Hiệu quả từ công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục luôn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A. Ảnh: Sơn Tùng
NHỮNG DẤU ẤN ĐỔI MỚI

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong PCTN được phát huy tốt hơn.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội tháng 8/2020 của Viện Dư luận xã hội, những việc làm trong công tác PCTN của Đảng, Nhà nước ta đã đạt kết quả nổi bật, đáng phấn khởi, được dư luận đánh giá cao thì “công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN cho cán bộ, đảng viên” đứng thứ ba trong số 19 việc được nêu ra. 

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN.

Thực tế cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN luôn được Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác quan trọng này. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN phong phú, bao quát đầy đủ các lĩnh vực.

 
Các cấp ủy, chính quyền, ban tuyên giáo các cấp, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các nghị quyết, chỉ thị, quy định, luật, nghị định… của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, gắn với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. 

Các cơ quan báo chí luôn theo dõi chặt chẽ và tuyên truyền kịp thời về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của các ban, bộ, ngành, địa phương và cả nước. Tập trung tuyên truyền kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, kết quả xử lý các vụ việc, đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Đảng về PCTN. Nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức triển khai các bài viết, chuyên đề phóng sự, bình luận, phân tích sâu về kết quả, bài học cũng như các vấn đề đặt ra sau các vụ án tham nhũng nghiêm trọng. 

Qua thống kê chưa đầy đủ của 40 tờ báo in và điện tử cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII cho đến nay, có 16.600 tin, bài về công tác PCTN.

Không chỉ phản ánh thông tin về kết quả đạt được của công tác PCTN, với tinh thần lấy “xây” để “chống”, công tác tuyên truyền đã chú trọng phản ánh gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình trong công tác xây dựng Đảng, công tác đấu tranh PCTN. Nhiều nội dung, thông tin kinh nghiệm bài học về PCTN của thế giới và các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam về PCTN đã được phản ánh kịp thời, thông tin với cộng đồng quốc tế về PCTN của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác PCTN giữa Việt Nam với các nước và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với đó, các hoạt động đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, các luận điệu lợi dụng PCTN để kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ được đẩy mạnh.

Cùng với việc chuyển tải nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN,  các hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, kết hợp nhiều loại hình tuyên truyền khác nhau như: tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền miệng, tờ gấp, tờ rơi, tài liệu, băng đĩa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các hội nghị tập huấn… Các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã chú trọng biên soạn, phát hành tài liệu, tờ gấp, DVD tiểu phẩm pháp luật tuyên truyền về PCTN. Từ năm 2016 đến 2019, đã xuất bản hơn 677.999 cuốn sách, tài liệu về PCTN; xuất bản 2.419.518 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN. 

Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường buổi nói chuyện chuyên đề, đối thoại về công tác PCTN tại khu dân cư, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa hoặc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Lồng ghép nội dung công tác PCTN vào các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt câu lạc bộ, thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc… Các bộ, ngành địa phương đã tổ chức các cuộc thi về PCTN với nhiều hình thức như “Tìm hiểu pháp luật về PCTN”, hội thi “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi”, hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…. Nhiều lớp tập huấn kiến thức về PCTN được tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong cả nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” thu hút đông đảo các cơ quan báo chí tham gia. Năm 2018 - 2019, đã có 1.046 tác phẩm ở các loại hình tham dự giải thưởng.

 Họp Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba.
Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Có thể khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN đã mang lại kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được nâng lên, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng đối với việc giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tầm quan trọng cũng như những khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Từ đó, nhận thức rõ hơn đấu tranh PCTN là cuộc chiến liên tục, lâu dài, nhiều chông gai, quyết liệt mà  mỗi người dù ở vị trí công tác nào đều cần góp sức mình để phòng, chống và đẩy lùi tham nhũng. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã xác định rõ hơn, đấu tranh PCTN là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nêu cao ý thức trách nhiệm của mình trong công tác này. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên trước quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục PCTN tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về nhiệm vụ đấu tranh PCTN.

Khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc PCTN, việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của bộ máy và đội ngũ cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kết quả đạt được của công tác PCTN cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo không khí tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và quyết tâm PCTN của Đảng ta.

Thông tin, tuyên truyền về PCTN cần chú trọng nêu gương điển hình, biểu dương người tốt, việc tốt; giảm hiện tượng nêu, phản ánh sự việc mà chưa kiểm chứng, xác minh thông tin để đảm bảo thông tin chuẩn xác, khách quan. Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao đạo đức trong Đảng và trong xã hội, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tự phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, đặc biệt là đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong PCTN.

Ba là, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về PCTN của các cơ quan có trách nhiệm; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, định hướng, nhất là với các cơ quan báo chí. Hình thành cơ chế chặt chẽ để tăng cường tham gia của người dân trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, tuyên truyền về PCTN.

Bốn là, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sức chiến đấu của các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác thông tin, tuyên truyền PCTN. Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền hằng năm về PCTN. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng, dung lượng thỏa đáng cho nội dung PCTN. Chú trọng, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người làm báo đối với công tác PCTN, quan tâm bổ sung lực lượng phóng viên tham gia trực tiếp cho mảng đề tài trọng yếu  này.

Cùng với công tác phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền PCTN, cần chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền khác nhằm phát huy thế mạnh của từng loại hình tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, thời điểm trong công tác thông tin, tuyên truyền PCTN. Đặc biệt, quan tâm tới công tác tuyên truyền PCTN trên Internet và mạng xã hội.

Năm là, tăng cường công tác giáo dục về PCTN, đưa nội dung PCTN vào các chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, trường chính trị. Chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; lồng ghép nội dung PCTN vào các môn học, các chương trình giáo dục, đào tạo.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường nắm bắt các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước.

Bảy là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo đảm kinh phí cho công tác tuyên truyền, PCTN, lãng phí. Khen thưởng kịp thời những cơ quan, tổ chức và cá nhân làm tốt công tác này; bảo vệ những người tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi, dấu hiệu tham nhũng. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN./.

Theo TS. Hà Dũng Hải/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều