|
“Giai điệu tự hào” thể hiện tinh thần, ý chí của con người Việt Nam. Ảnh: Mai Ngọc
|
“Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân
Vượt lên trong bão táp đã trăm lần
Mang cả bốn nghìn năm vào trận thắng
Cho Việt Nam tươi sáng mãi mùa Xuân”.
Lời bài hát như lời khẳng định, mà cũng là khẩu hiệu hành động để vượt lên những khó khăn thử thách, khẳng định vị thế và tầm vóc Việt Nam đã đánh và đánh thắng hai đế quốc và các thế lực xâm lược, và ngay trên mảnh đất thấm máu quân thù hoa đã nở… Sau 37 năm đổi mới, xây dựng và phát triển vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, được bạn bè thừa nhận: như bà Amy Searight, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS khẳng định: Thành công to lớn của Việt Nam ngày càng được công nhận trên trường quốc tế. Việt Nam có nền kinh tế phát triển, có lực lượng lao động hiệu quả, có dòng vốn đầu tư lớn vì lực lượng nhân công có trình độ. Việt Nam có những chính sách kinh tế tốt, bên cạnh đó còn là nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và có tiềm năng rất lớn.
Đã lâu lắm rồi, chúng ta mơ về 1 Huy chương vàng bóng đá Sea Game - một giải đấu khu vực vừa sức của chúng ta; cũng tại Sea Game 30 (năm 2019) tổ chức tại Philippines, bóng đá Nam đã giành Huy chương vàng, mà lại cả bộ Huy chương vàng bóng đá nam và Huy chương vàng bóng đá nữ. Chúng ta cũng đã giành ngôi vị Á quân tại Thường Châu, Trung Quốc trong giải U23 Châu Á - Khẳng định sự vươn lên vượt khỏi “ao làng” Sea Game.
Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực tế, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế”.
Và ngày 11/10/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của hệ thống Liên hợp quốc. Và tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022), Việt Nam được đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm Việt Nam - khẳng định và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu khẳng định tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập. Tổng Thư ký cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực, nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực trụ cột, trong đó có việc đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Tổng Thư ký khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; kỳ vọng Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình tại Liên hợp quốc, đóng góp trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; ủng hộ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ nhà, chủ trì tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn về biển và đại dương thời gian tới... Đầu tháng 11/2023, Việt Nam vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khóa 42, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế và cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động ứng cử và đảm nhiệm tốt vai trò quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 nhiệm kỳ 2022 - 2023; thành viên Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (nhiệm kỳ 2022 - 2025)... Một bước tiến mới gần đây là Việt Nam đã đề cử một số chuyên gia ứng cử, được các nước tín nhiệm bầu và đảm nhiệm xuất sắc cương vị thành viên một số cơ quan tổ chức quốc tế quan trọng như thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ: 2017 - 2022 và 2023 - 2027), thành viên Ủy ban pháp lý và kỹ thuật Cơ quan quyền lực đáy đại dương (nhiệm kỳ 2023 - 2027), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO (hai nhiệm kỳ: 2018 - 2021 và 2021 - 2024)… và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng và thành công. Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”1.
Đảng ta luôn khắc sâu và thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - thể hiện rõ nét trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; và để cụ thể hóa hơn nữa, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp đó, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII.
Nghị quyết Đại hội XIII đúc kết: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "Dân là gốc"; và Nghị quyết Đại hội XIII đã kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng được khẳng định từ các Đại hội trước về vị trí, vai trò và nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”2.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn kết là sức mạnh: Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với ngoại giao cây tre Việt Nam “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”- năm 2023 có thể khẳng định là một năm đặc biệt thành công của Việt Nam nói chung, và ngoại giao Việt Nam. Cùng với nhiều thành công mà Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 chỉ ra, chỉ riêng địa vị chủ nhà liên tiếp đón Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden tới thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023, xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Và đầu tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Kết quả hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng vào phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, nâng tầm quan hệ hai nước trong thời kỳ mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn đã phát triển rất mạnh, rất thành công, tạo không gian, dư địa phát triển cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam cân đối và vững chắc. “Với những thành tựu to lớn đã đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội…, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”3.
Chú thích:
1. Trích bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34.
3. Trích Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đào Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên