|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ẢNH: KỲ ANH |
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của chính quyền cơ sở dựa trên quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc được thực hiện thông qua những hình thức cơ bản: Giám sát thông qua nghiên cứu văn bản; Giám sát thông qua tổ chức Đoàn giám sát; Giám sát thông qua giám sát cùng với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát của Nhân dân.
Giám sát thông qua nghiên cứu văn bản
Là việc Mặt trận Tổ quốc các cấp nghiên cứu các dự thảo văn bản hoặc văn bản về ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện, qua đó phát hiện những vấn đề chưa phù hợp của văn bản, từ đó góp ý, kiến nghị chính quyền cơ sở sửa đổi, bổ sung để văn bản đó đúng pháp luật, sát thực tế, khả thi hơn, mang lại kết quả tốt hơn.
Việc nghiên cứu giám sát thông qua văn bản cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị trước khi ban hành để có hiệu quả kịp thời, tránh thiệt hại. Trong trường hợp văn bản đã ban hành nhưng phát hiện có vấn đề cần sửa đổi thì Mặt trận Tổ quốc cũng kiến nghị chính quyền sửa đổi.
Thực tế cho thấy, việc giám sát qua nghiên cứu văn bản được thực hiện chủ yếu trong quá trình chính quyền cơ sở chuẩn bị tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Đây là thời điểm quan trọng trong hoạt động của chính quyền cơ sở về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và do đó Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt việc giám sát quá trình chuẩn bị kỳ họp. Để làm tốt việc này, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện tốt một số công việc như sau:
1) Phối hợp với thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân bàn và thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, phân công chuẩn bị các văn bản và công việc của kỳ họp, qua đó nắm được những nội quy các văn bản chính quyền cơ sở sẽ xây dựng và triển khai, từ đó Mặt trận Tổ quốc có cơ sở để nghiên cứu, góp ý, phản biện xã hội.
2) Mặt trận Tổ quốc cơ sở yêu cầu thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cung cấp các văn bản dự thảo quan trọng nhất và thấy cần thiết sẽ phản biện xã hội, góp ý…
3) Tổ chức tốt việc phối hợp tiếp xúc cử tri để Nhân dân đóng góp ý kiến vào các vấn đề mà kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân bàn và quyết định.
4) Tổ chức phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với các dự thảo văn bản quan trọng (nghị quyết, đề án, kế hoạch…).
5) Chuẩn bị bài viết về thông báo xây dựng chính quyền để thông báo tại kỳ họp. Thông báo này của Mặt trận Tổ quốc dựa trên ý kiến phản biện xã hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở, về các vấn đề mà Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân sẽ thực hiện. Thông báo cần thể hiện chính kiến của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân đối với các chủ trương, công việc mà chính quyền cơ sở dự kiến họp, thông qua, từ đó giúp các đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận trước khi biểu quyết.
Thông qua hoạt động phối hợp chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và nghiên cứu văn bản, Mặt trận Tổ quốc đã phát huy tốt trí tuệ của Nhân dân, các chuyên gia và cán bộ Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền. Cũng thông qua chuẩn bị và tham dự kỳ họp.
Giám sát thông qua tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp
Hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên theo chương trình phối hợp được ký kết hàng năm giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cơ sở và cũng thực hiện đột xuất khi cần thiết.
Để thực hiện việc giám sát trực tiếp này, Mặt trận Tổ quốc sau khi lựa chọn nội dung giám sát, cần báo cáo cấp ủy cơ sở và Mặt trận Tổ quốc cấp trên để thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo việc giám sát. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ra quyết định giám sát; quyết định thành lập Đoàn giám sát (Tổ) gồm thường trực Mặt trận Tổ quốc, đại biểu tổ chức thành viên, đại biểu Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư (tùy theo nội dung); xây dựng kế hoạch giám sát; gửi thông báo đến tổ chức, cơ quan được giám sát và chính quyền cơ sở để yêu cầu chuẩn bị nội dung và thời gian làm việc đối với Đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát nghe báo cáo của chính quyền cơ sở về nội dung giám sát, trao đổi giữa đoàn giám sát với chính quyền cơ sở, nếu cần thì khảo sát thực tế để tìm hiểu làm rõ vấn đề. Sau giám sát, đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc họp đánh giá, kết luận hoạt động giám sát báo cáo Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc cấp trên và gửi kết luận giám sát chính quyền cơ sở. Thông báo cần nhận xét, đánh giá, động viên, nhắc nhở và những yêu cầu chính quyền cơ sở cần khắc phục để thực hiện tốt hơn trong lĩnh vực được giám sát. Thông báo công việc, thông tin rộng rãi để Nhân dân được biết.
Tham gia giám sát với cơ quan có thẩm quyền
Cùng với hoạt động tổ chức đoàn giám sát trực tiếp, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn tham gia giám sát cùng với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu như: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cơ sở trong việc giám sát kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Ủy ban nhân dân… Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp trên, chính quyền cấp trên; cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên, thanh tra nhà nước… Khi các cơ quan này tiến hành kiểm tra, giám sát tại cơ sở.
Để làm tốt trách nhiệm trong hoạt động này, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện một số công việc như: Nắm vững yêu cầu của đoàn giám sát phân công; cử cán bộ Mặt trận Tổ quốc tham gia thành viên của đoàn; thu thập, cung cấp tài liệu… phục vụ giám sát; tham gia các hoạt động của đoàn giám sát và tổ chức các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân theo yêu cầu của Đoàn (khảo sát, đối thoại…); chuẩn bị văn bản báo cáo của Mặt trận Tổ quốc về nội quy đoàn giám sát.
Đây là hoạt động thường xuyên trong thực tế và có kết quả tốt, góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền nắm vững thông tin để kiểm tra giám sát, kết luận giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở các địa phương như: Giải quyết những vấn đề liên quan đến dồn điền đổi thửa; thực hiện các chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chất lượng cao và vùng chuyên canh, chính sách liên kết vùng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; vấn đề quản lý chung cư; cải tạo chung cư cũ; quản lý đất đai, mâu thuẫn, khiếu nại, giải phóng mặt bằng, đền bù khi thu hồi đất; khoanh vùng chăn nuôi gia súc gia cầm; thực hiện nghĩa vụ thuế; vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Việc Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia giám sát cùng các cơ quan có thẩm quyền đã giúp phát hiện nhiều vấn đề, từ đó uốn nắn, bổ sung, khắc phục kịp thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xử lý kịp thời các vi phạm, bổ sung điều chỉnh kịp thời chính sách.
Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là một hình thức rất quan trọng để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, luôn được Mặt trận Tổ quốc các cấp coi trọng.
Nhân dân kiểm tra và giám sát là chế định đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác, đặc biệt là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Khoản 2 Điều 37 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định rõ: “Công dân thực hiện việc kiểm tra giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc cấp xã, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật”.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng quy định cụ thể những nội quy Nhân dân được kiểm tra, giám sát ở cơ sở, những hình thức kiểm tra, giám sát trực tiếp và giám sát qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc cơ sở cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Kiểm tra việc thực hiện các quyết định đã được Nhân dân bàn và quyết định. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc thực hiện dân chủ cơ sở của chính quyền địa phương, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó; Yêu cầu chính quyền cơ sở, cán bộ, công chức cơ sở cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh kiểm tra giám sát; Tiếp nhận, xem xét, xác minh vụ việc theo kiến nghị của công dân, cộng đồng dân cư; Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức chính quyền, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố khắc phục giải quyết các vụ việc được thanh tra nhân dân và Mặt trận Tổ quốc kiến nghị.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư công ở cơ sở xem có phù hợp với chủ trương, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn; việc chủ đầu tư có chấp hành các chính sách, các quy định về bảo vệ môi trường xử lý chất thải, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kế hoạch tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng nguyên vật liệu. Giám sát tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật định mức, chủng loại vật tư, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình. Phát hiện những sai phạm gây tổn hại lợi ích cộng đồng dân cư…
Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin về quy hoạch và tài liệu liên quan đến đầu tư xây dựng, đất đai; yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, xử lý các vi phạm và trả lời cho cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc.
Mặt trận Tổ quốc các cấp giúp Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện tốt các nội quy hoạt động giám sát nói trên có hiệu quả chính là đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát ở cơ sở.
Từ thực tế hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở cho thấy những kết quả tích cực đã đạt được. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nắm vững những quy định của pháp luật, đồng thời luôn bám sát tình hình thực tiễn của địa phương để từ đó phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia hoạt động giám sát.
Các hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã có hiệu quả cao trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, qua đó giúp cho chính quyền cơ sở làm tốt hơn trách nhiệm công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giúp cho việc đầu tư xây dựng cơ bản thiết thực hơn, phù hợp quy hoạch kế hoạch, các công trình dự án hoàn thành theo tiến độ, chất lượng công trình tốt hơn, giảm bớt thất thoát, lãng phí, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân địa phương.
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ trong hoạt động giám sát đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở, cần khắc phục và giải quyết một số vấn đề, như: Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội sát với thực tế. Các bộ luật và chính sách ban hành cần đảm bảo hài hòa, lợi ích Nhân dân.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp cho phù hợp, đúng với vị trí vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, trong đó tập trung vào nhiệm vụ tham gia giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận Trung ương, các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu quy định lại số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phù hợp hơn, không nên hạn chế số lượng vì có thời điểm cơ sở có nhiều dự án, nhiều nội dung hoạt động cần có đủ thành viên. Mặt khác, nên cho phép nhiệm kỳ Ban Thanh tra nhân dân là 5 năm như nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, khi khuyết số lượng thì bầu bổ sung.
Đỗ Thị Vân An - Thạc sĩ, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và
Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam