Đoàn giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện các dự án kinh tế, xã hội tại Bù Gia Mập.
Trong 2 ngày 14 và 15/8, đoàn đã giám sát tại xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa và huyện Bù Gia Mập. Các xã báo cáo về tình hình triển khai các dự án kinh tế, xã hội được đầu tư trên địa bàn từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017. Theo đó, trên địa bàn xã Đắk Ơ đã triển khai 18 dự án do UBND xã là chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 20,2 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015 là 7 dự án, năm 2016 là 7 dự án và năm 2017 là 4 dự án. Tính đến nay, hầu hết các công trình, dự án đã hoàn thành, còn lại 4 công trình đang trong giai đoạn thi công gồm: Xây dựng trường THCS Đắk Ơ, láng nhựa đường giao thông nông thôn (GTNT) từ ngã 3 Bù Ka vào hội trường thôn Bù Ka, xây dựng 2 phòng học trường mẫu giáo Ánh Dương và xây dựng nhà tạm giữ công an xã. Đối với xã Phú Nghĩa, tính từ năm 2015 đến nay, tổng số dự án kinh tế, xã hội do UBND xã làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện là 33 dự án. Trong đó, đã có 31 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Riêng 2 dự án: Láng nhựa đường GTNT thôn Phú Nghĩa và đường tổ 3, thôn Tân Lập đi tiểu khu 119 vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn. Riêng huyện Bù Gia Mập, tính từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 20 dự án kinh tế, xã hội do đơn vị này làm chủ đầu tư. Trong đó năm 2015 thực hiện 7 dự án, 2016 thực hiện 8 dự án và 6 tháng đầu năm 2017 thực hiện 5 dự án. Tuy nhiên hiện trên địa bàn xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập), tổng nợ đọng các công trình đầu tư xây dựng từ năm 2015 đến nay là hơn 2,253 tỷ đồng, trong đó nợ từ nhân dân đóng góp là 504,05 triệu đồng. Xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), tổng nợ đọng các công trình đầu tư từ năm 2015 đến nay là 4,214 tỷ đồng, trong đó nợ từ nhân dân đóng góp là 2,348 tỷ đồng, còn lại là ngân sách nhà nước. Để hạn chế tình trạng nợ đọng, ông Đặng Xuân Tính yêu cầu xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa và huyện Bù Gia Mập phải giải quyết số nợ tồn đọng để quyết toán các công trình; không nên chạy theo thành tích hay vì áp lực hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới rồi để xảy ra sai phạm.
Đoàn giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện các dự án kinh tế, xã hội tại xã Tiến Thành (thị xã Đồng Xoài)
Trong hai ngày 16 và 17/8, đoàn tiếp tục giám sát tại phường Tân Phú, xã Tiến Thành và thị xã Đồng Xoài.
Tính từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đã triển khai thực hiện 248 dự án, với tổng kinh phí 535,19 tỷ đồng (nhân dân đóng góp khoảng 24,159 tỷ đồng). Riêng địa bàn phường Tân Phú có 24 dự án do UBND phường làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện. Trong đó, có 13 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Xã Tiến Thành triển khai thực hiện 6 dự án do UBND thị xã làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 44,291 tỷ đồng và 47 dự án do UBND xã làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng. Trong 47 dự án do UBND xã đầu tư thì 45 dự án có nguồn vốn đóng góp từ nhân dân và tất cả dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Còn 2 dự án đang triển khai thực hiện.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, hầu hết các xã, phường, huyện thị được giám sát khi triển khai thực hiện đề án đều đảm bảo theo thiết kế, dự toán, không có công trình nào đội vốn. Trong quá trình thi công dự án, MTTQ Việt Nam các xã, phường cùng với cộng đồng dân cư ở các thôn, ấp tham gia giám sát từ việc lựa chọn gói thầu cho đến thi công, nghiệm thu theo quyết định. Vì vậy, đa số các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Đây được xem là tiền đề giúp các xã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, ở một số nơi, do công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án. Cụ thể như: Dự án láng nhựa đường GTNT từ tổ 3 thôn Tân Lập đi tiểu khu 119 do UBND xã Phú Nghĩa làm chủ đầu tư và triển khai năm 2015 với mức vốn khoảng 2,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 887,8 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, xã đã để xảy ra một số sai sót như: Việc lập hồ sơ mời thầu, xét thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu chưa đúng theo quy định; huy động vốn trong dân chưa đạt theo quy định (huy động được 141/887,8 triệu đồng); chậm tiến độ. Năm 2016, khi láng nhựa đường GTNT tại thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa cũng mắc sai phạm như: Thi công không đảm bảo về mặt kỹ thuật theo quy định. Phê duyệt dự án vượt quá nguồn vốn được phân cấp. Việc huy động nguồn vốn trong dân không đạt theo quy định (đạt 0,36/25%). Trình tự thủ tục trong công tác đầu tư còn thiếu sót. Ngoài ra còn một số dự án sai phạm khác như công trình đường GTNT thôn Bù Tam (xã Phước Minh) thi công thiếu khối lượng.
Đoàn giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện các dự án kinh tế, xã hộị trên địa bàn thị xã Đồng Xoài.
Bên cạnh đó, một số xã đã có những sáng kiến, cách làm hay như: Thành lập các ban, tổ giám sát cộng đồng, đồng thời công khai minh bạch về dự án từ khâu đầu tư cho đến quyết toán. Đơn cử như UBND xã Tiến Thành, “mỗi dự án chúng tôi đều công khai kinh phí, kế hoạch đầu tư, kế quả chọn nhà thầu, biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng, biên bản quyết toán. Hình thức công khai được xã ghi trên bảng tin, hệ thống loa truyền thanh của xã để nhân dân cùng theo dõi”, ông Vũ Văn Mười, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thành (thị xã Đồng Xoài) cho biết. Hay UBND phường Tân Phú (thị xã Đồng Xoài), trong hơn 2 năm qua, phường đã triển khai 24 dự án nhưng không dự án nào xảy ra sai phạm. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND phường Tân Phú cho biết: Khi có dự án có nguồn đóng góp của nhân dân, phường tổ chức họp lấy ý kiến của người dân về mức đóng góp và hình thức làm. Nơi nào có sự đồng thuận của nhân dân cao thì làm trước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và chất lượng dự án, phường đã thành lập Ban quản lý dự án chung của xã và mỗi dự án cụ thể, phường đều thành lập một tổ giám sát cộng đồng, trong đó có sự tham gia của người dân.
Từ thực tế giám sát, ông Đặng Xuân Tính, Phó Vụ trưởng Vụ 8 đề nghị các huyện, thị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và các Ban Thanh tra nhân nhân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Thông qua đó, nhằm giúp nhằm giúp xã, phường, huyện, thị kịp thời phát hiện những sai phạm để có hướng giải quyết, tránh gây thất thoát cho Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Lê May