|
Cử tri nêu ý kiến ở buổi tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
|
Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết: Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội chủ động triển khai bằng nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, sinh hoạt ở tổ dân phố... để truyền tải thông tin dự thảo văn kiện đến với người dân.
Góp ý nhiều việc “nóng”
Việc góp ý được thực hiện thông qua công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Trong 10 năm qua, quận Tây Hồ đã tổ chức 75 cuộc đối thoại trực tiếp; trên cơ sở những kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân, bí thư các cấp ủy đảng đã tập trung giải quyết và chỉ đạo giải quyết kịp thời (tỷ lệ giải quyết hơn 80% số vụ việc). Bên cạnh đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trên địa bàn quận có hơn 910 lượt ý kiến tham gia góp ý xây dựng tổ chức đảng và hơn 8.715 ý kiến góp ý đảng viên; có 961 ý kiến tham gia góp ý đối với tổ chức, cơ quan và 872 ý kiến tham gia góp ý đối với cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử... nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
Tại huyện Thường Tín, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, để thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, định kỳ hằng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở trực tiếp góp ý với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các hội nghị. Trong đó, nội dung góp ý kiến tập trung vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành chính; việc phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai; công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô...
Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội được nâng lên. MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy tốt vai trò chủ trì trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố, thiết thực thể chế hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tăng đồng thuận, giảm bức xúc
Với hình thức góp ý định kỳ, MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên đã thực hiện góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp với tổng số 20.748 ý kiến. Với hình thức góp ý thường xuyên, MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên đã tham gia góp ý với tổ chức đảng 22.831 ý kiến thông qua hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và bằng văn bản góp ý với dự thảo kế hoạch chương trình công tác năm của cấp ủy cùng cấp gửi đầu nhiệm kỳ và hằng năm; với hình thức góp ý đột xuất, đã góp ý 11.317 ý kiến đối với dự thảo văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp trước khi được ban hành.
Phần lớn kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và xử lý từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp... Cùng với đó, việc tiếp thu ý kiến của nhân dân góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Thủ đô; đồng thời giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh với nhiệm vụ được giao.
Từ những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương phải rà soát lại các kiến nghị, góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng kiểm tra sau thanh tra, kết luận xem địa phương thực hiện các kết luận ra sao. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định này ■
Bài và ảnh: Quốc Toản/Theo Báo Nhân dân