tỷ lệ người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vaccine vào loại cao nhất thế giới. Các giải pháp an sinh xã hội, phát huy sức mạnh cộng đồng đã góp phần hỗ trợ hàng triệu người lao động gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền đã trở thành lực lượng quan trọng, động lực lan tỏa những thông tin tích cực, kể những câu chuyện đẹp, chia sẻ những tấm lòng nghĩa tình. Công tác chống dịch dường như đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhất, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sau khi hứng chịu sự tấn công dồn dập của đại dịch đã dần tìm ra các giải pháp thích ứng, giảm thiểu thiệt hại. Hà Nội bước đầu phân chia các vùng để vừa thực hiện cách ly, giãn cách truy tìm F0 ở các vùng đỏ, kết hợp từng bước mở cửa cho hoạt động sản xuất tại các vùng xanh. Thành phố Hồ Chí Minh dần hướng tới các giải pháp mở cửa, khôi phục sản xuất kinh tế. Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm đón khách du lịch có hộ chiếu vaccine và Chính phủ cũng đang nghiên cứu chỉ đạo triển khai giải pháp này đối với Phú Quốc và các địa điểm du lịch khác. Các tín hiệu khả quan cho thấy sau khi từng bước kiểm soát và thích nghi được đại dịch, Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại đà phát triển và tăng trưởng nhanh chóng. 

Giải pháp quan trọng và cần thiết nhất cho đến nay và trong thời gian tới vẫn sẽ là đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, tham gia rốt ráo thực hiện công tác ngoại giao vaccine. Việc tăng cường nhập khẩu và tiến tới sản xuất được vaccine, tăng nhanh số dân được tiêm chủng sẽ đẩy nhanh khả năng miễn dịch cộng đồng. Trong bối cảnh có thể sang tới năm 2022, Việt Nam mới có thể tiêm chủng cho 70% dân số, thì các giải pháp đối với nhóm dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccinecũng cần được quan tâm. 

Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thử nghiệm các giải pháp sống chung với virus, giống như nhiều nước phát triển hay các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Singapore đang bước đầu triển khai. Hướng đi mới, tăng cường tiêm chủng, vừa ngăn chặn, thích nghi, phân vùng và duy trì sinh hoạt, sản xuất trong dịch sẽ tạo ra tính linh hoạt cao hơn, tạo cơ hội đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế, thực hiện thành công các mục tiêu dài hạn tới năm 2030, 2045 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Theo TS. Nguyễn Phú Trường/Tạp chí Tuyên giáo  

 


(1) TTX Việt Nam: Tổng hợp Dư luận thế giới về Việt Nam tháng 7,8.2021

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều