Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tìm hiểu đời sống người dân tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), huyện có đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất cả nước, ngày 8/1/2017. - Ảnh: VGP
Kỳ họp Quốc hội thứ 8 diễn ra vào mùa đông năm ngoái, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào, “chúng ta hãy nhìn dáng vẻ, tâm thế người công nhân, đời sống thực tế của họ. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà ở quê chăm sóc, trong khi có cha mẹ nào nỡ lòng xa con…”
Hay như vào thời điểm 8 năm trước, năm 2012 là năm có tốc độ tăng trưởng GDP lao dốc, đại biểu Võ Thị Dung chảy nước mắt khi dẫn lại 4 câu văn vần lưu truyền trong nhân gian khi đó, “sáng ra đường thì lo ngập lụt/ trưa đang chạy thì lại cháy xe / chiều buông xuống dịch bệnh bủa vây / đêm thảng thốt sắp tăng rồi phí… Nghe dân ca thán mà đau”…
Năm tháng qua đi, sau mỗi lần ở Nghị trường nước mắt rơi xuống, cuộc sống của người dân đỡ lao đao hơn khi Chính phủ ngày càng thấm thía hơn về việc nỗ lực bao nhiêu cũng là chưa đủ đầy trách nhiệm trước dân.
“Rất cần quyết liệt, khát vọng, ý chí và cũng rất cần có lòng trắc ẩn thương dân thì đất nước mới vững bước tiến nhanh về phía trước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự nhắc mình như vậy.
Khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ mới, năm 2016, ông nói, “có rất nhiều việc Chính phủ phải làm trong nhiệm kỳ mới này, nhưng việc trước hết, đó là cải thiện cho được đời sống của nhân dân, không để cho Nghị trường còn những giọt nước mắt phải rơi xuống”.
Việt Nam chưa giàu ngay, giàu nhanh nhưng cảm nhận về hạnh phúc thì có thể đến ngay, đến nhanh khi người dân mỗi sáng mai thức dậy đều có thể mỉm cười vì thấy không ai bị bỏ lại. Bởi vậy, liên tục trong những năm qua, dù ngân sách ngặt nghèo, Chính phủ vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Quyết tâm của Chính phủ là đạt được mức tăng trưởng GDP ngày càng cao hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn nữa chăm lo cho người dân, đồng thời kiên trì với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.
Từng là Trưởng Ban Chỉ đạo vùng nghèo nhất, đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất trong cả nước, vùng Tây Bắc, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số, mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống no đủ cho người dân, giúp người dân thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững.
“Công cuộc giảm nghèo là chặng đường dài, cái đích của nó không chỉ là giảm bao nhiêu phần trăm tỷ lệ hộ nghèo qua mỗi năm, mà còn là cảm nhận hạnh phúc, hài lòng của người dân về sự no đủ”, ông nhấn mạnh, “nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay, sự hài lòng của người dân còn khá mong manh, đòi hỏi Chính phủ không ngừng nỗ lực”.
Vào những thời khắc gay cấn như cuộc chiến với Covid-19 vừa diễn ra, Thủ tướng chỉ rõ rằng, “một chút quà, một chút hỗ trợ có thể làm người dân vui lên trong thoáng chốc, nhưng sau khí thế hoan hỉ, những tràng pháo tay, trở về với cuộc sống thường nhật, nếu khó khăn vẫn hoàn khó khăn, niềm tin của người dân sẽ lại phôi phai”.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, hỏi thăm, úy lạo người nghèo là việc rất cần làm, nhưng việc cần làm hơn cả là Chính phủ phải tận tâm tận lực, trong mọi hoàn cảnh không được lùi bước phát triển kinh tế, xây dựng thành công bộ máy chính quyền trong sạch đến tận cấp xã, một lòng vì dân phục vụ.
Ngày 20/5/2020, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 9. Có thể, đại biểu Quốc hội còn phải rơi lệ nhiều hơn khi có nhiều hơn người dân lâm vào cảnh khổ vì cuộc chiến với COVID-19.
Nhưng chắc hẳn đó không còn là giọt lệ trách cứ, bởi những điểm sáng nổi bật mà Quốc hội ghi nhận được ở Chính phủ trong thời gian qua, chính là một tinh thần lăn lộn không mỏi mệt ngày đêm xả thân vì dân.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ưu tiên của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là tập trung cùng với Chính phủ thảo luận, xem xét, quyết định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế sau đại dịch. Những việc gì trong thẩm quyền của Quốc hội thì làm ngay để hỗ trợ Chính phủ và người dân.
Trên thực tế, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ đặc biệt “ăn ý” giữa Chính phủ và Quốc hội. Ngay khi kết thúc ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, chiều tối 22/5/2017, ghi nhận những băn khoăn từ đại biểu về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập gấp cuộc họp các thành viên Chính phủ.
“Chúng ta họp để bàn thảo thật kỹ các kịch bản tăng trưởng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “phải nỗ lực chứng minh cho Quốc hội thấy Chính phủ lắng nghe, hành động và không nói suông, hứa suông”
Vào tháng 10 năm ngoái,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng chủ trì Hội nghị về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10/2019.
Trước mỗi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều có những chỉ đạo rất chi tiết từng thành viên Chính phủ chuẩn bị các tài liệu để báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với yêu cầu hàng đầu mà Thủ tướng nhấn mạnh là, “nghiêm túc, trách nhiệm”. Ông cũng yêu cầu phải lắng nghe và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân luôn kịp thời có những động viên, chia sẻ cùng Chính phủ. Vào đầu tháng 3 năm 2019, đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu làm việc với hàng loạt địa phương như Gia Lai, Bình Thuận, Kon Tum về phát triển kinh tế xã hội, trên tinh thần Quốc hội sát cánh cùng với Chính phủ nghiên cứu xem xét giải quyết thấu đáo, kịp thời khó khăn cho địa phương.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cũng thường nói rõ cho cử tri về những nỗ lực của cá nhân Thủ tướng cũng như cả Chính phủ.
Sự phối hợp rất “ăn ý” giữa lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội còn được thể hiện qua chặng đường dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Trong thời điểm nước rút từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có những chuyến đi châu Âu nối tiếp nhau với lịch làm việc dầy đặc và hành trình vất vả hàng chục giờ bay xuyên ngày đêm, không quản ngại nhọc nhằn để mang về lợi ích chung cho cả nền kinh tế nước nhà.
Dự kiến ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, 20/5/2020, Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo Lê Châu/Baochinhphu.vn