GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Thịnh sinh ngày 1.9.1951 tại phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức có 6 anh chị em. Ông trở thành sinh viên Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1968.
Trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã xếp bút nghiên để lên đường ra trận vào năm 1972. Nhập ngũ, ông trở thành chiến sĩ thuộc đơn vị C1, D64, E236, F361, bộ đội tên lửa, chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa (1972-1973). Kết thúc chiến tranh, ông phục viên và trở lại trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiếp tục học tập và nhận bằng Cử nhân Địa lí vào năm 1976.
Tốt nghiệp đại học với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, ông được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Địa lí từ năm 1976. Từ năm 1983 - 1988, ông được cử sang Bungari làm nghiên cứu sinh chuyên ngành địa lí kinh tế - xã hội. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ), ông trở về nước để tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988.
Từ đó, ông đã trải qua các chức vụ quản lý như Phó Trưởng Khoa Địa lí (1991-1992), Trưởng Bộ môn Địa lí Kinh tế - Xã hội (1992-1999), Trưởng Khoa Địa lí (1999-2006), Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (2006-2012).
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh là Đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (2007-2011), Chủ tịch Hội đồng bộ môn Địa lí của Bộ GD-ĐT(2000-2003), Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ (2009 - 2017) và Phó Chủ tịch Hội Địa lí Việt Nam (từ năm 2015 đến nay).
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh là một nhà sư phạm mẫu mực và có công lao to lớn đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ông say mê địa lí và luôn đau đáu làm sao để môn Địa lí được thầy và trò yêu thích, có vị trí xứng đáng trong nhà trường.
Trong quá trình công tác, ông đã giảng dạy nhiều học phần cho bậc đại học và sau đại học, trong đó có những học phần do chính ông xây dựng chương trình, phát triển giáo trình và giảng dạy trong nhiều năm. Ông để lại dấu ấn của một tài năng sư phạm thông qua các bài giảng về địa lý kinh tế - xã hội đại cương và địa lí học hiện đại ở bậc đại học, các bài giảng về Lịch sử và Phương pháp luận của Địa lí học, Phương pháp nghiên cứu địa lí kinh tế - xã hội, Ứng dụng GIS trong nghiên cứu và giảng dạy địa lý ở bậc sau đại học.
Ông cũng tham gia đào tạo sau đại học cho Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Vinh và Đại học Tây Bắc. Trong phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về ngành địa lí và giáo dục địa lí, ông đã hướng dẫn 22 nghiên cứu sinh thực hiện và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, hướng dẫn 3-5 học viên thực hiện và bảo vệ luận văn Thạc sĩ mỗi năm. Ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ (2009 - 2017), sau đó là Ủy viên của Hội đồng Giáo sư liên ngành này.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đã chủ trì và trực tiếp tham gia phát triển chương trình đào tạo giáo viên của Khoa Địa lí và của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các chương trình đào tạo chuyên ngành Sư phạm Địa lí cho các trường đại học sư phạm, các chương trình bồi dưỡng giáo viên Địa lí của cả nước.
Đối với giáo dục phổ thông, ông đã từng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng bộ môn Địa lí của Bộ GD-ĐT (2000-2003) và nhiều trọng trách khác trong biên soạn, thẩm định chương trình và tài liệu bồi dưỡng giáo viên, chương trình và sách giáo khoa môn Địa lí.
Ông là thành viên Tiểu ban biên soạn chương trình môn Địa lí, thuộc Dự án Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) của Bộ GD-ĐT, chủ trì chương trình môn Lịch sử và Địa lí THCS năm 2018, tổng chủ biên và chủ biên nội dung Địa lí bộ sách giáo khoa Lịch sử - Địa lí bậc trung học cơ sở.
Tài năng sư phạm, phong cách mô phạm, tấm gương tự học và tận hiến của GS.TS Nguyễn Viết Thịnh có ảnh hưởng rất to lớn đối với các thế hệ học trò và đồng nghiệp. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu với các đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp trẻ trong Khoa Địa lí, kể cả việc mở các lớp tập huấn ngắn ngày về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm khác nhau trong nghiên cứu và giảng dạy Địa lí.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ (tiếng Bungari, tiếng Nga và tiếng Anh) và có thể giao tiếp được bằng 2 ngoại ngữ khác (tiếng Pháp và tiếng Trung). Với ông, ngoại ngữ là chìa khóa để nâng cao năng lực chuyên môn và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Vì thế, ông luôn động viên và khích lệ các đồng nghiệp trẻ học tập để nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu và giáo dục địa lí kinh tế - xã hội
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh là nhà khoa học uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu và giáo dục địa lí kinh tế - xã hội. Ngoài hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về địa lí kinh tế - xã hội, ông còn tập trung vào nghiên cứu phát triển phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu địa lí, các phương pháp định lượng trong nghiên cứu địa lí kinh tế - xã hội. Ông đã chủ trì 1 đề tài cấp Nhà nước, 10 đề tài cấp Bộ và tương đương.
Các công trình nổi bật do ông chủ trì là đề tài cấp Nhà nước “Biên soạn Bách khoa toàn thư Địa lí học và Địa lí thế giới (Quyển 6)” trong Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam; đề tài cấp thành phố Hà Nội “Biên soạn Bách khoa thư Địa lí Hà Nội, phần Hà Nội mở rộng” trong Đề án Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn 2; đề tài cấp Bộ “Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy địa lí kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay”, “Đổi mới phương pháp đào tạo tại Khoa Địa lí - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”; đề tài hợp tác với Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị Na Uy (NIBR) về “Sự thay đổi của nghề cá Việt Nam trong những năm 1990”.
Ông còn là thành viên chính của một số đề tài cấp Nhà nước khác: đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên (TN3/T08)”, đề tài “Xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững theo lĩnh vưc và theo lãnh thổ vùng Tây Bắc (TB.25X/13-18)”. Các công trình nghiên cứu của ông không chỉ có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển khoa học và giáo dục địa lí, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông cũng là chủ biên và tác giả của 9 bộ giáo trình và 5 đầu sách chuyên khảo. Trong số này phải kể đến các giáo trình “Dân số, tài nguyên, môi trường”, “Địa lí kinh tế - xã hội đại cương”, “Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam” (2 tập), “Ứng dụng ArGIS trong nghiên cứu và giảng dạy địa lí”; các sách chuyên khảo “Phân kiểu kinh tế - xã hội cấp tỉnh và cấp huyện Việt Nam”, “Phát triển bền vững lãnh thổ Tây Nguyên: Đánh giá và giải pháp”, “Bách khoa thư Hà Nội - Phần Hà Nội mở rộng, tâp Địa lí”, “Địa lí Hà Nội” và “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”.
Cụm công trình “Nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam” do ông làm đồng tác giả đã được nhận Giải thưởng Khoa học Nhà nước năm 2000. Ông là tác giả của hơn 50 bài báo đăng trên các tạp chí, kỉ yểu hội thảo khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Ông còn là chủ biên, tác giả của một số đầu sách giáo khoa địa lí và nhiều đầu sách tham khảo, sách bài tập địa lí ở bậc giáo dục phổ thông.
Với Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh cùng lãnh đạo Khoa để lại dấu ấn đậm nét trong chiến lược phát triển một đơn vị nghiên cứu địa lí hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực ngành địa lí có chất lượng cao của đất nước, từng bước hội nhập quốc tế. Ông đã huy động được các nguồn lực khác nhau, trong nước và ngoài nước, để phát triển năng lực của đơn vị. Đội ngũ cán bộ của Khoa được bổ sung, các cán bộ trẻ luôn được khích lệ và tạo điều kiện để nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ.
Ông là người đặt nền móng cho sự ra đời bộ môn mới - Bộ môn Bản đồ, Viễn thám và GIS cùng chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Bản đồ, Viễn thám và GIS. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm Địa lí Ứng dụng và là Giám đốc của Trung tâm này.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và đào tạo. Công tác đào tạo được đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp. Nghiên cứu khoa học được thúc đẩy thông qua việc thực hiện đề tài các cấp, đề tài và dự án hợp tác với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Cơ sở vật chất - kĩ thuật hiện đại, nhất là hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, được đầu tư để phục vụ nghiên cứu và đào tạo.
Dấu ấn trong việc xác định tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ở cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2006-2012), GS.TS Nguyễn Viết Thịnh cùng tập thể lãnh đạo nhà trường đã để lại dấu ấn trong việc xác định tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của nhà trường. Cụ thể: đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ là trường đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới với các giá trị cốt lõi “Mô phạm - Sáng tạo - Cống hiến”.
Để đạt được mục tiêu đó, ông cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ và nhân viên nhà trường đã xây dựng được khối đại đoàn kết, huy động được các nguồn lực tổng hợp, phát huy được sức mạnh tập thể. Nhờ vậy, năng lực của nhà trường, từ nguồn nhân lực và cơ cấu tổ chức đến đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cảnh quan và cơ sở vật chất đều có những tiến bộ đáng kể.
Phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện cơ cấu tổ chức luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển nhà trường của Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh. Trong nhiệm kì Hiệu trưởng của ông, nhiều lượt cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách từ Dự án Đại hoc giai đoạn 2 - TRIG, Đề án 322 và Đề án 911.
Giáo sư đã chủ trương và triển khai thành lập hoặc nâng cấp nhiều đơn vị mới trong trường nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức của một Trường Đại học Sư phạm trọng điểm, đáp ứng nhu cầu xã hội và phát huy tối đa năng lực đội ngũ. Nhà trường đã phát triển Khối Phổ thông Chuyên Toán thành Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, thành lập Khoa Công tác Xã hội và Khoa Triết học trên cơ sở Khoa Giáo dục Chính trị và Khoa Giáo dục Đặc biệt, thành lập Trường Mầm non Búp Sen Xanh.
Về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh đã quan tâm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ông cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều chuyên gia nước ngoài được mời hoặc tình nguyện đến giảng dạy tại trường (Khoa Giáo dục Đặc biệt, Khoa Địa lí).
Đặc biệt, trong khuôn khổ Đề án 322, Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh đã chỉ đạo triển khai mô hình đào tạo thạc sĩ đạt chất lượng quốc tế với 2 giai đoạn: M1 và M2 tại Khoa Toán - Tin. Trong đó, giai đoạn M1 học viên học tập trong nước, M2 học tập tại nước ngoài. Đây là mô hình độc đáo, vừa giúp đào tạo cán bộ trẻ, vừa thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế chủ động của nhà trường.
Hình thức đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên được mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục trong cả nước. Nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh bằng những chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị cho các trung tâm nghiên cứu. Các giáo sư được trang bị phòng làm việc riêng, cán bộ trẻ và nghiên cứu sinh được Nhà trường hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài cấp trường.
Về công tác hợp tác quốc tế, Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh đã đề xuất chủ trương hội nhập chủ động (tự hội nhập). Theo đó, trường chủ động nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của khu vực và thế giới. Cán bộ của trường được khuyến khích chủ động tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Cán bộ có báo cáo tại các hội thảo quốc tế sẽ nhận được hỗ trợ 50% kinh phí vé máy bay. Nhiều hợp tác với các tổ chức quốc tế được nâng tầm và đi vào thực chất.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành trung tâm kết nối với UNESCO khu vực về ứng dụng công nghệ thông tin, về giáo dục phát triển bền vững. Vì thế, nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên do UNESCO tổ chức đã được ưu tiên giành cho nhà trường. Trường cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam nhận được tài trợ của UNESCO khu vực về hai hệ thống bảng tương tác của Promethean. Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh đã thay mặt nhà trường sang trao tặng Bằng Tiến sĩ Giáo dục danh dự cho Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen của Vương quốc Campuchia.
Về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở vật chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải giải quyết nhiều bất cập trong giai đoạn 2006-2012 như tình trạng đan xen công trình với Đại học Quốc gia Hà Nội, phân định ranh giới với cư dân xung quanh chưa rõ ràng, có xu hướng hình thành một số lô đất “kẹt” với cư dân, thiếu hội trường đa năng, sân vận động xuống cấp.
Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh đã chỉ đạo quyết liệt để quy hoạch lại cảnh quan của trường. Trong nhiệm kì Hiệu trưởng của ông, trường đã khởi công xây dựng mới Hội trường đa năng (Hội trường 11/10) và Nhà Kí túc xá A12; cải tạo, nâng cấp tổ hợp Sân vận động và Nhà thi đấu; quy hoạch đất để xây dựng Công trình nhà Trung tâm Học liệu và Chuyển giao công nghệ.
Nhà hoạt động xã hội có những đóng góp tích cực
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh cũng là một nhà hoạt động xã hội có những đóng góp tích cực. Với tư cách là Đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đã có những ý kiến phản biện liên quan đến các vấn đề giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những ý kiến phản biện của ông bắt nguồn từ những trải nghiệm sống động trong thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu và quản lí. Với tư cách là Hội viên, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Hội Địa lí Việt Nam, ông có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của một hội nghề nghiệp, nâng cao vai trò và vị thế của mạng lưới các nhà khoa học địa lí Việt Nam.
Ông là người có công lao to lớn trong việc tổ chức Hội thảo quốc tế Địa lí Đông Nam Á - SEAGA 2010 với chủ đề “Nhận thức về sự thay đổi không gian, nơi chốn và văn hoá ở châu Á”. Đây là hội thảo quốc tế của Hiệp hội các nhà địa lí Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Chiến sĩ thi đua (1973, 1974), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (2011), Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2011, 2015-2018), Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (2018), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2019).
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào năm 2010. Năm 2020, ông được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Nhà nước phong tăng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.