Gia đình Việt Nam truyền thống có sự gắn bó về tình cảm, theo huyết thống, bảo lưu các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ, phát huy gia phong, gia đạo. Các thành viên trong gia đình phải biết gắn kết, giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dục thế hệ trẻ, trên kính dưới nhường, đền đáp công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Bởi vì, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là đạo đức gốc. Muốn vậy, cha mẹ phải thực hiện tốt trách nhiệm, bổn phận của mình và với người khác, biết tuân thủ pháp luật của Nhà nước về gia đình.
Kiên quyết phê phán những thói hư tật xấu, những hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức, vi phạm quyền sống của con người trong các thành viên gia đình cũng như ngoài xã hội. Phấn đấu xây dựng gia đình hiện đại, hạnh phúc.
Nếu ngày xưa Đỗ Phủ nói ''Nhân sinh thất thập cổ lai hi'' thì ngày nay người sống đủ ''Trăm năm trong cõi người ta'' cũng không phải là hiếm. Người xưa lấy ''Tam tứ đại đồng đường'' là điều hạnh phúc, hãnh diện, tự hào về gia thế, nếp nhà thì ngày nay, chân lý ấy cũng phải xét lại trên nhiều khía cạnh.
Giả thiết mỗi gia đình hiện đại chỉ có 2 con, chúng ta thấy một đôi vợ chồng có tuổi từ 22 - 25 có thể có con, trong khi bố mẹ họ 44 - 45 tuổi và ông bà họ chỉ 65 - 67 tuổi. Như thế, gia đình ấy tồn tại bốn thế hệ. Mười lăm năm sau, bốn thế hệ trong gia đình ấy có độ tuổi 80 - 82; 59 - 60; 37- 40 và 10 đến 15 tuổi.
|
Gia đình Việt Nam rất gắn bó về tình cảm, theo huyết thống, bảo lưu các truyền thống văn hóa.
Ảnh: Quang Vinh.
|
Thông thường một đôi vợ chồng sau khi cưới phải sống chung và có trách nhiệm với cha mẹ cũng như nuôi dạy con cái ít nhất 25 đến 30 năm. Người 75 - 80 tuổi có tâm lý, nhu cầu, sở thích khác với người 55 - 60 tuổi, rất khác với người 35 - 40 tuổi và hoàn toàn khác với tuổi 15 -17.
Những cái khác nhau đó lại gần gũi, hàng ngày từ giấc ngủ, miếng ăn, sự nghỉ ngơi, thưởng thức, vui chơi giải trí, cách đánh giá một vấn đề sự kiện xảy ra trong đời sống thường nhật, cho đến cách đối nhân xử thế.
Người 50 - 55 tuổi chưa già, có cha mẹ 75 - 80 tuổi còn khoẻ mạnh nhưng tâm lý đã thay đổi thất thường, hay bực dọc đòi hỏi, trong khi con cái họ 20 - 25 tuổi khoẻ mạnh, thông minh nhưng còn đầy dại khờ, bồng bột.
Những mâu thuẫn thường thấy nhất là sự không dung hoà về nhu cầu, ý thích cá nhân trước một vấn đề cụ thể như: ăn, ở, mặc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí...). Và điều thường xảy ra là, người trên áp đặt ý thích, nhu cầu của mình cho ''kẻ dưới'' cùng những bài học về luân lý, đạo đức, kinh nghiệm sống của ngày xưa.
Thật đáng tiếc cái kinh nghiệm của ngày xưa không phải bao giờ cũng áp dụng được với hôm nay và ngay cả các thang giá trị đạo đức qua từng thời kỳ cũng luôn biến đổi. Nếu người dưới hoàn toàn phục tùng người trên thì ít nhiều đời sống tự do cá nhân của họ đã bị xâm phạm và họ cũng không còn là họ tồn tại như một khách thể tự nhiên trong thế hệ họ nữa. Nếu người dưới ''bất tuân thượng lệnh'' thì người trên đau khổ, than vãn, oán trách. Với các cụ, con cháu đã trở nên bất hiếu, khó bảo, ''cá không ăn muối cá ươn''.
Thế còn lớp trẻ với những hành động bồng bột, sốc nổi của họ thì sao? Nếu các bậc cao niên phải chịu đựng họ thì tuổi già không được tự do, thanh thản nữa.
Còn nếu chẳng ai chịu ai thì mâu thuẫn thế hệ đã bị đẩy lên đỉnh điểm giữa những người ruột thịt trong gia đình. Họ luôn làm khổ mình và tự làm khổ nhau, chịu đựng nhau. Cả hai, ba, bốn phía đều không thể chịu đựng nổi nhau, nhưng vẫn phải sống cạnh nhau. Như thế, không thể gọi là gia đình hoà thuận được.
Đó là chưa kể thế hệ trên dưới tuổi ''tri thiên mệnh'' phải chịu sức ép cả từ hai, ba phía đều là ruột thịt. Đó là sự oán trách, hờn giận, khó tính của cha mẹ già và sự đòi hỏi, ngông nghênh thái quá của con trẻ. Họ phải chịu áp lực từ các phía cha mẹ, con cái và cháu chắt họ như một bi kịch về sự mâu thuẫn các thế hệ trong một gia đình. Và như thế, gia đình không thể trở thành mái ấm hạnh phúc của mỗi thành viên. Từ trong mỗi gia đình đã không có được sự hòa thuận, đoàn kết thân thương thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng, xã hội và lớn hơn là quốc gia, dân tộc.
Chúng ta đều biết, yếu tố gia đình là vô cùng quan trọng đối với mỗi thành viên. Với người cao tuổi, đã nghỉ hưu, đó là niềm vui, nguồn an ủi, nơi tĩnh dưỡng lúc tuổi đã xế chiều, ngả bóng.
Đối với những người trung niên, trụ cột một gia đình, đó là nơi được nghỉ ngơi, lấy lại sức khoẻ, tinh thần sau những hành trình mệt mỏi trong cuộc mưu sinh. Là nơi giải toả những mâu thuẫn, ẩn ức ở cơ quan công sở, hay những vướng mắc khó khăn trong chuyện làm ăn.
Còn đối với lớp trẻ, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ khi còn nằm trong nôi, đứa trẻ đã bắt đầu tiếp thu tình cảm, sự nâng niu, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ. Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Gia đình cũng là nơi hình thành nhân cách, nhân sinh quan, thế giới quan của con người trước tất cả các yếu tố khác sau này như trường học, đoàn thể, cơ quan, xã hội.
Ngày nay, ở cả thành thị và nông thôn đều có xu hướng tách các gia đình lớn thành những gia đình nhỏ, thường là gia đình hai thế hệ. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là các gia đình hai thế hệ hết mâu thuẫn vì mâu thuẫn vợ chồng, anh chị em lại là mâu thuẫn giữa các cá thể trong cùng một thế hệ. Vả lại, trong điều kiện khó khăn về quỹ nhà ở hiện nay thì việc ba bốn thế hệ, ba bốn gia đình nhỏ ở chung một mái nhà vẫn còn khá phổ biến.
Hơn nữa, ngay cả những gia đình có điều kiện kinh tế, thì người già vẫn muốn sống chung với con cái như một nhu cầu tình cảm, cũng như sức khoẻ của mỗi con người cần được quan tâm chăm sóc lúc tuổi già.
Còn thế hệ thanh thiếu niên chưa sống tự lập, dù muốn hay không vẫn phải dựa vào gia đình do bố mẹ nuôi nấng, chu cấp cho các nhu cầu học tập, vui chơi, sinh hoạt và uốn nắn, dạy dỗ, điều tiết trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Thực tế cho thấy rất nhiều hậu quả đau lòng xảy ra lại bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong mỗi gia đình, bất kể nông thôn hay thành thị.
Trong mỗi gia đình ngày xưa yếu tố "gia phong, gia pháp" luôn được đề cao và có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình, họ tộc. Nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng, hiếu học, danh gia vọng tộc luôn luôn giáo dục con cái đức tính hiếu học, thẳng thắn, trung thực, lễ phép, thuỷ chung, ưa làm việc nghĩa.
Con cái của những dòng họ ấy thường rất tự hào về truyền thống gia tộc, biết giữ gìn phát huy mỹ tục, gia phong để rèn luyện phấn đấu và nhiều người đã thành đạt, có công lao đóng góp với quê hương, đất nước. Những kẻ sống sa đoạ, mất nhân cách, đạo đức bị họ tộc lên án và trừng phạt.
Ngày nay, gia phong, gia pháp có thể hiểu như quy ước, nền nếp truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình. Trong xã hội ta không thiếu tấm gương về những gia đình có nề nếp tốt. Trong những gia đình ấy, ông bà, bố mẹ, biết giữ gìn đạo đức, uốn nắn dạy dỗ con cái hướng thiện từ nhỏ, chăm chỉ tu dưỡng rèn luyện, học hành thành đạt.
Không phải trong những gia đình ấy không có vấn đề mâu thuẫn thế hệ, không có bất đồng sở thích, lối sống hay chính kiến. Vấn đề cơ bản là trong các gia đình ấy, người trên (ông, bà, bố, mẹ) sống mẫu mực, nêu gương tốt cho con cháu noi theo. Con cháu được uốn nắn, dạy dỗ, quan tâm chăm sóc từ nhỏ có ý thức thương yêu đùm bọc lẫn nhau và hiếu thảo với ông, bà, cha mẹ, tổ tiên.
Mỗi người biết tôn trọng những thói quen, sở thích ý muốn cá nhân của người khác. Quyền tự do cá nhân của mỗi người được tôn trọng. Đó chính là những yếu tố căn bản, quan trọng đầu tiên chế ngự những mâu thuẫn nội tại trong mỗi gia đình để có một gia đình thuận hoà, hạnh phúc.
Một lẽ tự nhiên, mỗi cá nhân trước hết phải biết thương yêu, đối xử tốt với những thành viên trong gia đình mình thì mới có thể đoàn kết, thân ái, giúp đỡ người khác trong xóm làng, khối phố "tắt lửa, tối đèn có nhau" và trở thành một công dân tốt, biết thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình với quốc gia cũng như với cộng đồng.
Vì vậy, chúng ta đều phải nhớ rằng, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình và xã hội là quy luật tất yếu ở mọi quốc gia, dân tộc và qua mọi thời đại. Điều cốt yếu ở đây là phải hiểu quy luật, đừng đổ lỗi cho tuổi già cũng như tuổi trẻ, vì ai cũng có một thời của mình.
Trẻ tôn trọng già cũng là để tôn trọng mình trong tương lai. Già tôn trọng trẻ là tự tôn trọng chính mình trong quá khứ. Cần cảm thông với người già, nhưng cũng phải tin tưởng, cảm hoá chia sẻ với thế hệ trẻ.
Mọi thế hệ đều phải có trách nhiệm chế ngự, dung hoà những sở thích ý muốn cá nhân trái ngược nhau, nhất thiết không áp đặt. Người già cần bao dung, độ lượng với tuổi trẻ, mà người trẻ cũng cần kiềm chế, cảm thông với tuổi già. Đó chính là những yếu tố căn bản để có gia đình hạnh phúc, là tổ ấm của mỗi thành viên. Đó cũng là nền tảng cơ bản vững chắc xây dựng một xã hội hạnh phúc là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Nguyễn Tuấn Anh - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.