Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều thành công, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền. Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đang đến gần, là đại hội của chuyển giao thế hệ, chính vì vậy chúng ta phải lựa chọn vào bộ máy lãnh đạo những cá nhân có bản lĩnh, liêm chính, được nhân dân thừa nhận. Đây cũng là một trong những vấn đề sẽ được Trung ương thảo luận cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 11/5.
Hội nghị Trung ương 11 diễn ra từ ngày 7-12/10/2019
Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào Đảng ta luôn khẳng định công tác cán bộ chịu sự quy định của đường lối chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị; cho nên đồng thời với chuẩn bị đường lối chính trị phải tích cực chuẩn bị và tiến hành đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Chính vì vậy phải lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài.
"Muốn như thế phải thật sự phát huy dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ chức Đảng và người đứng đầu chống tư tưởng cục bộ địa phương thân quen cánh hẩu, lợi ích nhóm, tránh cách làm giản đơn, tùy tiện vô nguyên tắc. Các cụ bảo rồi, đừng thấy đỏ tưởng là chín chắc rồi, đừng thấy mã bên ngoài nó che đậy cái sơ sài bên trong mà không biết, khen cho con mắt tinh đời, phải tinh tường, anh hùng đoán giữa trần ai mới là. Bây giờ chưa phát triển, biết chiều hướng sắp tới ông sẽ giỏi, làm tổ chức như thế mới giỏi”-Tổng Bí thư lưu ý.
Thực tế cho thấy, vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, đánh giá tốt cán bộ để chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo khóa mới là câu chuyện vô cùng khó khăn. Bởi bài học nhãn tiền vẫn còn đó như trong các năm 2017 - 2018. Dư luận ngỡ ngàng khi một số quan chức cấp cao ở Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng vũ trang vướng vào vòng lao lý, do có nhiều sai phạm. Các hình thức xử lý nghiêm minh đã được đưa ra với những người vi phạm. Qua đó, Trung ương cũng nhận thấy nhiều việc cần phải tiếp tục chấn chỉnh về công tác cán bộ.
Trước thực tế này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205 “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Việc ban hành riêng một quy định về vấn đề này trong bối cảnh chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các cấp và Đại hội XIII của Đảng đã cho thấy những bước đi bài bản, quyết liệt và cứng rắn của Trung ương Đảng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tư duy dòng họ, cả nhà làm quan, tạo lợi ích nhóm.
Do vậy, muốn lựa chọn tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp phải bắt đầu bằng việc hạn chế, chấm dứt tình trạng cơ hội, bè phái, gây mất đoàn kết, tham ô, tham nhũng. Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, muốn vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải “nâng cao đạo đức cách mạng”, trách nhiệm tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, nêu gương sáng trước quần chúng nhân dân.
"Thực tế cho thấy chỉ có thể thành công nếu cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để trở thành người có đức, có tài, vừa hồng, vừa chuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, ông Thắng nêu rõ.
Đại hội XIII của Đảng sẽ được tiến hành vào thời điểm đất nước ta trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045.
Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó phải là những người thật sự có tâm, có tầm, đặt lợi ích của Đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết, là trung tâm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra.
Theo Văn Hiếu/VOV1